XEM CLIP:

5 ngư dân gặp nạn trên biển gồm thuyền trưởng Bùi Văn Toàn (50 tuổi), cùng 4 thuyền viên được tàu Hải quân 466 đưa về cảng ở Khánh Hòa sáng nay (24/7). Đây là 5 người trên tàu cá Bình Thuận bị chìm hôm 10/7, được tàu chở hàng nước ngoài cứu vào trưa 22/7. 

Chắt chiu từng giọt nước, động viên nhau duy trì sự sống

Thoát nạn sau 12 ngày bám thuyền thúng lênh đênh trên biển giành giật sự sống, vẻ mặt các thuyền viên chưa hết mệt mỏi. Nhất là trên hành trình ấy, họ phải chứng kiến bạn thuyền chết vì kiệt sức, phần khác đối mặt khó khăn do toàn bộ ngư cụ, thiết bị, tài sản chìm theo con tàu.

Vẻ mặt tiều tụy, đôi mắt trũng sâu, thuyền trưởng Bùi Văn Toàn cho hay, tàu ông có 15 người đánh bắt hải sản, trên đường trở về thì gặp giông gió. Từng đợt sóng biển vỗ mạnh, dâng cao khiến nước tràn vào. Các thuyền viên cố tát nước, tìm đủ cách khắc phục, song mọi nỗ lực đều bất thành. Tàu chìm nhanh, thức ăn, nước uống đều chìm dưới biển theo tàu.

Ông Bùi Văn Toàn, thuyền trưởng tàu đánh cá bị chìm kể lại thời gian giành giật sự sống trên biển

Là thuyền trưởng, ông Toàn phải đưa ra quyết định khó khăn nhất của cuộc đời, đó là chia mọi người thành hai nhóm, lên hai thuyền thúng. Một bên 7 thành viên, còn ông lên chiếc thúng có 8 người. 

Những ngày trôi dạt, nhóm của thuyền trưởng phó mặc cho sóng gió đẩy đưa. Trong tình cảnh đói, khát họ đành uống nước biển để bớt khô họng, vớt rong để ăn và hứng nước mưa chắt chiu, chia nhau từng ngụm.

"Khi đó, ai cũng hoảng loạn nhưng rồi để tìm kiếm cơ hội sống sót, chúng tôi tự động viên nhau trấn tĩnh, lạc quan cùng bám trụ với niềm tin sẽ được cứu”, ông Toàn nhớ lại.

Thuyền viên Bùi Văn Vinh, 42 tuổi, ôm chặt vợ mình khi lên bờ sau 12 ngày lênh đênh trên biển. Ông Vinh là em ruột của thuyền trưởng Bùi Văn Toàn, đây là lần thứ 2 ông gặp biến cố, song điều kỳ diệu đều đến với thuyền viên này

Người thuyền trưởng chia sẻ thêm, những khi như thế mình phải cố bình tĩnh, bởi ông ý thức "thuyền trưởng nản chí thì mọi người sẽ buông xuôi".

Từng là người gặp nạn khi đi biển, ông Toàn nói, sau sự cố này như được sinh lại thêm lần nữa. Bởi, 8 năm trước, tàu do ông Toàn làm thuyền trường cũng từng bị sóng đánh chìm ở vùng biển Kê Gà (Bình Thuận), sau đó nhiều thuyền viên được cứu. Tuy nhiên, ông Toàn chia sẻ "sau đây muốn nghỉ ngơi một thời gian, khi tinh thần ổn định sẽ tính chuyện quay trở lại với biển, chớ không bỏ, vì đó là nghề nuôi sống cả gia đình".

Sống sót nhờ may mắn cùng kinh nghiệm đi biển

Ngồi kế ông Toàn, thuyền viên lớn tuổi nhất đoàn, ông Nguyễn Văn Mỹ (58 tuổi) bày tỏ, nhờ kinh nghiệm hơn 30 năm đi biển, ông mới duy trì được sự sống, chờ tàu đến cứu.

Thuyền viên này chia sẻ, để duy trì sự sinh tồn, các thuyền viên có lúc khát đến cháy họng, nhưng theo kinh nghiệm chỉ uống từng ngụm nước biển để vơi cơn khát, tránh uống nhiều dễ bị suy thận. 

Ông Nguyễn Văn Mỹ (58 tuổi) được các bác sĩ quân y chăm sóc y tế

Giữa biển mênh mông, thuyền thúng 4 lần lật úp, hất mọi người xuống biển, nhưng ai cũng cố ngoi lên, bởi còn sức nên ráng bám trụ. Rồi ông cùng thuyền trưởng Toàn liên tục động viên các thuyền viên khác không được hoảng loạn. Khi một vài anh em thiếp đi, các đồng nghiệp ở kế bên phải vỗ dậy. Nhiều lúc cả mấy người cùng muốn buông tay như những người trước đó, nhưng rồi họ lại cố động viên nhau chờ được cứu. 

Ngư dân Nguyễn Văn Mỹ kể lại kinh nghiệm chống chọi giữa biển và cho biết tay bị nhiều vết lở loét do ngâm nước. Còn bà Nguyễn Thị Hòa (vợ ông Mỹ) không giấu được cảm xúc khi gặp lại chồng sau chuyến biển định mệnh.

Nén đau thương, ông Mỹ kể, trước thời điểm được cứu ba ngày, 3 người trên thúng kiệt sức nên tử vong, trong đó có cháu họ và chú họ của ông. Cả nhóm đành thả xác xuống biển, rồi chỉ biết cầu trời phù hộ cho những ngày tiếp theo.

Tuy nhiên, khi trời bắt đầu tối, từng đợt sóng ập đến dữ dội hơn, có khi hất tung chiếc thuyền thúng lên cao rồi rơi xuống. Biển đêm lạnh lẽo, còn 5 người trôi dạt không có phương hướng. Đó là khoảng thời gian kinh khủng nhất, bởi xung quanh mọi thứ tĩnh lặng, không gian đáng sợ.

Thuyền viên Lê Văn Dũng (36 tuổi) và vợ là chị Đàm Thị Ngọc Hiệp

Suốt thời gian trôi dạt trên biển, có những lúc các ngư dân trông thấy một số tàu chạy qua nhưng tiếng kêu của họ lọt thỏm giữa sóng biển gầm gào. Đến trưa 22/7, điều kỳ diệu đã đến, họ nhìn thấy tàu chở hàng chạy ngang qua nên cố hết sức la hét nhưng khi đó người trên tàu không nghe thấy.

Nhưng may mắn mỉm cười, các thuyền viên của tàu đã phát hiện ra họ và cho tàu quay lại cứu vớt. 5 ngư dân được đưa lên tàu sưởi ấm, chăm sóc y tế, cho ăn uống. Sau đó, họ chuyển sang tàu Hải quân 466 đưa về bờ.

Gia đình lập bàn thờ vì nghĩ người thân đã mất ngoài biển

Thức trắng nhiều ngày mong ngóng tin, bà Nguyễn Thị Hòa (58 tuổi), lao tới ôm chồng là ông Mỹ khi họ về tới cảng Cam Ranh (Khánh Hòa). Hai mắt đỏ hoe, người run rẩy, giọng bà nghèn nghẹn, rồi xót xa nhìn các vết thương lở loét của chồng.

Người phụ nữ nước da đen nhẻm, giọng đặc vùng biển, trông khắc khổ nói, khi nghe chồng bị nạn, cả nhà “đứng ngồi không yên”. Bà liên tục nhận điện thoại từ người thân, bạn bè hỏi thăm. Người vợ chỉ biết cầu nguyện, mong chồng và bạn thuyền bình an, song trải qua nhiều ngày không nhận được tin, gia đình ai cũng buông xuôi, nghĩ tới tình huống xấu nhất là ông đã mất ngoài biển. “Ở nhà, tôi đã lập bàn thờ chồng, nhưng điều kỳ diệu đã xảy ra, chồng vẫn còn sống, tôi chỉ biết mừng rỡ”, bà Hòa rưng rưng nói.

Ngư dân Nguyễn Thành La (40 tuổi), được chiến sĩ Hải quân dìu lên xe để trở về quê nhà tại Bình Thuận.

Cũng trong đoàn người thân ra đón, chị Bùi Thị Mỹ Ngọc, con gái thuyền trưởng Bùi Văn Toàn hỏi han cha đủ điều, rồi điện thoại liên tục reo khi nhiều người gọi tới hỏi thăm. Chị Ngọc chia sẻ, những ngày qua, căn nhà ở xóm biển của mình bao trùm không khí nặng nề khi nghe tin tàu bị chìm. Mọi người động viên, còn gia đình tin rằng ba vẫn còn sống, bởi ba từng gặp nạn và vượt qua được.

"Khi có tin 4 ngư dân đã được cứu, còn tin tức về ba vẫn “biệt vô tâm tín”, gia đình đã nghĩ tới tình huống xấu nhất. Mọi người mua bàn thờ, xem ngày để tang ba. Nhưng rồi, kỳ tích đã tới, ba vẫn còn và được cứu sống. Mẹ em sức khỏe yếu khi vừa trải qua phẫu thuật nên ngất lên ngất xuống. Giờ muốn ra đón ba cũng không đủ sức”, Ngọc nói.

Trước đó, sau 20 ngày đánh bắt, tàu cá do ông Toàn trên đường trở về bờ thì bị chìm, ngày 10/7. Sau 9 ngày trôi dạt, tàu cá Bình Định phát hiện thuyền thúng có 4 ngư dân đã cứu vớt, khi cách đảo Sinh Tồn, Trường Sa, chừng 80 hải lý. Tuy nhiên, 3 người trong nhóm đã chết trước đó vì đói khát, và thi thể cũng phải thả xuống biển. Những người sống sót đã được đưa về đất liền đoàn tụ cùng gia đình.

Ngư dân vụ tàu mất tích: 'Tôi đứt ruột khi thả xác người thân xuống biển'

Ngư dân vụ tàu mất tích: 'Tôi đứt ruột khi thả xác người thân xuống biển'

Sau khi tàu chìm, 15 thuyền viên xuống 2 thuyền thúng, nhịn đói và uống nước mưa suốt 9 ngày. Có người không chịu nổi, đã tử vong, được bó xác thả xuống biển.
Ngư dân vụ chìm tàu cá Bình Thuận: ‘Chỉ 5 phút nữa thôi 5 người chúng tôi sẽ chết’

Ngư dân vụ chìm tàu cá Bình Thuận: ‘Chỉ 5 phút nữa thôi 5 người chúng tôi sẽ chết’

Tàu đánh cá bị chìm nhanh, 5 thuyền viên quê Bình Thuận bám vào thuyền thúng suốt 12 ngày trong tình trạng sóng to và cạn lượng thực khiến mọi người rất hoảng loạn.
Thuyền trưởng tàu chìm: 'Đau xót vì quá nhiều người chết trên biển’

Thuyền trưởng tàu chìm: 'Đau xót vì quá nhiều người chết trên biển’

Sau nhiều giờ vượt biển, tàu 466 Vùng 4 Hải quân đã tiếp cận tàu chở hàng nước ngoài, đón 5 ngư dân Bình Thuận đưa về bờ. Các ngư dân dù được cứu nhưng không giấu được nỗi buồn khi chứng kiến các bạn thuyền tử nạn.