1. Giáo sư Nguyễn Ngọc Doãn từng làm phó giám đốc bệnh viện nào suốt 16 năm?

  • Bệnh viện Bạch Mai
  • Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức
  • Bệnh viện Trung ương Quân đội 108
Chính xác

Tốt nghiệp trường Y Đông Dương năm 1939 với thành tích xuất sắc, bác sĩ Nguyễn Ngọc Doãn làm việc một thời gian tại Bệnh viện Đồn Thủy (tiền thân Bệnh viện Trung ương Quân đội 108) rồi mở bệnh viện tư tại phố Sơn Tây, Hà Nội.

Cách mạng Tháng Tám thành công, bác sĩ Doãn xung phong nhập ngũ, phụ trách quân y một số đơn vị. Hòa bình lập lại, ông là Viện trưởng Viện Quân y 9, sau đó là Phó Viện trưởng Viện 108 (1963-1979). Ngoài ra, ông còn tham gia giảng dạy tại Trường Đại học Y Hà Nội. 

Phó giáo sư Vũ Điện Biên kể lại những kỷ niệm về người thầy của mình: “Giáo sư khám bệnh rất cẩn thận, hỏi han tỉ mỉ từng bệnh nhân. Ông luôn chỉ đạo sử dụng thuốc hợp lý, an toàn. Mỗi lần nhìn thấy các bác sĩ kê đơn chưa hợp lý, kê nhiều thuốc, ông đều nhắc nhở nhẹ nhàng: Uống cháo thuốc thế này thì dễ bị loạn lắm”. 

2. Giáo sư Doãn là chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực nào?

  • Nội khoa
  • Dược lý học
  • Cả hai
Chính xác

Giáo sư Doãn là chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực Nội khoa và Dược lý học, là người đặt nền móng cho sự hình thành và phát triển chuyên ngành Dược lý Việt Nam.

Ông còn là Chủ nhiệm Bộ môn Dược lý Trường Đại học Y Hà Nội, Phó Chủ tịch Hội đồng Dược điển, Phó Chủ tịch Hội đồng Nội khoa, Tổng hội Y học, tác giả của hơn 70 đề tài và 10 cuốn sách có giá trị nghiên cứu về nhiều bệnh lý. Cùng các đồng nghiệp, ông nghiên cứu áp dụng thuốc điều trị rối loạn nhịp tim, tăng huyết áp, suy tim, thấp tim, viêm cầu thận mạn, viêm cột sống dính khớp...

3. Năm 1958, gia đình bác sĩ Nguyễn Ngọc Doãn đã có đóng góp vật chất gì cho đất nước?

  • Hiến đất
  • Hiến tặng vàng
  • Hiến tặng bệnh viện
Chính xác

Bác sĩ Nguyễn Ngọc Doãn sinh ngày 17/6/1914, tại làng Thịnh Hào, Đống Đa, Hà Nội. Xuất thân trong một gia đình dòng dõi trí thức, ông học phổ thông tại Trường Albert Saraut, tiếp tục thi đỗ trường Y Đông Dương, đạt thành tích xuất sắc trong 6 năm học tại đây. Sau khi làm tại Bệnh viện Đồn Thủy và tự lập bệnh viện tư, ông xung phong vào mặt trận để cứu chữa cho thương bệnh binh. Năm 1958, bác sĩ Doãn và gia đình đã hiến tặng bệnh viện tư của mình cho Nhà nước. 

4. Khi làm lãnh đạo ở Bệnh viện 108, bác sĩ Doãn thường đi bằng phương tiện gì?

  • Xe đạp
  • Xe máy
  • Xe bus
Chính xác

Theo lời kể của Đại tá, bác sĩ Nguyễn Chi Phương (Nguyên Chủ nhiệm Khoa Vi sinh vật, Bệnh viện 108), bác sĩ Doãn sống trong một căn nhà giản dị trên phố Hàng Bông, không có tủ chè, sập gụ. Hằng ngày, ông đi xe đạp vòng qua Nhà hát Lớn tới Bệnh viện 108. Khi bệnh viện có một bộ phận sơ tán gần thị xã Hà Đông, ông đi xe đạp tới lui để làm nhiệm vụ. 

Thời buổi bao cấp, kinh tế đất nước khó khăn, bác sĩ Doãn cũng mang cặp lồng cơm đến ăn cùng đồng nghiệp. “Là chỉ huy viện nhưng bữa ăn của anh rất đạm bạc, hôm thì có vài quả cà pháo với mấy miếng thịt rim, hôm thì có mấy đụm rau xào với mấy con tôm rang, bữa nào sang trọng có quả trứng luộc... Nhưng anh ăn rất ngon miệng”, bác sĩ Phương nhớ lại.  

Đến khi được phong hàm Thiếu tướng, bác sĩ Doãn vẫn giữ nếp sống bình dị của mình. 

5. Con phố mang tên bác sĩ Nguyễn Ngọc Doãn nằm ở quận nào của Hà Nội?

  • Đống Đa
  • Hai Bà Trưng
  • Hoàn Kiếm
Chính xác

Quận Đống Đa có tới 7 đường phố đặt tên theo các thầy thuốc được nhiều người biết tới của Việt Nam. Đặc biệt, các dãy phố này nằm khá gần nhau và gần Trường Đại học Y Hà Nội. Đó là phố Hồ Đắc Di, Hoàng Tích Trí, Phạm Ngọc Thạch, Nguyễn Ngọc Doãn, Đặng Văn Ngữ, Tôn Thất Tùng, Trần Hữu Tước.

Bác sĩ Nguyễn Ngọc Doãn mất năm 1987. Tới năm 2018, tên của ông được đặt cho con phố dài 600m, rộng 14m ở quận Đống Đa. Phố bắt đầu từ ngã ba giao cắt phố Phạm Ngọc Thạch tại số nhà 80-82 đến ngã tư giao cắt phố Đặng Văn Ngữ, Hồ Đắc Di tại số nhà 1.