Thảo luận về báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2022; tình hình triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước những tháng đầu năm 2023, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nói “tôi có cảm giác rất nhiều màu hồng”. 

Cần xem lại sở hữu chéo, sân sau của ngân hàng 

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, báo cáo phân tích về tồn tại hạn chế và nguyên nhân không rõ. Dẫn chứng trong kết quả năm 2022, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị cần đánh giá đúng thực chất biểu đồ tăng trưởng của đất nước. Thực ra không phải đến quý 1/2023 mới giảm đột ngột, rơi từ 8,2% xuống 3,3% mà cuối quý 3, đầu quý 4/2022 đã có xu hướng giảm. Việc này đã có nhận định, báo cáo bổ sung và cần phân tích tồn tại hạn chế khoa học, chặt chẽ, đầy đủ hơn.

Về tình hình đầu năm 2023, Phó Chủ tịch dẫn lại đánh giá của Chính phủ nêu đã tạo chuyển biến tích cực trong một số lĩnh vực như thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản, đầu tư công, khơi thông điểm nghẽn dòng tiền cho nền kinh tế. Tuy nhiên, thực tế nhiều chuyên gia và nhà khoa học cho rằng, dòng tiền vẫn còn nghẽn, chưa phát huy tác dụng. 

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương

Vì vậy, Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý, đánh giá lạc quan thì xác định biện pháp điều hành tới đây rất khó. 

“Cần xem lại sở hữu chéo, sân sau của ngân hàng là các doanh nghiệp thân thuộc, kể cả các ngân hàng thương mại”, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ đánh giá cho đúng.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cũng cho rằng, đánh giá về nội tại bên trong của nền kinh tế theo báo cáo của Chính phủ chưa rõ những yếu kém như: Thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp, sự yếu kém của ngân hàng chưa được xử lý dứt điểm; khả năng chống chịu, thích ứng của nền kinh tế trước tác động bên ngoài còn rất hạn chế…

“Kinh tế của chúng ta là kinh tế mở nhưng nếu bên trong tốt thì giảm thiểu được tác động bên ngoài, nhưng bên trong như thế, doanh nghiệp, người dân bị bào mòn sức lực. Chúng tôi đi tiếp xúc cử tri thì doanh nghiệp nói rất thẳng thắn và người ta đã dùng những đồng cuối cùng dự trữ của họ để trang trải cho 2 năm qua, bây giờ thì không còn gì nữa”, Phó Chủ tịch Quốc hội lo lắng.

Bày tỏ hoàn toàn đồng tình với 3 giải pháp Chính phủ nêu, Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý, cần cụ thể hơn, nhất là với những yếu kém tồn tại trong nội tại của nền kinh tế, năng lực điều hành, quyết định các vấn đề trước tình huống, các giai đoạn có tính chất đặc biệt quan trọng. 

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội, trong điều hành cần có quyết đoán, linh hoạt và mạnh mẽ hơn, không chỉ với Chính phủ mà còn với bộ ngành các cấp, địa phương.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng đề nghị báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra cần ngắn gọn, khái quát, sát thực, khách quan hơn và có trọng tâm, trọng điểm.

Trong đó, Chủ tịch Quốc hội ghi nhận nỗ lực rất lớn khi giữ ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định tỷ giá và lạm phát. Nội dung này báo cáo cần phải nhấn mạnh, làm nổi bật hơn.

Chủ tịch Quốc hội cũng nêu rõ, năm 2022, có những lúc rất đáng lo, nhưng vẫn giữ vững ổn định và vượt qua được, điều đó cho thấy nỗ lực ổn định kinh tế vĩ mô trước những cú sốc lớn là đáng ghi nhận.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ

Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý đến nhiều tồn tại, bất cập về chính sách tài chính, tiền tệ, bất động sản,… Chính phủ cần đánh giá sát hơn tình hình năm 2023 để có kịch bản ứng phó kịp thời. 

Chủ tịch Quốc hội cho rằng, những con số nói hết tất cả, cho thấy các thị trường đang vướng mắc, doanh nghiệp, người dân đang khó khăn. Vì vậy, Chính phủ phân tích rõ nguyên nhân chủ quan, khách quan để có giải pháp tập trung.

Trong đó, phải tập trung cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, siết chặt kỷ cương hành chính, công vụ. 

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng đặt vấn đề một bộ phận cán bộ lẩn tránh, né tránh trách nhiệm, sợ sai, không chịu làm, đùn đẩy trách nhiệm khi “việc của anh đùn cho người khác, việc cấp dưới đẩy lên cấp trên” thì có phải là nguyên nhân chính?

Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh cũng nêu hiện tượng cán bộ né tránh, thiếu trách nhiệm, không dám nghĩ, không dám làm, làm việc cầm chừng xảy ra khá phổ biến ở các địa phương, bộ, ngành.

Theo bà Thanh, dù Thủ tướng đã có công điện, chỉ thị để nêu rất mạnh việc xử lý liên quan vấn đề này nhưng để tìm ra địa chỉ nào có hiện tượng làm không tốt thì chưa rõ. 

Bà Thanh dẫn chứng, thực tế đi địa phương mới thấy, có tình trạng địa phương khó làm nên có văn bản hỏi trung ương, các bộ, ngành. Tuy nhiên, các bộ, ngành lại trích theo luật điểm a, điểm b quy định thế này và đề nghị làm theo luật. 

“Tình trạng phổ biến là người ta bí, không làm được thì hỏi, hỏi lại trả lời làm theo luật, cứ qua lại, qua lại. Thêm vào đó, dưới địa phương bí không làm được cũng không suy nghĩ để làm mà lại cứ hỏi trung ương”, bà Thanh nêu thực tế.

Vấn đề lớn nhất hiện nay là cán bộ sợ, né tránh, đùn đẩy, không làm

Thay mặt Chính phủ, giải trình làm rõ thêm một số vấn đề, Bộ trưởng KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, vấn đề khó nhất hiện nay là tâm lý của thị trường, đầu tư của xã hội và sự né tránh, sợ trách nhiệm của cán bộ các cấp.

Bộ trưởng dẫn chứng cuộc làm việc giữa Thủ tướng và TP.HCM mới đây, riêng năm 2022, TP.HCM đã gửi 584 văn bản hỏi ý kiến và Bộ KH-ĐT đã có 604 văn bản trả lời, vấn đề là tất cả nội dung TP.HCM hỏi đều thuộc thẩm quyền của TP. 

Bộ trưởng KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng

“Đấy là hiện tượng né tránh, đùn đẩy, đá bóng lên trên rồi chờ, tức là không làm gì”, Bộ trưởng KH-ĐT nói và dẫn chứng, mỗi một năm của giai đoạn 2018 – 2021, trung bình TP.HCM cấp 70 dự án bất động sản nhưng trong 2 năm qua, TP chỉ cấp 8 dự án, hầu như không làm gì.

“Vấn đề lớn nhất hiện nay là cán bộ các cấp sợ, né tránh, đùn đẩy, không làm”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng một lần nữa nhắc lại.

Vấn đề khó khăn của doanh nghiệp hiện nay cũng được Bộ trưởng KH-ĐT chỉ ra, đó là dòng tiền do điều hành tín dụng có vấn đề, lúc thả ra nhanh quá, lúc siết lại cũng nhanh quá nên các doanh nghiệp rất khó khăn. 

“Nhiều doanh nghiệp lớn cho biết đang phải bán tài sản gần hết. Những cái gì bán được là bán, bán bằng 50% giá thực và người mua toàn là nước ngoài. Đấy là cái rất đáng lo ngại, rất nguy hiểm và chúng tôi đã cảnh báo rất nhiều lần, nhất là các doanh nghiệp lớn chúng ta cần giữ, hỗ trợ để ổn định cho nền kinh tế”, Bộ trưởng KH-ĐT cảnh báo.

Vấn đề thứ 2 của doanh nghiệp, theo ông Nguyễn Chí Dũng là các thủ tục đầu tư hiện nay khiến cho doanh nghiệp không làm được gì, có cái mất 2 năm mới giải quyết được vấn đề, có cái mất 1 năm. 

Vấn đề tiếp nữa là môi trường đầu tư hiện nay rất kém. “Chúng ta đấu tranh mấy năm nay, thể chế đã cải thiện rất nhiều để giảm các điều kiện kinh doanh và cắt đi nhiều thủ tục, giờ các bộ ngành địa phương lại phát sinh hàng nghìn thủ tục mới. Chúng tôi giao cho CIEM rà soát xem các thủ tục nào hạn chế quyền của doanh nghiệp, làm phát sinh thủ tục thì phải cắt giảm”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.

Theo Bộ trưởng, thời gian qua, Chính phủ cũng đã rất nỗ lực nhiều và hiện nay đã có chuyển biến tích cực, tháng 4 có dấu hiệu tốt.

Bộ KH-ĐT sẽ tiếp tục tham mưu giải pháp để tháo gỡ trong thời gian tới. Tuy nhiên, mục tiêu tăng trưởng 6,5% vẫn rất lo ngại. Muốn đạt mục tiêu này thì tăng trưởng các tháng sau phải đạt trên 8%. Đây là khó khăn thách thức, tuy nhiên, Chính phủ vẫn giữ mục tiêu này để phấn đấu.