Đạt 129/150 điểm, Nguyễn Thanh Ngọc (cựu học sinh lớp 12A4 Trường THPT Kim Liên, Hà Nội) và Nguyễn Mai Trúc (cựu học sinh lớp 12A5 Trường THPT Chương Mỹ A, Hà Nội) cùng trở thành thủ khoa kỳ thi Đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội (HSA) năm 2024. 

Với cả hai nữ sinh, đây đều là kết quả ở lần thi đầu tiên và duy nhất trong năm 2024. Cả hai không đăng ký thi lại để cải thiện điểm số bởi cùng cho rằng “với kỳ thi này, có thi lại cũng không chắc điểm cao hơn được”.

Bài thi Đánh giá năng lực bao gồm 3 phần với 150 câu hỏi, chia đều mỗi phần 50 câu:  Phần 1 - Tư duy định lượng (Toán học, 75 phút), Phần 2 - Tư duy định tính (Ngữ văn - Ngôn ngữ, 60 phút), Phần 3 - Khoa học (Tự nhiên - Xã hội), 60 phút). 

Theo đánh giá của Trung tâm Khảo thí ĐH Quốc gia Hà Nội, những thí sinh đạt điểm cao cả 3 phần phải có kiến thức sâu rộng; năng lực phân tích, tổng hợp tốt.

W-thủ khoa thi đánh giá năng lực.JPG.jpg
Nguyễn Thanh Ngọc và Nguyễn Mai Trúc - 2 thủ khoa kỳ thi Đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội năm 2024 với điểm số 129/150, cùng đến từ Hà Nội.

Chia sẻ với VietNamNet, Trúc cho hay, khi biết mình là thủ khoa của kỳ thi Đánh giá năng lực năm 2024, em rất vui và bất ngờ. Ban đầu, em chỉ muốn có kết quả kỳ thi để xét tuyển vào các trường đại học, không hy vọng trở thành thí sinh có điểm số cao nhất.

Ngọc cũng bất ngờ: “Em chỉ nghĩ đi thi để tăng cơ hội trong xét tuyển vào đại học, không ngờ đạt được kết quả trên mong đợi”.

Để có được kết quả thi Đánh giá năng lực tốt, Ngọc cho hay, em chủ yếu tự học. Em cũng nghiên cứu đề tham khảo để hiểu và biết cách hỏi của đề và những nội dung kiến thức cần ôn tập. “Khi đọc đề tham khảo, em biết phần định tính sẽ hỏi về những nội dung nào, chủ đề gì. Em đào sâu kiến thức về những phần đó nếu chưa rõ”.

Ngọc kể, cách ôn thi Đánh giá năng lực của em cũng có một chút khác biệt so với ôn thi tốt nghiệp THPT. Theo em, cách hỏi của kỳ thi này khác với kỳ thi tốt nghiệp THPT, nội dung rộng hơn. 

"Em thấy việc ôn thi Đánh giá năng lực vất vả hơn. Với kỳ thi tốt nghiệp THPT, nếu xác định theo khối nào, em chỉ tập trung vào những môn thuộc tổ hợp đó - và thường đã nắm vững kiến thức. Còn thi Đánh giá năng lực, em phải ôn nhiều môn hơn, trong đó có những môn em học không tốt. Như cá nhân em vốn theo khối B, nhưng để thi Đánh giá năng lực, em phải học và ôn thêm kiến thức các môn Văn, Lịch sử, Địa lý trong cả 3 năm cấp THPT”, Ngọc kể.

Mai Trúc cũng dành thời gian để ôn tập những phần kiến thức em chưa nắm chắc, và theo em, điều quan trọng là luyện theo đề thi tham khảo đã được công bố. 

Song, cách ôn của Trúc dành cho kỳ thi Đánh giá năng lực không khác nhiều so với việc ôn thi tốt nghiệp THPT.

“Em ôn chung, tức vừa ôn thi tốt nghiệp THPT vừa ôn thi Đánh giá năng lực. Em cứ học kỹ kiến thức theo tiến trình ở trên lớp. Đến lúc gần thi, em tìm nhiều đề để luyện”, Trúc nói. Tuy vậy, Trúc cũng cảm thấy việc ôn thi Đánh giá năng lực vất vả hơn.

W-Thanh Ngọc.JPG.jpg
Thủ khoa Nguyễn Thanh Ngọc là cựu học sinh lớp 12A4 Trường THPT Kim Liên, Hà Nội. Hiện, em trúng tuyển vào ngành Y khoa của Trường ĐH Y Hà Nội.

Cả hai đều cho rằng, với kỳ thi tốt nghiệp THPT, ở mỗi môn, kiến thức sẽ yêu cầu sâu hơn, lượng kiến thức về môn đó khó hơn và thường phải học theo từng dạng bài nhất định. Nhưng ở kỳ thi Đánh giá năng lực, kiến thức các môn và câu hỏi có phần “lạ”, tức đòi hỏi tư duy nhiều hơn mới có thể liên kết các kiến thức với nhau để xử lý đề.

Theo hai nữ sinh, những câu khó nhất của đề thi tốt nghiệp THPT khó hơn trong đề thi Đánh giá năng lực. Vì vậy, 2 nữ thủ khoa cho rằng khó đánh giá nên đầu tư cho kỳ thi nào hơn để được xét tuyển đại học và có lẽ không có kỳ thi nào ưu việt hơn hẳn.

“Việc lựa chọn kỳ thi để đầu tư còn tùy thuộc bạn phù hợp với cách thi nào hơn và mong muốn theo học trường nào nữa”, Ngọc nói. 

Cá nhân Ngọc đầu tư cho cả hai. “Với kỳ thi tốt nghiệp THPT, kết quả cho em nhiều cơ hội hơn khi xét tuyển vào hầu hết các trường đại học. Nhưng việc tham gia thêm kỳ thi Đánh giá năng lực cũng giúp em yên tâm hơn”, Ngọc nói.

Trúc chia sẻ: “Nếu phân bổ thời gian tốt thì bạn hoàn toàn có được kết quả tốt ở cả hai kỳ thi. Có thể đăng ký tham gia những đợt thi Đánh giá năng lực tổ chức sớm, giai đoạn sau thì tập trung hơn cho kỳ thi tốt nghiệp THPT”.

W-Mai Trúc.JPG.jpg
Thủ khoa Nguyễn Mai Trúc là cựu học sinh lớp 12A5 Trường THPT Chương Mỹ A, Hà Nội. Em đã trúng tuyển vào ngành Kinh doanh quốc tế của Trường ĐH Ngoại thương.

Ở kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024, Trúc đạt điểm thi ấn tượng với tổng 28,2 ở tổ hợp khối D01 (Toán 9,2; Văn 9; Tiếng Anh 10) và 28,07 điểm ở tổ hợp khối D07 (Toán 9,2; Hóa học 9,5; Tiếng Anh 10). 

Ngọc cũng đạt 28,15 điểm ở tổ hợp D07 (Toán 9; Hóa học 9,75; Tiếng Anh 9,4) và 27,25 điểm khối B (Toán 9; Hóa học 9,75; Sinh học 8,5).

Chia sẻ về bí quyết học tập để có kết quả tốt ở nhiều kỳ thi, cả hai nữ sinh đều đề cao việc tập trung học trên lớp và tự học là chủ yếu. Trúc luôn cố gắng hoàn thành các bài tập thầy cô giao và tự tìm hiểu thêm các bài tập trên mạng. Em cũng luôn cố gắng phân bổ thời gian trong ngày một cách khoa học để có thể học được nhiều kiến thức nhất.

Khi tự học ở nhà, ngoài giải quyết bài tập trên lớp, mỗi ngày Trúc dành thời gian bổ sung kiến thức cho một môn và cứ thế luân phiên cho tất cả các môn học.

Ngọc chia sẻ: “Tập trung nghe thầy cô giảng trên lớp là điều rất quan trọng. Nhưng để khiến bản thân có những khác biệt với các bạn, em chủ yếu dành thời gian cho việc tự học. Khi đó, em nhận ra và hiểu rõ nhất mình đang yếu phần nào và cần bổ sung kiến thức gì, rồi tìm tài liệu và những dạng bài tập liên quan để luyện thêm. Em cũng cố gắng làm nhiều đề và đọc tài liệu nhiều nhất có thể để luyện cách tư duy”, Ngọc chia sẻ. 

W-khảo thí đhqghn.JPG.jpg
GS Nguyễn Tiến Thảo, Giám đốc Trung tâm Khảo thí ĐH Quốc gia Hà Nội trao thưởng cho Nguyễn Mai Trúc và Nguyễn Thanh Ngọc (lần lượt thứ hai và thứ ba từ phải sang) với kết quả cao trong kỳ thi Đánh giá năng lực năm 2024.

Mới đây, với kết quả thủ khoa của kỳ thi Đánh giá năng lực, Mai Trúc và Thanh Ngọc cũng được Trung tâm Khảo thí ĐH Quốc gia Hà Nội tặng phần thưởng 5 triệu đồng.

Hiện, Trúc đã đăng ký và trúng tuyển bằng phương thức xét điểm thi Đánh giá năng lực vào ngành Kinh doanh quốc tế của Trường ĐH Ngoại thương.

Còn Ngọc, với ước mơ trở thành bác sĩ, em dùng tổ hợp khối B với tổng điểm 27,25 cùng chứng chỉ IELTS 7.5 để đăng ký xét và trúng tuyển vào ngành Y khoa của Trường ĐH Y Hà Nội.