Chỉ trong ngày đầu tiên gần như ngừng hỗ trợ giá hôm qua, 19/10, hàng nghìn lái xe của Grab Taxi đã ngừng hợp tác khiến thương hiệu taxi giá rẻ này phải điều chỉnh tăng ngay vào cuối buổi chiều.

Hỗ trợ lao dốc

Sau khi xuất hiện với dịch vụ giá rẻ được 1 năm, Grab Taxi bắt đầu thử nghiệm dịch vụ siêu rẻ hồi tháng 5/2015 tại Hà Nội với mức cước đồng hạng 6.000 đồng/km. Ban đầu, dịch vụ chỉ được áp dụng tại quận Hoàn Kiếm, sau đó lan ra rộng tới 12 quận nội thành của Hà Nội vào tháng 9/2015.

Có thể nói, cùng với Uber, sự xuất hiện của Grab siêu rẻ đã mang tới cho khách hàng một lựa chọn di chuyển bằng ô tô trong nội thành với mức giá vô cùng hấp dẫn. Đặc biệt, lợi thế cho phép thanh toán bằng tiền mặt (điều Uber mới triển khai được trong khoảng 2 tháng trở lại đây) đã khiến lượng khách hàng Grab tăng chóng mặt. Giai đoạn tháng 6-8, khách hàng rất khó đặt xe do lượng xe còn ít.

{keywords}

Grab taxi mang tới cơ hội đi lại giá rẻ.

Để đáp ứng nhanh chóng nhu cầu sử dụng dịch vụ liên tục rơi vào tình trạng quá tải này, văn phòng Grab tại Hà Nội liên tục tuyển lái xe mà hình thức hỗ trợ cao ngất ngưởng trở thành ‘miếng mồi’ hút lái xe chưa từng thấy.

Cụ thể, thời gian đầu, với mỗi ‘cuốc’ taxi có độ dài dưới 10 km (trên 10 km không có dịch vụ siêu rẻ, ngoại trừ việc mới có dịch vụ ra sân bay), lái xe loại xe giá thấp nhất (như Morning, Spark, Getz, Vios…) sẽ được hỗ trợ 40.000 đồng. Mức hỗ trợ này giúp lái xe có thu nhập 2-3 triệu đồng/ngày là chuyện bình thường. Hồi đầu tháng 9, mỗi lái xe mới đăng ký còn được hỗ trợ ngay 5 triệu đồng tiền mặt.

Điều này khiến lái xe ồ ạt ký hợp tác với Grab. Theo anh Tuấn, một nhân viên kinh doanh của Grab tại Hà Nội, hiện tại có khoảng 2.000 lái xe Grab, trong đó riêng lượng điện thoại của công ty phát cho lái xe mượn đã vượt con số 1.500 chiếc.

Tuy nhiên, khi lượng lái xe đổ xô đến, Grab bắt đầu cắt giảm mức hỗ trợ. Từ cuối tháng 9 tới nay, các mức hỗ trợ với chủ xe và lái xe đều lao dốc không phanh theo từng tuần. Chẳng hạn, từ đầu tháng 10,  mức trợ giá cho mỗi ‘cuốc’ với loại xe thấp nhất nêu trên chỉ còn 20.000 đồng, đi cùng hỗ trợ 1-5 triệu đồng cho lái xe hoặc chủ xe. Đúng 1 tuần sau, Grab công bố cắt giảm hỗ trợ cho lái xe/chủ xe theo tuần. Đặc biệt cuối tuần qua, thương hiệu taxi giá rẻ này còn mạnh tay cắt tất cả hỗ trợ theo ‘cuốc’, chỉ còn duy trì mức thưởng không đáng kể theo tuần.

 Lái xe ngừng chạy, hỗ trợ tăng trở lại

Theo tìm hiểu của chúng tôi, ngay trong ngày đầu tiên áp dụng chính sách ngừng hỗ trợ theo ‘cuốc’ ngày hôm qua, 19/10, nhiều lái xe đã ngừng chạy. Anh Thắng, một lái xe đã hợp tác với Grab được 2 tháng, cho biết, với mức hỗ trợ lái xe chỉ 200-400 nghìn/tuần, trong khi cước chỉ thu của khách 6.000 đồng/km thì chỉ có nước ‘ăn cháo’. Vì thế, anh Thắng quyết định ngừng chạy để tranh thủ lo việc gia đình, vừa nghe ngóng tình hình.

{keywords}

Tuy nhiên nếu chính sách không ổn định, hỗ trợ thấp, lái xe sẽ ngừng hợp tác.

Cũng theo anh Thắng, gần như 100% lái xe cũng bức xúc và ngừng chạy như anh bởi mức cước 6.000 đồng/km sau khi trừ chi phí xăng xe, tiền Grab thu 20% thì chỉ còn khoảng 3.000 đồng/km, không bằng xe ôm, trong khi vẫn chưa tính khấu hao xe.

Trước thực trạng này, ngay chiều 19/10 Grab đã buộc phải đưa ra chương trình hỗ trợ mới, lần đầu tiên có hiệu lực ‘hồi tố’ từ 0 giờ cùng ngày. Theo đó, mức thưởng sẽ dao động từ 650.000 – 1.000.000 đồng /ngày/ xe, tùy thuộc vào số ‘cuốc’ và số km phục vụ khách.

Ngừng tuyển mới, ép lái xe cũ

Cùng với chương trình giảm hỗ trợ gây sốc, cuối tuần qua, Grab Taxi tại Hà Nội công bố ngừng tiếp nhận lái xe mới, rà soát lái xe cũ để nâng cao chất lượng phục vụ. Trước đó, khoảng 1 tuần, thương hiệu này hãm tốc lái xe mới bằng quy định trả lời hồ sơ trong 1 tuần.

Không chỉ giảm tiến tới dừng tuyển lái xe mới, Grab Taxi còn có dấu hiệu ép ngược trở lại các lái xe cũ khi buộc tất cả phải đến ký hợp đồng với hợp tác xã hoặc công ty vận tải để có khoản thu từ mỗi xe 600.000 đồng/tháng, hay 7,2 triệu đồng/năm, trong khi chi phí họ thực hiện kinh doanh hộ cá thể vẫn đúng luật thì chỉ bằng khoảng 20%, và còn có hiệu lực trong nhiều năm.

Theo Phượng Nguyễn/VnMedia