W-con-rieng-2-1.jpg
Bà Tuyết (bìa trái) nuôi con riêng của chồng cũ suốt 26 năm qua

Cay đắng

Nằm cuối dãy trọ có hành lang dài, tối om ở quận 7, TP.HCM, căn phòng của mẹ con bà Trần Thị Bạch Tuyết (SN 1969, quê Sóc Trăng) chốc chốc lại vang lên tiếng cười, nói ngây ngô của cậu thanh niên có tên là Nhí.

Sợ làm phiền giấc ngủ trưa của những người xung quanh, bà Tuyết với tay đóng cửa rồi dỗ nam thanh niên đến nằm bên cạnh người mẹ đang bị tai biến của mình. Đợi con trai bình tĩnh, bà quay sang trò chuyện với người đến thăm.

tâm sự: “Năm nay, Nhí 26 tuổi nhưng tâm trí vẫn như đứa trẻ lên 10. Nó không phải là máu mủ của tôi nhưng tôi đã chăm sóc, nuôi dưỡng nó như con đẻ suốt 26 năm qua”.

Thời xuân sắc, bà Tuyết lập gia đình sớm. Ở quê không có ruộng vườn, gặp cảnh nghèo khó, chồng bà sang Campuchia làm ăn với hy vọng có thể nuôi vợ và đứa con nhỏ.

W-con-rieng-5-1.jpg
Nhí 26 tuổi nhưng tâm trí vẫn như cậu bé lên 10

Thế nhưng ít năm sau, bà Tuyết bất ngờ mất liên lạc với chồng. Sợ có chuyện chẳng lành, bà khăn gói, theo người cùng quê đến biên giới tìm chồng nhưng không được.

Mãi sau này, bà mới biết tin ông đã có hạnh phúc mới nơi xứ người. Khóc cạn nước mắt, bà tự dặn lòng cả hai "đã hết duyên hết nợ với nhau, không cần níu giữ cuộc hôn nhân sớm nở tối tàn".

Để quên đi nỗi đau tình phụ, bà rời quê lên TP.HCM bán xôi. Những ngày ngồi bán trước cổng Bệnh viện Nhi đồng 2, bà quen biết, bén duyên với người đàn ông chạy xe ôm cũng vừa bị vợ bỏ rơi.

Thương cảnh bèo nước gặp nhau, dẫu biết người này vừa có một đứa con riêng, bà Tuyết vẫn quyết định đến sống chung như vợ chồng.

Bà kể: “Đó là năm 1997. Lúc gặp nhau, ông ấy nói mình có đứa con trai, sinh ra đã mang bệnh tật và bị mẹ ruột bỏ rơi, giờ ông đang nhờ mẹ của mình chăm sóc. Nghe vậy, tôi thương lắm nên nói ông bế đứa bé về nuôi.

Ngày ông ấy bế con về, tôi nhìn mãi mới thấy trên tay ông ẵm đứa trẻ bé xíu, khoảng 2 tháng tuổi. Thấy đứa bé nhỏ xíu như con mèo, tôi gọi vui là Nhí. Cái tên đó theo nó từ đó đến bây giờ”.

W-con-rieng-3-1.jpg
Dẫu vậy, Nhí vẫn rất thương yêu bà ngoại và mẹ Tuyết

Quyết định nuôi con riêng bệnh tật của chồng, bà Tuyết cực khổ trăm bề. Nhí bị hở hàm ếch. Mỗi khi bú, bé thường bị sữa chảy vào mũi ho sặc sụa. Lo sợ bé gặp nguy hiểm, bà Tuyết pha sữa rồi dùng muỗng đút từng chút cho con.

Đã thế, Nhí hết viêm phổi lại bị những cơn hen suyễn hành hạ phải liên tục nhập viện cấp cứu. Số tiền từ công việc chạy xe ôm, bán xôi dạo của vợ chồng bà không đủ cho con chữa bệnh.

Dẫu vậy, bà vẫn cố gắng chắt chiu, vay mượn đưa Nhí vào bệnh viện điều trị gần như mỗi tuần.

Đêm không dám ngủ

Những năm tháng đầu nuôi Nhí, không đêm nào bà Tuyết dám chợp mắt. Bởi, Nhí có thể lên cơn suyễn bất cứ lúc nào. Hôm nào bà cũng thức thâu đêm chăm con. Chốc chốc, bà lại lấy tay sờ lên trán, lay nhẹ xem bé còn thở hay không.

Ban ngày, bà cố gắng nấu nhiều xôi hơn, bán lâu hơn để có tiền mua lẻ từng lạng sữa bột về nuôi đứa con bệnh tật của chồng. Bà cố gắng vượt khó khăn với niềm tin Nhí lớn hơn một chút, mình sẽ đỡ khổ.

W-con-rieng-1-1.jpg
Bà Tuyết không bao giờ hối hận về quyết định nuôi con riêng của chồng dù phải trải qua nhiều cay đắng

Nào ngờ, 10 tuổi Nhí chưa biết đi, gần 20 tuổi cậu vẫn phải uống sữa vì răng yếu, không thể nhai cơm, thức ăn. Đã thế, đầu óc Nhí cũng không thông minh như bạn bè cùng tuổi.

Cậu thường la hét bất chợt khiến hàng xóm phiền lòng. Không muốn ảnh hưởng đến những người xung quanh, bà Tuyết liên tục gom đồ đạc, dắt con đi tìm chỗ trọ mới.

Tất tả mưu sinh, nuôi con riêng của chồng, bà Tuyết cứ ngỡ mình sẽ có được hạnh phúc. Nào ngờ, năm 2007, bà phát hiện cha của Nhí có người mới.

Thêm một lần đau, bà nuốt nước mắt, cắn răng từ bỏ cuộc tình chắp vá dẫu lúc này, cả hai đã có với nhau một người con gái chung. Bà để bố của Nhí đón cậu về chăm sóc còn mình ở vậy chăm mẹ già, nuôi đứa con chung.

Thế nhưng chưa đầy một tháng sau, bà Tuyết nghe Nhí ú ớ qua điện thoại là "nhớ mẹ, nhớ ngoại, nhớ em". Cậu gào khóc, đòi về sống chung với "mẹ Tuyết".

Bà Tuyết xót xa, nghĩ con trẻ không có lỗi nên đến đón Nhí về chăm sóc. Từ ngày trở về sống với “mẹ Tuyết”, Nhí ít bệnh hẳn. Dù chậm phát triển, không lanh lợi như những đứa trẻ bình thường khác nhưng Nhí biết nghe lời mẹ, bà ngoại.

W-con-rieng-4-1.jpg
Bây giờ, ngoài nuôi Nhí, bà Tuyết còn phải chăm mẹ già tai biến, nằm liệt giường

Mỗi ngày, bà Tuyết để các con ở nhà trọ với mẹ còn mình bưng xôi đi bán đắp đổi qua ngày. Nhưng bình yên được ít năm, bà lại nhận thêm biến cố. Bà Trần Thị Huệ (79 tuổi, mẹ bà Tuyết) bất ngờ gặp tai biến phải nằm liệt giường.

Vốn đã dành hết thời gian, sức lực để mưu sinh, nuôi cậu con trai chậm phát triển, giờ đây, bà Tuyết lại thêm gánh nặng chăm mẹ già nằm một chỗ. Vất vả trăm bề khiến bệnh tật ập vào cơ thể của bà.

Từ chỗ khỏe mạnh, là trụ cột gia đình, bà bị căn bệnh xương khớp hành hạ, nhiều lúc đau nhức toàn thân. Trong cơn bĩ cực ấy, bà vẫn không bao giờ có ý định từ bỏ việc nuôi đứa con riêng của chồng.

Bà tâm sự: “Tôi hay đùa rằng có lẽ mình mang nợ nó từ kiếp trước. Nhưng tôi đã nuôi nó từ lúc còn đỏ hỏn đến bây giờ nên nặng tình cảm và xem nó như máu mủ của mình.  

Tôi chưa bao giờ có ý định bỏ rơi hay không nuôi Nhí nữa vì dẫu sao, nó cũng chịu nhiều bất hạnh rồi. Thôi thì mẹ con cứ có gì ăn nấy. Chừng nào còn thở thì tôi còn nuôi, chăm sóc nó. Tôi chỉ lo sau này, khi tôi nhắm mắt xuôi tay, không biết nó sẽ về đâu”.