“Mai con không đi học nữa. Con ghét đi học”, bé Minh Đạt (8 tuổi) vừa quăng cặp sách lên sofa, vừa phụng phịu nói với mẹ sau khi tan học về nhà.

Đối diện tình huống này, nhiều bậc cha mẹ sẽ hỏi vì sao con không muốn đi học hoặc quát mắng, dọa nạt: Không đi học thì nghỉ. Nghỉ rồi đi móc cống, làm công nhân… Còn chị Nhật Hạ (35 tuổi, Hà Nội – mẹ của Đạt) lại bảo với con: “Ngày xưa lúc mẹ bé như con, mẹ cũng thế”.

Gương mặt đang cau có của Đạt giãn dần ra. Cậu hỏi lại: “Ngày xưa mẹ cũng như thế thật á?”. Xoa đầu con trai, chị Hạ nói: “Đúng rồi. Ngày ấy mẹ cũng ghét đi học lắm, chỉ thích ở nhà thôi”.

Sau đó, chị ngồi tâm sự với con, hỏi lý do khiến con không thích đến trường. Cậu bé liền chia sẻ về việc nói chuyện riêng trong giờ học và làm bài sai nên bị cô giáo mắng.

Lắng nghe và phân tích đúng sai cho con xong, chị đề cập đến ước mơ làm bác sĩ của con, rồi nói rằng muốn trở thành bác sĩ thì cần học tập thật tốt. Sau cuộc nói chuyện, Đạt tươi tỉnh trở lại và bảo với mẹ: “Con sẽ đi học để trở thành bác sĩ”.

concai.jpg
Cha mẹ dễ dàng kết nối với con nếu biết lắng nghe, thấu hiểu. Ảnh minh họa

Chị Hạ cho biết, trong tình huống trên, chị đã hành xử theo phương pháp “3 bước chạm đến trái tim con” gồm: Thấu hiểu – Đồng hành – Dẫn dắt của thạc sĩ Khoa học Giáo dục, chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Lanh.

Đồng tình với cách giải quyết của chị Hà, chuyên gia Nguyễn Thị Lanh cho biết, từ việc thấu hiểu con, chị Hà đã được con coi như một người bạn, cởi mở trò chuyện những khúc mắc trong lòng. Tiếp đó, chị đã đồng hành, dẫn dắt để con tự thay đổi suy nghĩ.

Thạc sĩ Lanh nhận định, không phải cha mẹ nào cũng biết cách giao tiếp, kết nối với con như chị Hà. Hiện nay nhiều người chú trọng đến việc tạo mọi điều kiện vật chất để con được sống sung sướng, ăn uống đầy đủ, học hành đến nơi đến chốn. Tuy nhiên, họ lại chưa biết cách giao tiếp với con dẫn đến bất đồng ý kiến, luôn có khoảng cách giữa cha mẹ và con cái.

Hầu hết cha mẹ có xu hướng muốn con làm theo ý mình mà bỏ qua hai bước thấu hiểu và đồng hành. Điều này khiến con cảm thấy cha mẹ áp đặt, không hiểu mình, không muốn chia sẻ với cha mẹ bất cứ điều gì.

“Thấu hiểu – Đồng hành – Dẫn dắt là trình tự 3 bước để cha mẹ chạm đến trái tim con. Chỉ khi thực hiện đúng và đủ, cha mẹ mới có thể phá vỡ “hàng rào phòng vệ”, bước được vào thế giới của con và kiến tạo mối quan hệ hòa hợp”, nữ chuyên gia nói.

concai1.jpg
Chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Lanh

Theo nữ chuyên gia, thấu hiểu tức là cha mẹ phải hiểu được các nhu cầu, mong muốn và cảm xúc của con, khiến trẻ có cảm giác an toàn, được là chính mình khi ở bên cha mẹ. Để làm được điều này, cha mẹ cần nói ngôn ngữ của con, lắng nghe con với sự tôn trọng. Thay vì mắng mỏ, chỉ trích, so sánh, cha mẹ cần trở thành bạn của con bằng cách đồng ý với con dù con đúng hay sai để con tin cậy cha mẹ, tiếp đó mới phân tích đúng sai cho con hiểu.

Sau khi nhận được sự tin tưởng của con, cha mẹ sẽ đến được bước tiếp theo là đồng hành. Đó là dành thời gian trò chuyện, chơi cùng với con, cùng xây cho con những ước mơ, cùng con vượt qua những lúc khó khăn để con cảm thấy an toàn vì luôn có cha mẹ hiện diện bên cạnh. 

Thạc sĩ Lanh cho rằng, khi cha mẹ đã thấu hiểu, đồng hành với con thì việc dẫn dắt con sẽ không có gì khó khăn. Cha mẹ có thể hỏi về mục tiêu của con trong năm nay, lớn lên con muốn trở thành ai, con cần làm gì để hiện thực hóa mong ước… Từ đó, giúp con có mục tiêu để theo đuổi, cài đặt vào tư duy của con những điều tốt đẹp về tương lai.

“Thấu hiểu, đồng hành rồi mới dẫn dắt con sẽ tạo nên một gia đình bình an, hạnh phúc, mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái hòa hợp, không nảy sinh những mâu thuẫn, xung đột không đáng có”, nữ chuyên gia tâm lý cho biết.