Đánh giá chung tình hình thực hiện các mục tiêu cơ cấu lại nền kinh tế đến năm 2019, ước thực hiện đến năm 2020 cho thấy có 41,79% mục tiêu hoàn thành, 34,33% mục tiêu có khả năng hoàn thành và 23,88% mục tiêu cần các giải pháp thúc đẩy để hoàn thành.

{keywords}
Số nhiệm vụ hoàn thành còn chưa như kỳ vọng. 

Đổi mới mô hình tăng trưởng: GDP cao, lạm phát thấp

Tăng trưởng kinh tế từng bước được cải thiện, đạt mức tăng khá trong những năm vừa qua. Tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) bình quân 4 năm 2016-2019 đạt mức 6,73% (cao hơn tốc độ tăng bình quân 5,91%/năm của giai đoạn 2011-2015), đạt mục tiêu tăng trưởng bình quân 6,5%-7 % của Kế hoạch 5 năm 2016-2020.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá: Cơ cấu kinh tế dịch chuyển theo hướng tích cực, tăng tỷ trọng của công nghiệp chế biến, chế tạo và giảm dần tỷ trọng của khai khoáng. Tăng trưởng giảm dần sự phụ thuộc vào khai thác khoáng sản, từng bước chuyển sang dựa vào khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

{keywords}
Tăng trưởng kinh tế không còn phụ thuộc nhiều vào dầu thô.

Quy mô nền kinh tế tiếp tục được mở rộng, đạt khoảng 266,5 tỷ USD, năm 2019 bình quân đầu người đạt 2.786 USD, cao hơn năm 2018 (năm 2018 là 2.590 USD).

Lạm phát từ mức 7,8% bình quân giai đoạn 2011-2015 đã giảm xuống còn 3,1% ước bình quân giai đoạn 2016-2019.

Tỷ lệ nợ công/GDP giảm từ 63,6% năm 2016 xuống còn 61,4%, dự kiến cuối năm 2019 là 56,1% (vượt mục tiêu nợ công hằng năm giai đoạn 2016 – 2020 không quá 65%). 

Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tăng trong bối cảnh thương mại toàn cầu suy giảm, ước đạt 517 tỷ USD, tăng 7,7% so với năm 2018. Xuất siêu khoảng 9,2 tỷ USD, vượt mục tiêu đề ra.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, vai trò của khu vực tư nhân gia tăng, thể hiện qua tỷ trọng của khu vực này trong GDP cũng như đầu tư phát triển toàn xã hội.

Cụ thể, kinh tế tư nhân tăng trung bình hàng năm giai đoạn 2011-2018 là hơn 9,1%. Do đó, tỷ trọng kinh tế tư nhân/GDP tăng từ 7,34% năm 2011 lên 9,1% năm 2018. Trong khi đó, tỷ trọng của kinh tế nhà nước giảm từ khoảng 29% năm 2011 xuống còn 27,67% năm 2018.

Đáng chú ý, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng: Tăng trưởng kinh tế dựa nhiều hơn vào gia tăng năng suất lao động. Đây là điểm nổi bật nhất của thay đổi cách thức hay chất lượng tăng trưởng trong giai đoạn 2016-2020.

Nếu như năng suất lao động giai đoạn 2011 - 2015 chỉ tăng 19,6% thì năng suất lao động giai đoạn 2016 - 2020 ước tính tăng 26,2%.

Cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước: CPH còn chậm

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, quá trình cơ cấu lại DNNN đã bước đầu có kết quả tích cực. Cổ phần hóa và thoái vốn đạt kết quả khá, thực hiện thoái vốn nhà nước thành công tại một số DNNN quy mô lớn. Một số DNNN yếu kém trở lại hoạt động. Số nhóm ngành, lĩnh vực nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ giảm mạnh. Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã được thành lập.

{keywords}
Siêu ủy ban được thành lập là câu chuyện đáng chú ý trong tái cơ cấu DNNN.

Đáng nói, tình hình thực hiện cổ phần hóa theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là rất chậm. Trong 168 doanh nghiệp đã cổ phần hóa chỉ có 36/128 doanh nghiệp cổ phần hóa thuộc danh mục cổ phần hóa theo Công văn số 991/TTg-ĐMDN và Quyết định số 26/2019/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (đạt 28% kế hoạch). Số doanh nghiệp còn phải thực hiện cổ phần hóa theo kế hoạch tính đến hết năm 2020 là 92 doanh nghiệp.

Ngoài ra, việc bàn giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước về SCIC còn chậm, chưa đảm bảo kế hoạch theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Nhiều doanh nghiệp chậm đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán làm ảnh hưởng đến tính công khai, minh bạch của thị trường. Việc gắn cổ phần hóa với niêm yết vẫn chưa được chú trọng

Việc cơ cấu lại một số dự án đầu tư kém hiệu quả còn chậm. 12 dự án thua lỗ vẫn chưa được xử lý triệt để trong khi nhiều tài sản không sử dụng, hao mòn theo thời gian, chi phí như lãi vay, tiền bảo dưỡng duy trì tài sản… vẫn phát sinh.

Cơ cấu lại đầu tư công: Giải ngân chậm chạp

Theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và đầu tư, hiệu quả đầu tư công đã có bước cải thiện, hạn chế được tình trạng phân tán, dàn trải trong đầu tư công; cắt giảm, đình hoãn, giãn tiến độ nhiều dự án chưa thật sự cấp thiết, hiệu quả thấp.

Tuy nhiên, hạn chế nổi lên hàng đầu được điểm mặt là tình hình giải ngân vốn đầu tư công chậm.

Một số dự án được bố trí kế hoạch, nhưng đến hết thời hạn quy định vẫn không thực hiện và giải ngân hết số vốn kế hoạch được giao, phải kéo dài thời gian thanh toán sang năm sau.

Đối với các dự án ODA, Bộ Kế hoạch và Đầu tư giải thích rằng có sự khác biệt về quy trình thủ tục giữa Việt Nam và nhà tài trợ, thiếu vốn đối ứng, năng lực ban quản lý dự án hạn chế... Đây là một trong những nguyên nhân làm chậm tiến độ giải ngân vốn.

Cơ cấu lại các tổ chức tín dụng: Nợ xấu không được chủ quan

Theo báo cáo, nợ xấu nội bảng của hệ thống các tổ chức tín dụng tiếp tục được xử lý, kiểm soát và duy trì ở mức dưới 3%. Tính từ năm 2012 đến cuối tháng 9/2019, đã xử lý được hơn 988 nghìn tỷ đồng nợ xấu . Trong đó nợ xấu do các tổ chức tín dụng tự xử lý là 648 nghìn tỷ đồng (chiếm 65,6% tổng nợ xấu xử lý), còn lại là bán nợ (bao gồm bán nợ cho VAMC và tổ chức, cá nhân khác) chiếm 34,4%.

Bên cạnh đó, từng bước xử lý và xóa bỏ tình trạng đầu tư chéo, sở hữu chéo. Đến thời điểm 30/9/2019,  số cặp tổ chức tín dụng sở hữu chéo trực tiếp lẫn nhau về cơ bản đã khắc phục hết (năm 2012: 7 cặp). Còn việc sở hữu cổ phần trực tiếp lẫn nhau giữa ngân hàng và doanh nghiệp giảm, đến nay còn lại 1 ngân hàng thương mại cổ phần với 1 cặp sở hữu cổ phần lẫn nhau  (tại thời điểm tháng 6/2012 có 56 cặp).

Tuy nhiên, việc cơ cấu lại các tổ chức tín dụng vẫn cho thấy một số hạn chế. Cụ thể: Việc nâng cao năng lực tài chính thông qua tăng vốn điều lệ của NHTMNN và các NHTMCP mà Nhà nước nắm cổ phần chi phối nhằm đảm bảo vai trò chủ đạo của các ngân hàng này trên thị trường tài chính tiền tệ thời gian qua gặp nhiều khó khăn. Nhu cầu vốn cần đầu tư, bổ sung cho các ngân hàng thương mại nhà nước và các ngân hàng mà Nhà nước nắm cổ phần chi phối là khá lớn để đảm bảo đáp ứng yêu cầu tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu theo Basel II trong khi nguồn lực nhà nước có thể được sử dụng để tăng vốn cho các ngân hàng này cũng hết sức hạn chế.

Việc triển khai cơ cấu lại 03 ngân hàng mua bắt buộc là một quá trình khó khăn, phức tạp, chưa có tiền lệ, phải phối hợp chặt chẽ và lấy ý kiến của nhiều Bộ, ngành và các cơ quan liên quan và phụ thuộc vào kết quả đàm phán với các nhà đầu tư.

Nợ xấu đã xử lý được một bước quan trọng nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với an toàn, hiệu quả hoạt động của các tổ chức tín dụng.

Cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta. Ngày 01 tháng 11 năm 2016, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII ban hành Nghị quyết số 05-NQ/TW về một số chủ trương chính sách lớn nhằm tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế (sau đây gọi tắt là Nghị quyết 05).

Hà Duy

GDP tiếp tục tăng trưởng ấn tượng

GDP tiếp tục tăng trưởng ấn tượng

Mặc dù phải đối mặt với khó khăn thách thức cả trong và ngoài nước nhưng GDP 2019 đã ghi nhận sự tăng trưởng khá toàn diện và tích cực.