Lời Tòa soạn: 

Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 13 tiếp tục xác định xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ là một trong 3 đột phá chiến lược. Vì thế, việc phát triển một số công trình trọng điểm quốc gia về giao thông được tập trung ưu tiên với mục tiêu đến năm 2030, phấn đấu cả nước có khoảng 5.000km đường cao tốc, còn đến năm 2025 hoàn thành đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông.

Trước mục tiêu này, ngay từ đầu nhiệm kỳ, Chính phủ đã xác định đến năm 2025 phải hoàn thành 3.000km đường bộ cao tốc. 

Lãnh đạo Chính phủ đã có hàng loạt cuộc làm việc với các địa phương, trực tiếp kiểm tra, đôn đốc nhiều công trình, dự án hạ tầng trọng điểm với tinh thần "vượt nắng, thắng mưa", "thi công 3 ca 4 kíp", "làm việc xuyên ngày nghỉ, ngày lễ, ngày Tết", "chỉ bàn làm, không bàn lùi".

Vì thế, nếu giai đoạn 2001 - 2010, cả nước chỉ đưa vào khai thác được 89km đường cao tốc, giai đoạn 2011 - 2020 khai thác thêm 1.074km, thì từ năm 2021 đến giữa năm 2023 đã xây dựng thêm hơn 600km.

Những cung đường mới rút ngắn khoảng cách, giảm thời gian di chuyển

Vừa biết kết quả thi vào lớp 10 chuyên của con gái, gia đình anh Hải (Cầu Giấy, Hà Nội) liền quyết định du lịch Huế bằng ô tô của gia đình. Thời điểm gia đình anh Hải di chuyển đúng ngày 19km cuối cùng trên tuyến cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt được đưa vào khai thác, nên lộ trình từ Hà Nội - Đức Thọ (Hà Tĩnh) chưa hết 4 giờ.

“5h sáng cả nhà lên đường, 9h kém chúng tôi đã đến Đức Thọ. Chạy tiếp đến TP Hà Tĩnh, tôi cho các con ăn trưa, nghỉ ngơi. Sau đó vợ, con trai đổi lái, 13h tới Huế.

Nếu chạy liên tục, không nghỉ thì từ Hà Nội - Huế chỉ mất 8 giờ. Hành trình rất nhẹ nhàng mà 2 năm trước vì nhiều lý do như đường xa, xấu, nguy cơ mất an toàn... khiến chúng tôi chưa từng nghĩ đến. Có trải nghiệm như thế này mới thấy giá trị của đường cao tốc”, anh Hải chia sẻ.

cao toc Cam lâm- Vinh hao
Cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo mới đưa vào khai thác dịp 30/4 - 1/5/2024. Ảnh: Tuệ Nhi 

Chiều 29/6, tại cầu Hưng Đức (huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh), Bộ GTVT đã tổ chức lễ thông xe 19km cuối cùng trên tuyến cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt. Việc này không chỉ giúp toàn tuyến cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt được khai thác đồng bộ trên tổng chiều dài 49km, mà còn rút ngắn thời gian di chuyển từ Hà Nội - Hà Tĩnh chỉ còn gần 4 giờ thay vì hơn 6 giờ như trước.

Đặc biệt, đây cũng là "mảnh ghép" cuối cùng của toàn bộ 11 dự án thành phần thuộc dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 với tổng chiều dài 652,86km.

Trước đó, ngày 26/4, sau 28 tháng thi công, tuyến cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo đã hoàn thành và chính thức thông tuyến. Đây cũng là đoạn cao tốc cuối cùng nối TPHCM với Nha Trang, cùng với 4 đoạn cao tốc đã hoàn thành trước đó, gồm: TPHCM - Long Thành – Dầu Giây, Dầu Giây – Phan Thiết, Phan Thiết – Vĩnh Hảo, Cam Lâm – Nha Trang. Sau khi thông suốt, tuyến cao tốc đã giúp rút ngắn thời gian từ TPHCM - Nha Trang chỉ còn khoảng 4-5 giờ, giảm một nửa so với đi trên Quốc lộ 1.

Đã đưa vào khai thác hơn 2.020km cao tốc 

Nếu giai đoạn 2001-2010, cả nước chỉ đưa vào khai thác được 89km đường cao tốc, giai đoạn 2011-2020 khai thác thêm 1.074km, thì chỉ trong nửa nhiệm kỳ (từ 2021 đến giữa năm 2023) đã khai thác thêm được hơn 600km đường cao tốc.

Như vậy, chỉ trong 3 năm, chiều dài những tuyến cao tốc hoàn thành bằng 1/2 số km đường cao tốc triển khai trong 10 năm trước.

Bộ GTVT đặt ra mục tiêu, trong năm 2024, cả nước sẽ phấn đấu hoàn thành, đưa vào khai thác ít nhất 130km đường cao tốc. Đến năm 2025 sẽ cơ bản hoàn thành 12 dự án thành phần thuộc cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021 - 2025 và một số đoạn khác để thông toàn tuyến cao tốc từ Lạng Sơn đến Cà Mau.

Cao toc dien chau bai vot.jpg
Cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt. Ảnh: Hoàng Minh 

Đáng nói, tính đến tháng 6 năm nay, cả nước đã đưa vào khai thác thêm 128km đường cao tốc (79km cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo, 49km cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt).

Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn cho biết, giai đoạn từ năm 2017 - 2020, Bộ đã triển khai 11 dự án cao tốc thành phần với tổng chiều dài 654km. Trong giai đoạn 2021 – 2025, Bộ đang triển khai 12 dự án cao tốc thành phần với tổng chiều dài 729km của tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông. 

“Đến thời điểm này chúng tôi đã hoàn thành các nhiệm vụ của Nghị quyết số 52 của Quốc hội khóa 14 là xây dựng 654km của tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông.

Kết quả trên cả nước, tổng chiều dài đường bộ cao tốc được đưa vào khai thác là 2.020km. Hiện nay, các đơn vị đang tiếp tục quyết liệt phấn đấu đến năm 2025 hoàn thành đưa vào khai thác khoảng 3.000km theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ", Thứ trưởng Lê Anh Tuấn nhấn mạnh. 

Bài tiếp: Đột phá làm cao tốc, 'nhanh gọn thủ tục, thần tốc thi công'