Đây là các bệnh nhân được điều trị tại khoa Nam học, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 trong kỳ nghỉ Tết Giáp Thìn vừa qua.

Trường hợp thứ nhất là bé trai 14 tuổi, ở Hòa Bình. Hai ngày trước khi vào viện, bệnh nhân có biểu hiện đau đột ngột vùng tinh hoàn trái, lan lên bụng theo đường đi của thừng tinh, đôi khi đau quặn thành cơn. Bé trai được đưa vào viện với lý do đau tinh hoàn trái, sưng to và da bìu nóng đỏ. Sau khi thăm khám và làm các xét nghiệm, bác sĩ kết luận bé trai bị xoắn tinh hoàn và cần phải cắt bỏ một bên đau.

tinh-hoan-1.jpeg
Các bác sĩ phẫu thuật cắt bỏ tinh hoàn bị hoại tử cho bệnh nhân. Ảnh: BVCC

Trường hợp thứ hai là nam thanh niên 23 tuổi, quê Thái Nguyên. Cách 5 ngày vào viện, bệnh nhân đau đột ngột, dữ dội vùng bìu phải. Bệnh nhân đã điều trị tại bệnh viện huyện nhưng không cải thiện, sau đó đã đến Bệnh viện 108 để kiểm tra. Kết quả khám và làm xét nghiệm, bác sĩ kết luận xoắn tinh hoàn bên phải kèm theo giãn tĩnh mạch tinh, cần phẫu thuật gấp.

Trường hợp còn lại 43 tuổi quê Bắc Ninh tiền sử đột quỵ, vào viện sau khi đau bìu phải đột ngột và dữ dội. Kết quả siêu âm cho thấy bệnh nhân có tình trạng xoắn tinh hoàn bên phải.

Nhận định về 3 ca bệnh trên, bác sĩ Nguyễn Văn Phúc, khoa Nam học, cho biết: "Rất tiếc vì không thể bảo tồn tinh hoàn cho bệnh nhân do thời gian đến viện quá muộn". Theo vị bác sĩ này, khi phẫu thuật, tinh hoàn của các bệnh nhân đã hoại tử, tím đen do xoắn trong bao thừng tinh và phải loại bỏ.

Xoắn tinh hoàn thực chất là sự xoắn của thừng tinh (mạch máu và ống dẫn tinh) dẫn đến tình trạng thiếu máu nuôi dưỡng và hoại tử. Bệnh thường gặp ở tuổi dậy thì, với triệu chứng như đau nhói, đau đột ngột một bên tinh hoàn. Phẫu thuật gỡ xoắn là phương pháp phổ biến và tối ưu, có thể xử lý triệt để bệnh lý, thời gian hồi phục hậu phẫu ngắn.

"Nếu tình trạng để xoắn quá lâu, tinh hoàn sẽ bị hoại tử và phải cắt bỏ", bác sĩ Phúc cho biết thêm.

Thời gian vàng để cấp cứu xoắn tinh hoàn là trong vòng 6 giờ đầu tiên tính từ lúc bệnh nhân có biểu hiện đau. Nếu can thiệp trước 6 giờ, tỷ lệ thành công cứu được tinh hoàn sẽ cao. Đến viện trong khoảng 6-12 giờ, khả năng cứu được tinh hoàn chỉ còn 50%, trong khoảng 12-24 giờ chỉ còn 20% khả năng được cứu. Đến viện sau 24 giờ, thông thường, bác sĩ sẽ không cứu được tinh hoàn.

Bác sĩ Phúc khuyến cáo khi có dấu hiệu đau nhức vùng tinh hoàn, nam giới nên đến viện để thăm khám. Do bệnh lý không có dấu hiệu nhận biết rõ ràng, các phụ huynh cần phải theo dõi những thay đổi bất thường của trẻ và cần đưa trẻ đến viện để tránh ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản sau này.