Trong thời gian giãn cách kéo dài, nhiều phụ huynh cảm thấy lo lắng khi trẻ phải đối mặt với việc học trực tuyến tại nhà. Điều bạn nên lưu ý là làm gì để trẻ không bị hại mắt, xương khớp và có cách sử dụng điện an toàn khi phải tiếp xúc liên tục với thiết bị điện tử nhiều giờ.
1. Bảo vệ mắt
Theo khuyến cáo của Khoa Y, ĐH Y dược TP.HCM, phụ huynh phải đảm bảo không gian đủ ánh sáng, độ sáng màn hình thích hợp trong khi trẻ học bằng thiết bị điện tử. Bạn có thể bật chế độ ánh sáng bảo vệ mắt hay ứng dụng hỗ trợ điều chỉnh ánh sáng màn hình.
Ảnh minh họa: VietNamNet |
Ngoài ra, khoảng cách từ màn hình đến mắt được khuyến cáo bằng một sải tay của trẻ. Chiều cao màn hình phù hợp là tầm mắt của trẻ ngang hoặc cao hơn so với cạnh trên của màn hình. Đường ngang mắt trẻ và tầm nhìn phía dưới tạo thành góc 30 độ là tối ưu.
2. Bảo vệ cơ – xương – khớp
Về bố trí không gian ngồi học, phụ huynh phải bố trí bàn và ghế cho trẻ ngồi học phù hợp với chiều cao của trẻ, tư thế ngồi học trung tính. Cụ thể, chọn bàn và ghế phù hợp với chiều cao của trẻ. Có thể bố trí thêm các vật dụng hay dụng cụ hỗ trợ (cung cấp chỗ dựa tay, kê cao khuỷ, cánh tay…) để có thể đạt được tư thế khuyến cáo.
Theo khuyến cáo, trẻ ngồi trên ghế, đùi nên để ở tư thế nằm ngang (thường được nâng đỡ bởi đệm ghế), cẳng chân thẳng đứng, lòng bàn chân chạm sàn hoàn toàn (có thể dùng vật kê nếu chân trẻ không chạm sàn). Nên dùng ghế có lưng tựa cho con, khi ngồi học, giữ đầu và cổ thẳng (không xoay, nghiêng hay cúi đầu).
Để bảo vệ cơ, xương khớp, khi học trẻ phải giữ lưng thẳng, có thể hơi ngả ra sau với ghế tựa (lưng vẫn giữ thẳng), không xoay, vẹo thân trên.
Bên cạnh đó, vai trẻ được thả lỏng, cánh tay buông thõng cạnh cơ thể, khuỷ tay sát cơ thể, góc giữa cẳng tay và cánh tay trong khoảng 90-120 độ. Cẳng tay, cổ tay, bàn tay thẳng hàng và gần như song song với sàn.
Khuyến cáo của ĐH Y dược TP.HCM cũng lưu ý, trẻ không nên ngồi quá lâu ở một tư thế, hãy chủ động đổi tư thế mà vẫn đảm bảo lưng và đầu thẳng, chân được nâng đỡ và mắt ở khoảng cách phù hợp.
3. Sử dụng điện an toàn khi học trực tuyến
Các phụ huynh tuyệt đối đảm bảo trẻ tránh xa dây điện và ổ điện. Gia đình nên sạc thiết bị điện tử đầy pin trước để sẵn sàng cho trẻ học (không nên vừa sạc vừa học).
Trong trường hợp bất khả kháng, phải sử dụng máy tính/thiết bị có cắm dây sạc trong lúc học, bố mẹ cần lưu ý bố trí dây điện điện tránh rườm rà, rối dây; Bố trí xa vị trí trẻ ngồi học, xa các nơi hay vật dụng chứa nước và không sử dụng các dụng cụ điện đã hư hỏng, bị hở điện hay không an toàn.
Ngoài ra, gia đình cần giáo dục trẻ về an toàn với điện. Đó là trẻ không chạm vào ổ điện, dây điện hay dụng cụ điện; Không tự ý tháo, lắp các dây điện và ổ cắm và không dùng bất cứ vật gì chọc vào ổ điện, không chọc tay vào ổ điện.
Ngọc Trang
Tiêm vắc xin Covid-19 cho trẻ, phụ huynh phải lưu ý gì?
“Tùy từng trẻ, có thể có những triệu chứng sau tiêm khác nhau, kéo dài 2-3 ngày. Một số trường hợp, triệu chứng có thể xuất hiện muộn hơn 7-14 ngày sau tiêm vắc xin Covid-19”, bác sĩ Hiền Minh chia sẻ.