Bộ Y tế đã có văn bản về việc tiêm phòng vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ em 12-17 tuổi. Bộ cho hay Việt Nam sẽ mở rộng đối tượng tiêm cho trẻ từ 12- 17 tuổi theo lộ trình từ lứa tuổi cao đến thấp, theo tiến độ cung ứng vắc xin và tình hình dịch tại địa phương.

Về vấn đề này, bác sĩ Nguyễn Hiền Minh, Phó trưởng đơn vị tiêm chủng Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM đã đưa ra những lưu ý trước và sau khi tiêm vắc xin Covid-19 cho trẻ 12-17 tuổi.

Theo Bác sĩ Nguyễn Hiền Minh, phụ huynh không tự ý ngừng thuốc trẻ đang điều trị bệnh lý mạn tính. Đem toa thuốc, bệnh án (nếu có) để bác sĩ khám sàng lọc tiêm chủng xem xét chỉ định vắc xin Covid-19 phù hợp. Đồng thời, không trì hoãn những lịch tiêm vắc xin khác mà trẻ đang tiêm chủng, đem theo sổ tiêm chủng những vắc xin khác của trẻ khi đến tiêm vắc xin Covid-19. 

{keywords}
Gia đình nên bên cạnh trẻ 24/24 giờ, ít nhất là trong 3 ngày đầu sau tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 để có thể kịp thời phát hiện những dấu hiệu nguy hiểm sau tiêm vắc xin.

Bên cạnh đó, bác sĩ lưu ý, trẻ em gái đến ngày hành kinh cũng không cần thiết tạm hoãn tiêm chủng, trừ khi trẻ đau bụng nhiều, nôn ói, mệt mỏi kèm sốt. 

Vào trước ngày tiêm, gia đình nên cho trẻ nghỉ ngơi, ngủ sớm. Phụ huynh nên giải thích cho trẻ về việc tiêm vắc xin Covid-19, tạo tâm lý thư giãn thoải mái cho trẻ. Bố mẹ cũng có thể cho trẻ dùng thêm một bữa ăn nhẹ 1 tiếng trước khi đi tiêm, để tránh chờ lâu sẽ khiến trẻ đói bụng. Trẻ có thể uống những viên sủi multivitamin hoặc vitamin C (sau ăn) trước khi đi tiêm.  

“Uống nhiều nước vào ngày tiêm vắc xin có thể giúp trẻ bớt sốt, bố mẹ cho trẻ mặc trang phục thoải mái, rộng rãi khi đi tiêm. Nếu không có vắc xin nào khác tiêm cùng ngày thì vị trí tiêm vắc xin Covid-19 nên là tay không thuận (ví dụ trẻ thuận tay phải thì nên tiêm vắc xin tay bên trái) để giảm những khó khăn trong sinh hoạt học tập của trẻ do đau, nhức mỏi cánh tay sau tiêm vắc xin. Lưu ý không để băng keo cá nhân ở vị trí tiêm quá lâu, sau 30 phút có thể giúp trẻ gỡ ra”, Bác sĩ Hiền Minh tư vấn. 

Ngoài ra, quan sát theo dõi sức khỏe trẻ ít nhất 30 phút sau tiêm tại điểm tiêm chủng. Bạn nên dặn dò trẻ nếu có bất cứ những triệu chứng khó chịu nào nên báo ngay cho ba mẹ hoặc nhân viên y tế. Sau đó, phụ huynh cho trẻ về nhà nghỉ ngơi ngay, không nên đi chơi hay tham gia những hoạt động thể lực khác vào ngày tiêm chủng. 

Phó trưởng đơn vị tiêm chủng Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM cũng đưa ra những lưu ý khi chăm sóc trẻ sau khi tiêm vắc xin Covid-19. Đó là phụ huynh hay người trong gia đình nên bên cạnh trẻ 24/24 giờ, ít nhất là trong 3 ngày đầu sau tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 để có thể kịp thời phát hiện những dấu hiệu nguy hiểm sau tiêm vắc xin.  

“Tùy từng trẻ, có thể có những triệu chứng sau tiêm khác nhau, kéo dài 2-3 ngày. Có những trường hợp, triệu chứng có thể xuất hiện muộn hơn 7-14 ngày sau tiêm vắc xin Covid-19”, bác sĩ chia sẻ. 

Cụ thể, tại chỗ tiêm, trẻ có thể bị sưng, đỏ, đau nhức, có thể nổi cục nhỏ, ngứa hoặc nhức mỏi cánh tay. Gia đình không nên bôi, chườm, đắp bất cứ thứ gì (lá cây, dầu gió, trứng gà…) vào chỗ sưng đau, có thể mát xa nhẹ nhàng cánh tay cho trẻ. Những thuốc kháng dị ứng nên được dùng với sự hướng dẫn của nhân viên y tế. 

Về toàn thân, trẻ có thể sốt, mệt mỏi, nhức đầu, nhức mỏi toàn thân, buồn nôn. Một số trẻ có thể dễ buồn ngủ hoặc đói bụng nhiều hơn bình thường. Đồng thời, người thân thường xuyên đo thân nhiệt cho trẻ.

Nếu sốt dưới 38,5 độ C, bố mẹ cho trẻ mặc quần áo mỏng, thoáng mát nhưng lưu ý không để nhiễm lạnh. Bố mẹ nên nhắc trẻ uống nhiều nước. 

Nếu sốt từ 38,5 độ C trở lên hoặc sưng đau nhiều tại chỗ tiêm, sử dụng thuốc cho trẻ 12-17 tuổi 1 viên x 3-4 lần/ ngày Paracetamol 500mg (tên gọi trên thị trường Panadol, Hapacol, Tylenol, Efferalgan…) 

Đặc biệt, phụ huynh theo dõi những dấu hiệu có liên quan đến biến chứng viêm cơ tim, viêm màng ngoài tim sau tiêm vắc xin mRNA ở trẻ 12-17 tuổi, nhất là ở trẻ nam và sau mũi thứ hai, thường 2-4 ngày sau tiêm vắc xin (cũng có thể gặp sớm 12h sau tiêm hoặc muộn hơn).

Đó là đấu hiệu đau ngực, cảm giác ép nặng hoặc khó chịu ở ngực, thở hụt hơi, khó thở, cảm giác nhịp tim nhanh hay chậm bất thường, không đều hoặc đập thình thịch, hồi hộp đánh trống ngực.

“Bạn nên đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế gần nhất khi trẻ có than phiền những dấu hiệu trên. Phụ huynh không nên quá lo lắng vì hầu hết những ca viêm cơ tim, viêm màng ngoài tim cấp tính rất hiếm gặp sau tiêm vắc xin Covid-19, đều khá lành tính và thường sẽ hồi phục nhanh chóng. Không cho trẻ ăn những thức ăn mà trẻ đã từng dị ứng (bất cứ mức độ nào) ít nhất 2 tuần sau tiêm vắc xin”, bác sĩ Hiền Minh nhấn mạnh.

>>> Thông tin về Vắc xin Covid-19 mới nhất

Ngọc Trang

Vắc xin Covid-19 nào sẽ được dùng tiêm cho trẻ em Việt Nam?

Vắc xin Covid-19 nào sẽ được dùng tiêm cho trẻ em Việt Nam?

Theo TS.BS Phạm Quang Thái, hiện nay, chỉ có vắc xin Pfizer đã được phê duyệt để tiêm cho người từ 12 đến 17 tuổi. Nhiều nước đang chỉ dùng vắc xin Pfizer để tiêm cho trẻ em.