Theo anh Nguyễn Thanh Tùng - giảng viên đào tạo lái xe ô tô tại Hà Nội, các "tài già" thường đúc kết và truyền tai nhau rất nhiều những câu khẩu quyết, mẹo lái xe dễ nhớ, dễ thực hành. Trong đó, riêng về việc giữ khoảng cách, căn đường sao cho an toàn và đúng luật đã có rất nhiều kinh nghiệm đáng lưu ý.
Quy tắc 3 giây khi đi đường trường
Vị chuyên gia có hơn 10 năm kinh nghiệm "ôm vô lăng" cho rằng, giữ khoảng cách an toàn là yếu tố sống còn khi lái xe trên đường trường, đường cao tốc bởi khi đi với tốc độ cao, nếu không giữ đúng khoảng cách sẽ không có đủ thời gian để xử lý (phanh, đánh lái,...) khi gặp tình huống bất ngờ.
Về khoảng cách an toàn, tài xế có thể căn cứ trên biển báo được đặt trên từng tuyến đường hoặc dựa trên quy định tại Thông tư số 31/2019/TT-BGTVT ngày 29/8/2019. Tuy nhiên, không phải ai cũng nhớ hết được những con số này và cũng khó xác định được khoảng cách chính xác với xe phía trước là bao nhiêu.
Để dễ căn khoảng cách với nhiều loại đường khác nhau, những tài xế giàu kinh nghiệm sử dụng "quy tắc 3 giây" để tự ước lượng với xe phía trước. Theo đó, nếu xe trước và xe sau cùng đi qua 1 mốc nào đó trên đường với khoảng thời gian cách nhau 3 giây là "vừa", còn nếu ít hơn có nghĩa là khoảng cách giữa 2 xe đang quá gần.
Ví dụ như một phương tiện đang di chuyển với tốc độ 90km/h, tức là mỗi giây đi được 25m. Trong 3 giây, chiếc xe đó di chuyển được 75m. Đây là khoảng cách đủ an toàn để tài xế kịp xử lý, phanh và tránh va chạm xảy ra, đồng thời cũng khá tương đồng với khoảng cách được quy định tại Thông tư số 31/2019/TT-BGTVT.
Mẹo căn khoảng cách với xe phía trước khi dừng trong phố
Khi phải dừng sau một xe khác trên đường như trường hợp tắc đường hay dừng chờ đèn đỏ, không nên để khoảng cách quá sát và cũng không quá xa xe phía trước. Theo các tài xế có kinh nghiệm, khoảng cách lý tưởng là khi bạn dừng phía sau vẫn có thể nhìn thấy phần đường trước đầu xe hoặc cả 2 lốp xe phía trước mà không bị khuất bởi nắp capo.
Khoảng cách này tương ứng là xấp xỉ 2 mét, đủ có không gian để lách khỏi xe phía trước trong trường hợp xe này vì một lý do nào đó không di chuyển được như thủng lốp, hỏng động cơ hoặc cấp cứu,... Việc giữ khoảng cách 2 mét cũng làm giảm khả năng xe của bạn va liên hoàn với xe phía trước nếu không may có một xe khác tông vào từ phía sau. Đồng thời cũng đủ gần để khó có phương tiện nào khác chen ngang vào giữa.
Ngược lại, nếu tài xế không thể nhìn thấy phần đường trước đầu xe hoặc cả 2 lốp sau của xe phía trước thì lúc này, xe của bạn đang ở quá gần với xe phía trước.
3 giây xanh thì bỏ, 3 giây đỏ thì đi
Theo anh Nguyễn Thanh Tùng, "3 giây xanh thì bỏ" có nghĩa là khi đang đi gần đến giao lộ có đèn giao thông, nếu xe của chúng ta chuẩn bị đến vạch dừng mà đèn xanh còn dưới 3 giây, tốt nhất nên giảm tốc độ và dừng lại để đảm bảo an toàn.
Trong trường hợp này, nếu cố tình nhấn ga đi tiếp, rất có thể xe của chúng ta sẽ bị chớm vào những giây đèn vàng hoặc đèn đỏ đầu tiên. Nguy hiểm hơn là nguy cơ va chạm với các phương tiện đến từ các hướng khác bởi thói quen "cướp" đèn xanh của nhiều lái xe.
Còn "3 giây đỏ thì đi" không phải là chúng ta cho xe vượt đèn đỏ 3 giây như nhiều người vẫn nghĩ. Bản chất của câu nói này là khi đang dừng chờ đèn tín hiệu nên tập trung và sẵn sàng, khi đèn đỏ còn 3 giây thì nên bắt đầu bỏ phanh tay, vào số, nhả chân phanh (hoặc nhả côn với xe số sàn).
Thời gian 3 giây là vừa đủ để chúng ta chuẩn bị và bắt đầu di chuyển ở những giây đèn xanh đầu tiên, giúp tiết kiệm thời gian cũng như không làm cản trở các phương tiện phía sau.
Hoàng Hiệp
Bạn có góc nhìn nào về nội dung trên? Hãy gửi ý kiến dưới phần bình luận của bài viết. Mọi câu hỏi tư vấn về sử dụng, mua bán xe xin gửi tới Ban Ô tô xe máy theo email: otoxemay@vietnamnet.vn. Các nội dung phù hợp sẽ được đăng tải. Xin cảm ơn!
Quy tắc tránh xe đi ngược chiều khi tham gia giao thông
Khi điều khiển xe trên đường, để tránh xe đi ngược chiều an toàn, người điều khiển cần thực hiện đúng các quy tắc theo quy định của Luật Giao thông đường bộ.