Thông tin được PGS.TS Đồng Văn Hệ, Giám đốc Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia, chia sẻ tại chương trình đào tạo, cập nhật kiến thức về hiến, ghép tạng từ người chết não tại Bệnh viện Đa khoa Đức Giang (Hà Nội), ngày 18/6.

Ghép tạng là phương pháp điều trị duy nhất để cứu sống bệnh nhân trong một số trường hợp. Hiện, nước ta đã ghép thành công hầu hết các tạng như nhiều nước phát triển, gồm: thận, gan, tim, phổi, tụy và ruột.

Trong 2 năm 2022-2023, mỗi năm, các bác sĩ Việt Nam ghép được hơn 1.000 ca, trở thành nước có tổng số ca ghép tạng mỗi năm cao nhất Đông Nam Á, cũng là quốc gia duy nhất trong khu vực ASEAN đạt được thành tựu này.

Số ca ghép dù đã cao nhất trong hàng chục năm qua nhưng chỉ bằng 1/5 so với Hàn Quốc, quốc gia có dân số bằng nửa Việt Nam. 

Thực tế cho thấy 94% nguồn tạng hiến ở nước ta từ người cho sống, chỉ có 6% tạng hiến từ người chết não, ngược lại với các nước phát triển. Ở Thái Lan, năm 2022, các bác sĩ đã thực hiện 722 ca ghép thận, gần 76% từ người cho chết não, trong khi con số này ở Việt Nam là 6% (nghĩa là 94% từ người cho sống). Tại Trung Quốc, khoảng 20% số ca ghép thận từ người hiến sống.

Một người chết não có thể hiến tạng cứu sống 8 người và giúp chữa bệnh cho 100 người khác qua việc hiến mô (giác mạc, da, xương, mạch máu, gân).

Lần đầu tiên ở Việt Nam có ca chết não hiến tạng là vào tháng 5/2010 tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức. Từ năm 2010 đến 2022, mỗi năm có từ 10-11 ca chết não hiến tạng tại nước ta. Năm 2023 có 16 ca; 6 tháng đầu năm 2024 có 10 ca.

"Dù số ca chết não hiến tạng tăng lên nhưng tình trạng thiếu tạng ở Việt Nam đang ở mức rất trầm trọng", ông Hệ nhận định. Ước tính mỗi ngày có 36 người Việt qua đời vì không có tạng để ghép.

Mạng lưới vận động hiến tặng mô, tạng ở Việt Nam đã được xây dựng tại 68 bệnh viện nhưng hoạt động chưa hiệu quả như mong muốn. Ông Hệ cho rằng, cần khoảng 600 bệnh viện có nguồn ca chết não “tiềm năng” tham gia mạng lưới này để giúp các cơ sở y tế có nguồn tạng ghép.

Để làm được điều đó, việc đào tạo, tập huấn cần phải tổ chức cho chính nhân viên y tế trong bệnh viện. Nhân viên y tế hiểu đúng về khái niệm chết não, chết tim, phát hiện chết não "tiềm năng", sẽ là cầu nối giữa gia đình có người chết não đến với cơ sở ghép mô, tạng.

Tiến sĩ Nguyễn Văn Thường, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, cho biết tới đây bệnh viện sẽ thành lập ban tư vấn liên quan đến hiến tặng mô, tạng để tăng cơ hội cứu được nhiều người bệnh nặng đang chờ sự sống nhờ ghép tạng.