Anh Hà Văn Quyền (26 tuổi, trú tại Phù Yên, Sơn La) đang làm công nhân tại Bắc Ninh. Sau 6 năm kết hôn, hai vợ chồng anh Quyền mới chào đón cô con gái đầu lòng. Biến chứng quai bị khiến người đàn ông dù đã lấy vợ nhiều năm vẫn chưa có tin vui. Để có con, anh Quyền cần phải làm phẫu thuật tinh hoàn và thụ tinh trong ống nghiệm (IVF). Thời điểm mới cưới, hai vợ chồng chưa đủ điều kiện kinh tế để thực hiện.

bệnh nhân vô sinh.png
Vợ chồng anh Hà Văn Quyền tại Tuần lễ vàng 2024 về vô sinh hiếm muộn. Ảnh: P.Thúy.

Hai năm sau, họ đến Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội kiểm tra sức khỏe. Bác sĩ lên kế hoạch làm phẫu thuật nhưng yêu cầu bệnh nhân chuẩn bị tâm lý vì có thể phải đi xin tinh trùng. 

“Khi nghe bác sĩ báo tin, tôi cảm thấy trống rỗng, hụt hẫng vô cùng. Về nhà, hai vợ chồng suy nghĩ cả tuần, mất ăn, mất ngủ. Tôi còn trẻ, khỏe mạnh và vẫn muốn có con của chính mình. Vợ chồng tôi nhờ anh trai từ Sơn La xuống Hà Nội hiến tinh trùng để tôi có thể lấy mẫu khác làm thụ tinh trong ống nghiệm. May mắn, lúc phẫu thuật, bác sĩ báo tôi vẫn có tinh trùng. Tôi đã bật khóc ngay trên bàn mổ”, anh Quyền trải lòng.

Quai bị là bệnh do virus paramyxovirus gây ra. Bệnh lây truyền qua đường hô hấp, ăn uống, giọt bắn khi bệnh nhân nói, ho hoặc hắt hơi. Bệnh có nhiều biến chứng bao gồm viêm tinh hoàn có thể ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng sinh sản của nam giới. Tỷ lệ gặp biến chứng viêm tinh hoàn sau quai bị khoảng 20-35% (cứ 5 nam giới mắc quai bị thì có 1 người bị viêm tinh hoàn).

Đối với trường hợp bệnh nhân Quyền, Thạc sĩ Đinh Hữu Việt - Trưởng khoa Nam học, Bệnh viện Nam học và hiếm muộn Hà Nội, cho biết anh được thực hiện vi phẫu tinh hoàn tìm tinh trùng. Đây là bệnh nhân trẻ nhất của viện, tìm tới cơ sở y tế này khi chỉ ngoài 20 tuổi.