Trước khi là một ứng viên giỏi, bạn đã là một người “học” giỏi. Ảnh: Pexels

Khả năng học hỏi nhanh

Thế giới việc làm đang thay đổi đòi hỏi người lao động cũng cần có sự phát triển về kỹ năng với tốc độ nhanh tương xứng. Khoảng 40% kỹ năng nằm trong top của danh sách Fortune 500 vào năm 2017 đã không còn phù hợp ở thời điểm hiện tại. Bởi vậy, kỹ năng nghề nghiệp bạn đang có chỉ là một phần, khả năng học hỏi mới là kỹ năng cốt lõi không bao giờ lỗi thời.

Nhà tuyển dụng có thể hỏi bạn: “Trong 6 tháng qua, bạn đã học được kỹ năng mới nào mà không phải từ trường đại học?”. Họ đang tìm kiếm những người cầu thị và thích tiếp thu kiến thức mới nên sẽ không có một mẫu câu trả lời chuẩn.

Thực tế cho thấy, những người lãnh đạo xuất sắc đều là những người giỏi, tự tin, đồng thời khiêm tốn. Sự khiêm tốn cho phép họ giữ được thói quen - nhu cầu học hỏi và xây dựng đội ngũ lý tưởng.

Khả năng truyền đạt, đào tạo

Đại dịch mang đến sự chuyển dịch lớn về thói quen tiêu dùng. Hầu hết mọi ngành dịch vụ, sản xuất đều có thể đưa lên internet để phục vụ khách hàng. Không chỉ vậy, bên cạnh môi trường website truyền thống, một loạt các app xuất hiện kịp thời và tiện lợi. Một doanh nghiệp mà nhân sự càng có khả năng chuyển đổi kỹ năng, học hỏi kỹ năng mới bao nhiêu, doanh nghiệp đó càng nhanh thoát khỏi tình cảnh biến động bấy nhiêu. 

Đó là lý do các doanh nghiệp cần người học hỏi tốt và có khả năng đào tạo kiến thức mình đã học cho người khác. Hãy tưởng tượng, trong một nhóm nhân viên chăm sóc khách hàng, có một người có thể hướng dẫn mọi người cách sử dụng app, liên lạc với khách qua các ứng dụng trung gian, đó chính là người giúp quy trình không bị ách tắc. 

 Không chỉ học hỏi cho bản thân, ứng viên giỏi có khả năng lan tỏa kiến thức. Ảnh: Pexels

Khả năng phân tích sâu

Các ngành kinh tế kỹ thuật cao, an ninh hay bất kỳ ngành nào cũng cần những nhân sự “lõi” có khả năng phân tích sâu. Đôi khi, không phải việc gì chúng ta cũng có thể dựa vào công nghệ có sẵn và máy tính không thể suy nghĩ thay con người. Vì thế, những người có thể phân tích tình huống, nguồn gốc sâu xa của tình huống, hệ thống hóa các bước để tìm ra giải pháp sửa chữa là những người có thể gỡ nút thắt của cả một doanh nghiệp.

Đôi khi, bạn có thể nhảy việc trái ngành, nhưng khả năng tư duy phân tích sâu có thể giúp bạn nhìn vào bản chất vấn đề và tìm thấy cách vận hành logic của công việc mới. Từ đó cũng giúp bạn làm việc, hành động có lý do chứ không phải theo quy trình sẵn có như một cái máy. 

Hiện những công việc không cần khả năng suy nghĩ, chỉ làm việc như một guồng quay đang tiêu biến dần. Ngay cả những shipper cũng đang tối ưu hóa quãng đường đi của họ bằng nhiều đơn vận chuyển hoặc dịch vụ đồng thời để kiếm được nhiều lợi nhuận nhất trên mỗi quãng đường. 

Khả năng làm việc với công nghệ

Bên cạnh các năng lực như truyền đạt, phân tích, nếu có thêm khả năng tiếp nhận các kỹ năng công nghệ, học cách sử dụng các ứng dụng công nghệ cần thiết cho công việc thì bạn sẽ như “hổ mọc thêm cánh”. 

Giờ đây, kỹ năng công nghệ cần thiết cho tất cả các ngành nghề. Khó có thể dự đoán nhu cầu của con người trong tương lai. Ứng dụng đang phổ biến trong năm 2022 có thể trở thành dĩ vãng chỉ trong 1-2 năm tới. Vì vậy, người có khả năng tiếp cận công nghệ mới có thể hiểu và đáp ứng nhanh nhu cầu khách hàng, cũng như tìm ra giải pháp mới tiết kiệm thời gian và chi phí hơn. 

Công nghệ sẽ không dừng lại mà có thể biến đổi nhanh hơn. Do đó, một nhân sự có khả năng áp dụng tài nguyên công nghệ đúng lúc, đúng chỗ cũng có thể coi là một người sáng tạo tài năng.

Có thể sẽ còn nhiều kỹ năng quan trọng khác với một ứng viên nhưng với 4 năng lực được nêu phía trên, bạn có thể tự tin hơn khi bước vào những môi trường làm việc khác nhau. Điều quan trọng là bạn hãy luôn đào tạo và tái đào tạo bản thân để không thụt lùi trong thị trường tuyển dụng.

Khám phá các cơ hội việc làm và học bổng tại: CareerStart.vn.

(Nguồn CareerBuilder)