- Những cuộc điện thoại vài phút báo việc bị cướp biển Somalia bắt, sớm nộp tiền chuộc là những ký ức còn sót lại của gia đình các thuyền viên ở Hà Tĩnh và Nghệ An. Đã 4 năm trôi qua, niềm hi vọng người thân trở về ngày càng cạn dần.

Con chưa thấy mặt cha

Cách đây 5 năm, anh Nguyễn Văn Hạ (35 tuổi, trú xóm Quảng Ích, xã Kỳ Khang, Kỳ Anh), Nguyễn Văn Xuân (35 tuổi, trú Hòa Lộc, phường Kỳ Trình, thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh) và Phan Xuân Phương (27 tuổi, trú xã Nghĩa Yên, Nghĩa Đàn, Nghệ An) chia tay gia đình đi xuất khẩu lao động ở Đài Loan.

{keywords}
Anh Nguyễn Văn Hạ (số 1), Nguyễn Văn Xuân (số 6) và Phan Văn Phương (số 2) bị cướp biển Somalia bắt giữ 4 năm. Ảnh: gia đình cung cấp.

Nhóm lao động này được bố trí làm việc trên tàu đánh cá NAHAM #3. Hoạt động trên tàu được hơn một năm, các thuyền viên ít nhiều đã có tiền lương gửi về cho gia đình.

Tuy nhiên, vào tháng 3/2012, người thân ở quê nhận được tin sét đánh khi các thuyền viên gọi điện thoại báo “đã bị cướp biển Somalia bắt, gia đình nói với công ty cung ứng lao động Vinamotor và chủ tàu nộp 60.000 USD tiền chuộc”.

Ban đầu các thuyền viên Việt Nam chỉ liên lạc về nhà đôi ba lần khi mới bị bắt. Nhưng kể từ năm 2013 thì bặt vô âm tín khiến người thân của họ vô cùng hoang mang lo lắng.

{keywords}
Thông báo từ công ty Vinamotor việc 3 thuyền viên bị bắt và đơn cầu cứu từ gia đình bà Nguyễn Thị Thủy.

Trong nỗi tuyệt vọng, các gia đình gom góp được tiền ra Hà Nội 6 lần “cầu cứu” đơn vị cung ứng lao động.

Lúc này, công ty Vinamotor bảo là đang đàm phán để giải cứu các thuyền viên. Và không quên dặn các gia đình “không được báo với cơ quan chức năng để khỏi ảnh hưởng tới công ty và phía đối tác”.

Thế nhưng, đã 4 năm trôi qua, gia đình các thuyền viên vẫn không nhận được bất kỳ thông tin nào cho thấy người thân sẽ được thả về.

{keywords}
Ông Nguyễn Văn Niềm – bố thuyền viên Nguyễn Văn Hạ đau xót khi nghĩ về con trai bị cướp biển bắt.

"Vì nhà không đủ ăn nên khi Hạ bị bắt, vợ và 3 đứa con phải về quê ngoại ở Hòa Bình ở nhờ. Đứa con út thậm chí còn chưa thấy mặt cha. Nhiều khi gia đình tôi nghĩ Hạ nó đã bị cướp sát hại rồi", bà Nguyễn Thị Thủy (59 tuổi, mẹ anh Nguyễn Văn Hạ) nói.

Bữa ngô, bữa khoai chờ ngày chồng trở về

Cùng chung cảnh ngộ với gia đình bà Thủy, trong căn nhà tuềnh toàng ở xóm Hòa Lộc, chị Nguyễn Thị Quỳnh (33 tuổi) cùng 3 đứa con thơ cũng khóc cạn nước mắt khi ngóng tin về chồng, cha - anh Nguyễn Văn Xuân.

Nhiều lần ra Hà Nội thúc giục công ty Vinamotor “giải cứu” chồng nhưng đều không được. Có lần, hết tiền thuê phòng nghỉ, chị và người thân phải ngủ ghế đá, chị Quỳnh khóc nói.

{keywords}
Chị Nguyễn Thị Quỳnh cùng các con “sống mòn” chờ ngày chồng, cha trở về lành lặn.

Để có tiền trả nợ và chi phí ra Hà Nội, chị Quỳnh phải gửi con cho ông bà nội rồi đi phụ hồ. Nhiều khi trong nhà không còn hạt gạo, cảm thương nên hàng xóm góp gạo, góp khoai cho mẹ con chị sống qua ngày.

Kể từ khi nhận tin con trai Phan Xuân Phương bị bắt, bà Lê Thị Hòa (59 tuổi mẹ anh Phương) lên cơn tai biến, hiện vẫn đang điều trị trong bệnh viện.

Dù đau ốm nhưng mỗi khi có người nhắc tới Phương, bà lại cố gượng dậy hỏi han. Mỗi lần như thế, bà lại thêm phần đau đớn khi con trai vẫn chưa hẹn ngày về.

Theo gia đình 3 thuyền viên, trong 4 năm qua, họ đã làm đơn gửi Bộ LĐ-TB&XH, Cục quản lý lao động ngoài nước, Cục lãnh sự Bộ Ngoại giao nhưng không có hồi âm. Niềm tin người thân được trở về bình an vì thế cũng cạn dần qua ngày tháng.

Liên quan tới vấn đề, bà Nguyễn Thị Lan Hương, Phòng thuyền viên và thị trường của chi nhánh XKLĐ của công ty Vinamotor cho hay, phía chủ tàu đang thuê một công ty luật đàm phán với cướp biển để giải cứu thuyền viên. Tuy nhiên, quá trình cụ thể ra sao thì không nắm rõ.

Văn Đức