Ngày 14/11, trên địa bàn TP Thủ Đức (TP.HCM) xảy ra sự cố thang máy khiến 9 người bị mắc kẹt bên trong. Nhận được tin báo, lực lượng chức năng đã nhanh chóng có mặt tại hiện trường và khẩn trương triển khai các biện pháp nghiệp vụ, giải cứu toàn bộ người bị mắc kẹt bên trong.  

Trước đó, vào ngày 24/8, tại tỉnh Đồng Tháp cũng ghi nhận một sự cố thang máy nghiêm trọng. Cụ thể, thang máy tại một tòa nhà bất ngờ rơi tự do ở độ cao khoảng 4m. Vụ việc đã khiến một người phụ nữ bị ngã trong tình trạng nằm ngang, gãy đốt sống và xương gót chân.

Một vụ việc khác gây thiệt hại nghiêm trọng, xảy ra vào ngày 9/2/2020 tại một nhà dân trên địa bàn quận Tân Phú (TP.HCM). Vụ việc đã khiến 1 người thiệt mạng và 2 người bị thương.

z4686845777472 c2b234869cae722478101f70ee523731.jpg
Cảnh sát PCCC cứu nạn cứu hộ vụ kẹt thang máy

Theo Cục cảnh sát PCCC&CNCH, những trường hợp mắc kẹt, sự cố thang máy xảy ra không phải là hiếm. Khi gặp sự cố kỹ thuật hoặc mất điện đột ngột có thể khiến cho thang máy không thể hoạt động, dừng lại ở giữa các tầng của tòa nhà, khiến những người đang ở bên trong bị mắc kẹt, không thể thoát ra ngoài. Ngoài ra, trong trường hợp hệ thống truyền tải bị hỏng, lỗi kỹ thuật cũng có thể khiến cho thang máy rơi tự do, va đập mạnh khiến cho những người ở bên trong có thể gặp chấn thương nghiêm trọng, thậm chí có thể dẫn tới tử vong.

Do đó, Cục Cảnh sát PCCC&CNCH khuyến nghị, khi gặp sự cố trong thang máy, người dân cần tuân thủ theo những nguyên tắc sau:

Thứ nhất, cần giữ bình tĩnh để tìm ra phương án xử lý tối ưu. Tránh hoang mang, hoảng loạn sẽ khiến cho tình huống trở nên tồi tệ hơn bởi không gian trong thang máy hẹp, hệ thống quạt thông gió có thể không hoạt động, nếu la hét sẽ khiến nguồn oxy nhanh chóng sụt giảm, gây khó thở, nguy hiểm tính mạng.

Người dân cần hạ thấp trọng tâm, ngồi xuống hoặc khụy gối. Tay phải bám chặt vào tay vịn, nhất là trong tình huống thang máy có hiện tượng rơi xuống, rung lắc. Bằng cách này, người dân có thể hạn chế được tối đa nguy cơ bị chấn thương khi thang bị va đập.

z4686845793041 f3c642edd3de5771fa32288f4ca0dbfa.jpg

Thứ hai, khi thang máy đã ổn định, người dân hãy thử bấm nút mở cửa. Nếu cửa thang mở, tuyệt đối không bước ngay ra ngoài. Người dân cần cẩn thận quan sát vị trí thang dừng có khớp với sàn của các tầng không, nếu khớp người dân có thể nhanh chóng thoát ra bên ngoài.

Trong trường hợp thang dừng ở vị trí không khớp với mặt sàn của các tầng, cần khẩn trương liên hệ với bên ngoài hoặc lực lượng cứu hộ để được giải cứu.

Trong trường hợp các nút chức năng của thang đều bị vô hiệu hóa, cần liên hệ ngay với bên ngoài để được hỗ trợ.

Thứ ba, trong khi đợi lực lượng hỗ trợ từ bên ngoài giải cứu, cần sử dụng các vật cứng để tạo khe thoáng, bổ sung nguồn không khí vào trong thang để ngăn ngừa tình trạng thiếu oxy, giảm nguy cơ đột quỵ.

Thứ tư, không cố thoát ra ngoài bằng cửa nóc thang máy bởi đây là vị trí rất nguy hiểm, trơn trượt, có thể bị ngã gây ra những hậu quả rất nặng nề.

Duy Khánh và nhóm PV, BTV