VietNamNet xin giới thiệu bài phát biểu của thầy giáo Nguyễn Minh Quý - Hiệu trưởng Trường THPT Trần Nguyên Hãn (TP Hải Phòng) trong dịp khai giảng năm học mới 2022-2023 vừa qua.

Hiệu trưởng THPT Trần Nguyên Hãn - ông Nguyễn Minh Quý trong ngày khai giảng

Kính thưa quý vị đại biểu, các thầy cô, các bậc cha mẹ và các em!

Sau 3 năm đại dịch Covid-19 hoành hành, chúng ta lại được cùng nhau đông đủ dự lễ khai giảng ngày hôm nay. Chúng ta ghi ơn những quyết sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước trong công tác phòng chống dịch Covid-19, ghi ơn từ đáy lòng sự hy sinh của biết bao người cho cuộc sống hôm nay. Nhưng cũng chính từ những khó khăn bộn bề đã qua, thầy và trò đã tìm thấy đáp án của câu hỏi: Sức mạnh lớn nhất quyết định thành công của mỗi cá nhân nằm ở đâu?

Câu trả lời là: Đó là chính bản thân chúng ta - một phiên bản tốt hơn so với chính mình.

Và đó cũng là chủ đề mà Ban lãnh đạo nhà trường chọn cho lễ khai giảng năm học 2022-2023: “Hơn chính mình ngày hôm qua”.

Kính thưa quý vị đại biểu, các thầy cô, các bậc cha mẹ và các em!

Chúng ta đang sống trong một thế giới phẳng với sự phát triển nhanh đến chóng mặt, với áp lực rất lớn đè nặng. Áp lực là phải có, có áp lực thì mới giúp ta vươn lên. Nhưng đừng để áp lực “giết chết” chính mình. Cuộc sống nói chung, việc học tập nói riêng, là cả một hành trình rất dài, nên mỗi ngày ta vui vẻ, hạnh phúc và bước thêm được xa hơn so với chính mình thế là đủ.

Bài khai giảng của thầy hiệu trưởng gây xúc động

Chúng tôi rất muốn ở ngôi trường này, các em sẽ làm được điều đó. Không cần phải ao ước mình được như ai đó trên mạng xã hội, không cần phải đến trường trong cảm giác thua kém bạn bè, cũng không cần chạnh lòng trước lời kể về con nhà người khác. Những suy nghĩ và so sánh tiêu cực đó sẽ khiến các em không tìm thấy chính mình, rất ít hạnh phúc, đôi khi ganh tị với thành công của bạn bè và theo đuổi những giá trị ảo. Hãy nhớ rằng căn nguyên của stress, trầm cảm bắt nguồn sâu xa từ đó. 

"Cuộc sống là dòng chảy", mọi thứ liên tục chuyển động và trở nên khác đi so với nó trước đó. Nên hãy cứ sống như những bông hoa hướng dương ngẩng cao đầu hướng về ánh mặt trời. Mỗi người chúng ta có cuộc sống khác nhau, có giá trị sống riêng, có những điểm mạnh của riêng mình. Các em cố gắng để trở nên tốt đẹp hơn chính mình ngày hôm qua. Hãy đặt trọng tâm và vượt qua chính mình thay vì chạy theo cái bóng của những người khác.

Nhưng để thay đổi được bản thân như vậy, không hề đơn giản, với kinh nghiệm của cuộc đời mình, thầy muốn chia sẻ với các em 4 từ khóa sau:

Từ khóa thứ nhất: Hiểu mình. 

Không ai khác, chính các em trong suốt quá trình học tập rèn luyện phải học cách hiểu mình. Có hiểu mình mới thay đổi được mình về chất chứ không chỉ là cái vỏ bên ngoài.

Có một quy tắc tên là Pareto đã chỉ ra rằng, chỉ có 20% nhân tố sẽ quyết định 80% kết quả cuối cùng. Và nhiệm vụ của chúng ta là phải tìm ra những nhân tố đó. Tìm ra được nhân tố đó chính là chúng ta đã hiểu mình.

Hiểu mình nghĩa là chúng ta cần biết mình là ai có hoàn cảnh như thế nào, mình cần gì, mình muốn gì, đâu là điểm mạnh và điểm yếu của mình, tự cảm nhận được cảm xúc và những động lực thúc đẩy ta tiến về phía trước.

Việc đi tìm bản thân chính là nhiệm vụ vô quan trọng trong cuộc đời của mỗi người, sẽ có những người tìm chúng trong thời gian ngắn và cũng có những người dành cả cuộc đời của mình để đi tìm điều có thể khiến cho bản thân cảm thấy hạnh phúc hơn mỗi sáng mai thức dậy. 

Học sinh ở ngôi trường Trần Nguyên Hãn được "sống với chính mình"

Nếu đủ nhạy bén, kinh nghiệm sống, ta có thể tự hiểu được bản thân mình. Trường học sẽ là một nơi giúp các em tìm thấy chính mình, thông qua việc cùng học, cùng làm, và lắng nghe những người thường xuyên tiếp xúc với mình để nhận lại những nhận xét xác thực nhất. Từ những nhận xét trên, các em sẽ hiểu rõ cá tính của mình hơn cũng như những công việc bản thân có thể làm tốt. 

Khi hiểu mình các em mới nhận ra chính mình, mới có thể xác định con đường mình sẽ đi như thế nào.

Từ khóa thứ  hai: Mục tiêu. 

Xác định rõ được mục tiêu, hướng đi, đó là yếu tố then chốt. 

Các em đừng quá dằn vặt vì điểm số bài kiểm tra, mà hãy tìm trong đó một mục tiêu ngắn hạn: khắc phục điểm yếu, khắc phục thói quen chưa tốt đã dẫn đến điều đó.

Các em đừng chỉ đặt cho mình đích đến của ba năm THPT là đỗ vào một trường đại học, hãy tìm một mục tiêu dài hạn hơn. 

Tầm nhìn giáo dục thế kỷ 21, không phải kiến thức mà phẩm chất, năng lực và kỹ năng mới là chìa khóa của sự thành công. Mục tiêu giáo dục rất rõ ràng ấy đã được nhiều nền giáo dục tiên tiến trên thế giới coi như kim chỉ nam trên con đường phát triển của mình, đúng như tuyên ngôn bốn trụ cột giáo dục của UNESCO là: “Học để biết – Học để làm – Học để chung sống – Học để tự khẳng định mình” .

Chính vì vậy mục tiêu của các em trong những năm tháng ngồi trên ghế nhà trường là các em biết được những kiến thức trong tự nhiên và cuộc sống xã hội xung quanh mình, biết được các kỹ năng chuyên môn, kiến thức nghiệp vụ của ngành nghề mình chọn từ đó hình thành phương pháp tư duy và cách giải quyết vấn đề, phát huy được năng lực sở trường của mình, phát triển được giá trị của riêng mình. 

Các em ngày hôm nay ngồi trên ghế nhà trường phải  “nâng cấp” bản thân thành phiên bản tốt nhất mỗi ngày, làm mới mình với những hành trang cần thiết về kĩ năng và trải nghiệm thực tiễn. Hãy thử tưởng tượng sau vài năm nữa, khi các em rời khỏi nhà trường, bước vào cuộc sống, mà mình hạn chế về tài chính, bị bó trong khuôn khổ trong thói quen tâm lý làm việc thích ổn định, ngại thay đổi, sợ thất bại, kém ngoại ngữ, ngại giao tiếp, không dám tranh luận. Khi ấy các em đã tự làm mất đi cơ hội khẳng định bản thân và thăng tiến, muốn khởi nghiệp cũng không có giải pháp.

Hiểu mình - đó là nền tảng. Xác định mục tiêu - đó là then chốt. 

Đó là điều kiện đầu tiên cho hành trình học tập hiệu quả và thành công.

Nền tảng, phương hướng chiến lược rõ ràng, đường tới vinh quang sẽ không còn xa với các em.

Từ khóa thứ ba: Kết nối. 

Đừng quên rằng: Muốn đi xa ta cần đi cùng nhau. Đi đường xa ta cần bạn đồng hành. Nỗ lực cho tương lai, ta cần kết nối với những người cùng mục tiêu.

Tìm kiếm bạn bè không có nghĩa là chỉ cần tìm những người cùng sở thích, để hưởng thụ, hay cho bớt lạc lõng. Những mối quan hệ như đó vẫn cần nhưng chưa đủ để giúp các em thay đổi bản thân một cách tốt hơn. Trò chuyện với một người cùng chí hướng, ta luôn được cung cấp năng lượng dồi dào bởi sự nhiệt tình, kiến ​​thức và thái độ tích cực. Nó cũng giúp ta nhận diện rõ hơn, phân biệt được những mối quan hệ gây ảnh hưởng xấu và biết tránh xa nó. Khi nào cảm thấy mệt mỏi, đầy áp lực vì việc học, chính những người bạn của các em sẽ nhắc em nhớ đến mục tiêu của mình, để có động lực vượt lên, biến mình thành một người học rất chủ động, đầy cảm hứng. 

Cùng mục tiêu, các em sẽ bổ khuyết được cho nhau để cùng phát triển, khơi gợi được sự sáng tạo, và cảm hứng học tập. Chúng ta thường hay nghĩ những người thành công là người thường làm việc cá nhân, có ý tưởng độc đáo chỉ riêng mình, đặt ra mục tiêu chỉ có mình mới thực hiện được. Nhưng thật ra thành công không xuất hiện nếu ta đơn độc. Nếu hòa trộn được suy nghĩ cá nhân với suy nghĩ của người khác, ta sẽ có những suy nghĩ mới mẻ chưa từng có trước đây.  

Đừng ví mình với con nhà người ta để tạo áp lực thêm cho những năm tháng học trò

Nhà soạn kịch Ben Jonson đã nói: "Một người chỉ biết tự học một mình giống như là một kẻ ngốc so với một bậc thầy khi người đó biết tự học trong mối quan hệ tương tác sẻ chia". Vì thế, thầy hi vọng một năm học mới cũng sẽ là một chặng đường các em sẽ có những mục tiêu riêng nhưng cũng sẵn sàng hợp tác, tìm kiếm những điểm chung và cùng nỗ lực bên nhau.

Từ khóa thứ tư: Yêu thương. 

Trên con đường thực hiện mục tiêu cuộc đời, kỳ vọng của bản thân, hãy nhớ đừng chỉ chăm chú vào việc phát triển bản thân mà dần trở nên ích kỉ. Trí tuệ mỗi ngày cần cao hơn, và trái tim cũng cần giàu có hơn so với ngày hôm qua. Các em cần cân bằng cảm xúc của bản thân với kỳ vọng của cha mẹ và quan tâm đến những người thân yêu cạnh mình.

Hãy tập trở thành một người tử tế, theo cách riêng của bạn. Cười với mọi người nhiều hơn, giúp đỡ mọi người khi có thể. Đấy cũng là những cách giúp bạn đến gần hơn phiên bản tốt nhất của chính mình.

Bởi yêu thương là cách tốt nhất để được tiếp thêm năng lượng tích cực bản thân

Hôm nay ngày 5/9/2022, ngày đầu tiên của năm học mới. Đại diện cho toàn thể hội đồng sư phạm nhà trường thầy thương chúc toàn thể các em một năm học mới thật vui, thật hạnh phúc để vững vàng trên hành trình “Luôn nỗ lực để hơn chính mình ngày hôm qua”.

Thầy trò chúng tôi không thể đi một mình, mà rất cần các bậc cha mẹ đi cùng và sự giúp đỡ, động viên, ghi nhận của toàn xã hội.

Với suy nghĩ đó, trong lễ khai giảng này thầy xin mời học trò lớp Phạm Xuân Ninh lớp 12A1 cùng đánh trống ngày khai trường năm học 2022-2023. Trân trọng cảm ơn!