Mua sắm là cần thiết để xã hội có thể phát triển cũng nền kinh tế tăng trưởng, nhất là trong bối cảnh đại dịch Covid-19 tạm lắng. Tuy nhiên, chúng ta gần khó cản được cơn cuồng mua sắm có sẵn trong mỗi người. Bên cạnh đó, chưa kể đến các sắp đặt đầy quyến rũ của siêu thị, cửa hàng cũng làm túi tiền vơi đi không lý do.
Dưới đây là một số mẹo giúp tiết kiệm tiền khi mua sắm.
Nên liệt kê trước các thứ cần mua
Đa số người Việt Nam thường tự tin vào trí nhớ siêu phàm của bản thân mà bỏ qua bước quan trọng này. Việc lên danh sách các thứ cần mua giúp chúng ta xác định rõ ràng mình nên mua gì và có chắc chắn cần tới nó hay chưa. Chẳng hạn, tuýp kem đánh răng còn đủ dùng hai tuần thì nên để hôm nay hay để đến khi hết hẳn mua vì sang tháng có khuyến mãi.
Ngoài ra cũng cần để ý đến những thứ cần gấp, ưu tiên hoặc không thể thiếu lên trên đầu danh sách. Các thứ phía dưới có thể cân nhắc thêm. Đây là thời gian vàng để bạn cân nhắc thật kỹ trước khi mua hàng.
Xác định ngân sách cho mỗi lần mua sắm
Ngày trước, trên truyền hình có một gameshow yêu cầu người chơi đi mua hàng đúng theo số tiền mà chương trình giao. Nhiều người đã rất khó khăn vì không biết chọn lựa thế nào. Tuy nhiên đây là cách làm mà bạn nên học. Xác định ngân sách cho mỗi lần mua sắm là công cụ kiểm soát tài chính hiệu quả. Mọi sự cám dỗ sẽ bị cản bước nếu bạn tỉnh táo và nói với bản thân rằng: "Mình đã hết tiền".
Lựa chọn hàng khuyến mãi hay không
Không phải tất cả hàng quà tặng nào cũng là có lợi cho túi tiền của bạn. Theo nguyên tắc hàng cho quan trọng hơn hàng mua, nhiều người đã mắc bẫy này. Chúng ta sẽ chú tâm vào việc món hàng được tặng kèm thế nào, giá trị sao. Nhưng quên rằng thứ mình cần mua là gì.
Hai sản phẩm được ghép lại thành combo cũng dựa trên nguyên tắc này. Liệu bạn có cần mua cùng lúc cả hai hay chỉ thực sự đang cần một? Thật sự phải cân nhắc để tránh vung tiền qua cửa sổ.
Cân nhắc thương hiệu thay thế
Theo thói quen, đa số chúng ta đều sẽ bị "cuồng" bởi một số thương hiệu sản phẩm nhất định. Chẳng hạn khi nhắc đến nước rửa tay, nhiều người mặc định phải mua hãng A. Tuy nhiên, đó là quá trình xâm nhập và thay đổi nhận thức đến hành vi của các chiến dịch quảng cáo. Thực ra, trên thị trường còn có các hãng B, C, D khác cũng có chất lượng tương đương. Việc tạo thói quen thoải mái lựa chọn bất kể thương hiệu giúp mỗi lần đi mua sắm đỡ áp lực hơn.
Ngoài ra, tập đọc các thành phần trên bao bì sản phẩm cũng được khuyến khích. Việc này giúp người tiêu dùng nhận ra được đâu là sản phẩm tương đồng. Và sản phẩm tương đồng nào có thể thay thế cho A nhưng giá bán rẻ hơn.
Không nên đi dạo trong siêu thị
Đã bao giờ bạn không có ý định mua gì nhưng khi vào siêu thị lại tốn cả đống tiền chưa? Chắc chắn không ít mắc lỗi như này. Đó là sự lôi cuốn trong bày trí và khơi dậy khao khát mua sắm của người tiêu dùng. Cách sắp đặt tại các siêu thị làm lý trí chúng ta bị lu mờ rất nhiều.
Hiện nay, một số quầy thanh toán tại siêu thị cửa hàng tiện lợi Việt Nam đã đặt thêm một booth trưng các món đồ nhỏ nhỏ như kẹo cao su, nước ngọt... Chúng ta nghĩ nó không đáng bao nhiêu và lấy nó bỏ nên khay. Đây là khoảng thời gian não bộ bị thiếu tỉnh táo vì khoảng cách từ chọn mua đến thanh toán rất gần. Thậm chí chưa kịp suy nghĩ mua hay không thì tay bạn đã lấy hàng bỏ lên khay tính tiền.
(Theo Phụ nữ Việt Nam)