Mì ăn liền và thịt nguội, xúc xích: Nhân đôi độ mặn

Để có bữa sáng nhanh chóng, nhiều người lựa chọn ăn mì gói kèm theo thịt nguội hoặc một chiếc xúc xích. Tuy nhiên, đây là lựa chọn khiến cơ thể hấp thụ quá nhiều muối cho phép. 

Bạn nên cho thêm rau vào mì. Ảnh minh họa: Marions

Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi người trưởng thành không nên ăn quá 5g muối/ngày. Trong khi đó, một gói gia vị mì có thể chứa tới 4g muối, tương đương 80% nhu cầu, một chiếc xúc xích có khoảng 1,6g muối. Tổng cộng hai loại thực phẩm này đã vượt quá mức 5g. Bởi vậy, theo Healthtime, mọi người dù dùng mì ăn liền với bất cứ loại thực phẩm gì, đặc biệt là đồ chế biến sẵn, cần giảm lượng gia vị cho vào.  

Ngoài ra, mọi người nên bổ sung thêm các loại rau như xà lách, mồng tơi, cà chua, cải để bổ sung lượng vitamin và chất xơ. 

Trứng và thịt xông khói: Khó chịu bụng

Đây là món ăn sáng kiểu châu Âu nhưng giờ cũng phổ biến ở các nước khác. Dù vậy, theo India, hai loại thực phẩm này có hàm lượng protein cao và gây nặng bụng. Sẽ mất nhiều thời gian hơn để tiêu hóa cả hai. 

Bia và hải sản: Nguy cơ bệnh gout

Bia và hải sản là lựa chọn yêu thích của nhiều người vào mùa hè. Ảnh minh họa: Camerons

Vừa uống bia lạnh vừa thưởng thức hải sản thơm ngon khiến nhiều người cảm thấy sảng khoái. Tuy nhiên, hầu hết hải sản chứa nhiều purine và bia chứa hàm lượng purine cao bậc nhất trong số đồ uống có cồn. Uống nhiều bia không chỉ làm tăng lipid máu còn có thể làm tăng nhanh nồng độ axit uric trong máu. 

Kết hợp lượng lớn bia và hải sản sẽ đẩy nhanh quá trình tích tụ axit lactic do thức ăn tạo ra trong cơ thể và ức chế quá trình bài tiết axit uric, từ đó gây ra các cơn gout cấp. 

Theo Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát bệnh tật Trung Quốc, nếu nồng độ axit uric đã rất cao, bạn cần kiểm soát chặt chẽ việc ăn hải sản và nội tạng động vật. Nếu như chỉ số trên ổn định, không bị bệnh gout, mọi người vẫn có thể ăn hải sản nhưng cũng không nên quá thường xuyên. 

Lẩu và đồ uống có đá: Hại dạ dày

Khi ăn lẩu cay nóng, mọi người thích uống nước lạnh để giải nhiệt, cảm giác thật dễ chịu. Tuy nhiên, Bệnh viện Y học cổ truyền Trung Quốc tỉnh Quảng Đông nhắc nhở rằng đây là một thói quen không tốt. 

Tiếp xúc nóng, lạnh đột ngột sẽ khiến thực quản và thành dạ dày giãn nở, bị kích thích thất thường trong thời gian ngắn. Ngoài ra, mạch máu và tuyến thượng thận thay đổi mạnh mẽ dễ khiến người có chức năng tim yếu, huyết áp cao có nguy cơ bị tăng huyết áp.

Cam quýt và sữa: Gây đau bụng

Tiến sĩ người Ấn Độ Anshu Vatsyan giải thích: “Các loại trái cây, đặc biệt là loại có múi như cam quýt không nên ăn cùng với sữa hoặc sữa chua. Sự kết hợp này dễ dẫn đến một loạt các vấn đề sức khỏe đường ruột khác”. 

Sự hiện diện của vitamin C và axit citric trong thực phẩm chua như cam quýt khi kết hợp với sữa có thể dẫn đến trào ngược axit, ợ chua, đau dạ dày, dị ứng, tức ngực.