Lee Jae-yong, nhà tài phiệt thế hệ thứ 3 trong gia đình, được cho là phải đối mặt với nhiều thách thức đến từ sự tụt giảm trong lĩnh vực bán dẫn, các tranh chấp pháp lý cũng như tìm cách bảo vệ mảng kinh doanh của tập đoàn vốn hoá lớn nhất Hàn Quốc.

Đưa mảng kinh doanh chip chủ chốt “vượt bão”

Các nhà sản xuất bán dẫn toàn cầu đang phải vật lộn đối phó với nhu cầu suy giảm trong bối cảnh lạm phát gia tăng và nền kinh tế tăng trưởng chậm lại, Samsung cũng không phải ngoại lệ.

Ngày 27/10, công ty sản xuất chip nhớ lớn nhất thế giới cho biết lợi nhuận hoạt động từ bộ phận bán dẫn đã giảm 50%, xuống còn 5,1 nghìn tỷ Won (3,6 tỷ USD) trong quý III so với cùng kỳ năm trước.

Tuy nhiên, Samsung khẳng định không cắt giảm sản lượng với kỳ vọng nhu cầu sẽ phục hồi trong trung hạn, bất chấp việc giá chip thấp sẽ làm suy yếu doanh thu tập đoàn ít nhất một vài quý sắp tới.

Tân Chủ tịch tập đoàn Samsung sẽ phải giải quyết nhiều thách thức lớn.
(Ảnh: Washington Post)

Ngoài ra, các biện pháp kiểm soát xuất khẩu của Mỹ cũng làm gia tăng bất ổn với hoạt động kinh doanh của công ty tại Trung Quốc. Tiếp đến là sự trỗi dậy của các đối thủ trong những mảng hoạt động khác, chẳng hạn như Xiaomi với tham vọng trở thành nhà sản xuất smartphone hàng đầu thế giới trong 3 năm.

Tìm ra xu hướng mới

Samsung đang tìm kiếm các lĩnh vực tăng trưởng mới. Dưới sự lãnh đạo của Lee, hàng tỷ USD đã được đầu tư vào lĩnh vực công nghệ sinh học. Đầu tháng 10, lãnh đạo cao nhất tập đoàn tham dự sự kiện khánh thành nhà máy Samsung Biologics thứ 4 ở Incheon, dấu hiệu cho thấy mảng kinh doanh này đang được quan tâm.

Trong quý III, lợi nhuận hoạt động của Samsung Biologics tăng gấp đôi lên 3,2 nghìn tỷ Won so với cùng kỳ, tương đương 60% lợi nhuận của bộ phận kinh doanh vi xử lý. Mặc dù vậy, điều này là chưa đủ.

Samsung còn đang kinh doanh pin xe điện thông qua công ty con Samsung SDI. Lợi nhuận hoạt động của công ty này đã tăng 52% so với cùng kỳ quý III/2021, với thị phần toàn cầu khoảng 5%, xếp sau các tên tuổi lớn khác như CATL của Trung Quốc, LG Energy Solution của Hàn Quốc và Panasonic của Nhật Bản.

Tiếp tục cuộc chiến pháp lý

Tương tự nhiều tập đoàn Hàn Quốc, Samsung phải đối mặt với những rắc rối pháp lý kéo dài trong cả thập kỷ. Cá nhân Lee đã phải ngồi tù 1 năm rưỡi vì tội hối lộ trước khi được Tổng thống ký lệnh ân xá.

Nhưng Tân Chủ tịch Samsung vẫn đang đối mặt cáo buộc thao túng thị trường chứng khoán và gian lận kế toán trong thương vụ sáp nhập giữa các công ty thuộc tập đoàn là Cheil Industries và Samsung C&T hồi năm 2015.

Khơi dậy tinh thần Samsung "mới"

Giới phân tích nhận định tân Chủ tịch cần đổi mới các giá trị cốt lõi của tập đoàn, giống như cha ông từng làm vào những năm 1990 với cách quản lý tập trung vào chất lượng. Ông Lee Kun-hee từng nổi tiếng với yêu cầu các giám đốc điều hành “phải thay đổi mọi thứ trừ vợ và con của bạn” để giúp công ty chuyển mình.

Và giờ đây một áp lực tương tự cũng đang dành cho Lee Jae-yong. “Anh ấy cần cho thấy mình có thể dẫn dắt Samsung như thế nào bằng cách đưa ra những tinh thần hoặc giá trị mới”, một cựu giám đốc điều hành của tập đoàn cho hay.

Trong lá thư gửi tới toàn thể nhân viên ngày 27/10, tân Chủ tịch nêu ra những thách thức mà công ty đang đối mặt và kêu gọi tất cả cùng “hành động, mạnh dạn và kiên định với những trọng tâm đã đề ra”.

Nâng cao năng lực mảng dịch vụ tài chính

Tập đoàn lớn nhất xứ Kim Chi đang điều hành mảng kinh doanh tài chính trên nhiều lĩnh vực, từ bảo hiểm, chứng khoán cho đến quản lý tài sản. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng Samsung vẫn chỉ là một công ty trong thị trường nội địa, chưa có kế hoạch vươn ra “biển lớn”.

Tân Chủ tịch Samsung từng cân nhắc bán Samsung Life Insurance cho tỷ phú Warren Buffett, nhưng sau đó quyết định giữ lại tiếp tục hoạt động. Do đó, thời gian tới, Lee sẽ cần xem xét đưa mảng kinh doanh này của tập đoàn phát triển và cạnh tranh tại thị trường quốc tế.

Thế Vinh (Theo NikkeiAsia)