Bộ Chính trị vừa ban hành Quy định số 191 về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, chế độ làm việc, quan hệ công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực (thay thế Quy định số 32/2021) và Quyết định số 192 kiện toàn Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.

Thông tin kết quả cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, chiều 30/10, ông Đặng Văn Dũng - Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương cho biết, Quy định số 191 đã bổ sung cho Ban Chỉ đạo nhiệm vụ phòng, chống lãng phí với trọng tâm là phòng, chống lãng phí trong quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công.

lang phi chong ngap.jpeg
Dự án chống ngập gần 10.000 tỷ đồng ở TPHCM khởi công năm 2016 đã hoàn thành khoảng 95% khối lượng công việc, ngưng trệ nhiều năm nay.

Theo ông Đặng Văn Dũng, việc kịp thời bổ sung chức năng, nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo với công tác phòng chống lãng phí được cán bộ, đảng viên và nhân dân đánh giá “rất đúng, rất trúng và mong chờ chuyển biến mạnh mẽ vấn đề này trong thời gian tới”.

Ông Đặng Văn Dũng cho biết, tại cuộc họp Ban Chỉ đạo, Tổng Bí thư cho rằng, lãng phí là vấn đề rất lớn, phạm vi rất rộng, thiệt hại còn lớn hơn rất nhiều lần so với tham nhũng, tiêu cực. Đảng, Nhà nước đã có nhiều chủ trương, giải pháp về vấn đề này nhưng chưa hiệu quả.

Tổng Bí thư lưu ý, phải nhận diện, chỉ rõ các hành vi, biểu hiện lãng phí, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, tổ chức, cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu trong công tác phòng, chống lãng phí.

Cùng với đó, chỉ đạo rà soát, xử lý nghiêm các vụ việc lãng phí lớn, dư luận xã hội quan tâm; xác định rõ trách nhiệm, xử lý các tổ chức, cá nhân có liên quan. “Tổng Bí thư yêu cầu dứt khoát phải có địa chỉ chịu trách nhiệm, vì đây là tài sản của Nhà nước, là tiền của nhân dân”, ông Dũng cho biết.

Rà soát 2 bệnh viện và dự án chống ngập TPHCM

Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Hữu Đông thông tin, hiện có 9 dự án trong lĩnh vực xây dựng; 22 dự án trong lĩnh vực điện lực, công nghiệp than khoáng sản; 15 dự án trong lĩnh vực giao thông; 7 dự án trong lĩnh vực giáo dục văn hóa thể thao du lịch; 4 dự án trong lĩnh vực nông nghiệp là những dự án cần được quan tâm về vấn đề lãng phí, tập trung chỉ đạo.

Theo ông Nguyễn Hữu Đông, Tổng Bí thư đã kết luận, trước mắt tập trung rà soát, xử lý dứt điểm tồn tại kéo dài với các dự án quan trọng quốc gia, dự án trọng điểm, dự án hiệu quả thấp, gây thất thoát, lãng phí lớn.

W-bệnh viện Bạch Mai.jpg
Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2 ở Hà Nam. Ảnh: Hoàng Hà

Trước hết, là dự án đầu tư xây dựng cơ sở 2 Bệnh viện Bạch Mai và cơ sở 2 Bệnh viện Việt Đức (Hà Nam), dự án giải quyết ngập do triều cường TPHCM, các dự án điện năng lượng tái tạo đã xây dựng nhưng chưa được kết nối vận hành…

“Những dự án này phải quan tâm, làm rõ trách nhiệm, quan trọng nhất là định ra thời điểm để đưa các dự án này vào hoạt động, mang lại hiệu quả, phục vụ tốt cho phát triển triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân”, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Hữu Đông nói.

Theo ông Đông, lãng phí không chỉ trong đầu tư công mà trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là lãng phí thời gian. Nếu không đôn đốc thời gian hoàn thành, đưa vào thực hiện thì các công trình, dự án đang lãng phí không thể đưa vào sử dụng.

“Phải dám nghĩ, dám làm, chứ cán bộ, công chức vô cảm, thờ ơ, sợ trách nhiệm, không dám làm thì lãng phí cả thời gian và nguồn nhân lực”, lãnh đạo Ban Nội chính Trung ương nói và cho biết, hiện chi thường xuyên chiếm 70%, cố gắng giảm xuống còn 50% thì mới có nguồn lực đầu tư các công trình phục vụ nhân dân.

Muốn làm việc này, theo lãnh đạo Ban Nội chính Trung ương, cần tiếp tục sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế.