Không có bài kiểm tra nào có thể đánh giá chính xác năng lực quản lý chiến lược của một người. Nhưng có 6 câu hỏi dưới đây có thể chỉ ra mức độ của năng lực đó. Hãy thử trả lời để có thêm ý tưởng cho việc phát triển tư duy chiến lược của bản thân.

Chiến lược gia có tầm nhìn cho hoạt động của tập thể. Ảnh: Pexels

Bạn có tầm nhìn kinh doanh không?

Steves Jobs và Wozniak - hai nhà sáng lập Apple Computer đã hình dung ra “quá trình dân chủ hóa máy tính”. Tầm nhìn của bạn khi bắt đầu bất kỳ hoạt động kinh doanh nào chính là “kim chỉ nam” - định hướng lâu dài cho cả quá trình, chứ không phải mục tiêu ngắn hạn. Một nhân sự có năng lực quản lý chiến lược sẽ có khả năng trình bày rõ ràng tầm nhìn của mình chỉ trong một vài câu.

Bạn có triết lý hành động không?

Triết lý chính là sứ mệnh cho hoạt động hàng ngày của bạn và nhóm/doanh nghiệp của bạn. Một tổ chức có triết lý hành động đủ để thuyết phục những nhân sự trong tổ chức tuân theo là đã đạt được 50% thành công. Và vì thế, không chỉ quan tâm triết lý của công ty và bản thân, bạn còn cần biết triết lý kinh doanh của công ty đối thủ.

Tổ chức của bạn có lợi thế cạnh tranh?

Điều cốt lõi để một tập thể/doanh nghiệp tồn tại được là có vị trí trong phân khúc thị trường đang hoạt động, dựa trên một lợi thế cạnh tranh nào đó. Nói cách khác, tổ chức của bạn phải trở thành số 1 hoặc 2, hoặc chí ít là thuộc top các tổ chức cạnh tranh hàng đầu trong phân khúc. Ví dụ, lợi thế cạnh tranh là giá cả hợp lý, thiết kế độc đáo, thương hiệu uy tín hoặc thế mạnh về cung cấp. 

Nói cách khác, một nhà chiến lược sẽ xác lập được các yếu tố để thúc đẩy người mua lựa chọn sản phẩm của công ty mình thay vì một sản phẩm khác tương đương. Tương tự, đội nhóm dưới quyền bạn cũng cần chứng minh được vai trò quan trọng trong công ty.

Nhân viên của bạn có thể làm việc độc lập?

CareerBuilder đã từng có các bài viết về việc trao quyền cho nhân viên. Bởi một công ty được quản lý một cách chiến lược sẽ trở thành một tổ chức liên minh mà trong đó mỗi nhân sự là một doanh nhân, có trách nhiệm quản lý một số nhiệm vụ nhất định. Mỗi nhóm có thể coi là một công ty siêu nhỏ, được hỗ trợ bởi nguồn lực của toàn tập đoàn và đứng đầu là các nhà quản lý.

Nhân viên của bạn được hỗ trợ để phát triển khả năng làm việc độc lập. Ảnh: Pexels

Để phát huy khả năng làm việc độc lập, ban giám đốc công ty nên ban hành các quy định, chỉ thị, hướng dẫn để các quản lý có khả năng chịu trách nhiệm về đơn vị kinh doanh của mình. Thay vì phục tùng một cách thụ động, nhiệm vụ của họ là sáng tạo, tự chủ trong giới hạn cho phép để trả lại kết quả tốt nhất theo chỉ thị. Và tiếp tục như thế đến cấp dưới. 

Bạn có tầm nhìn khi sắp xếp nhân sự?

Khi cố gắng đạt một mục tiêu nào đó mà nhân sự cấp dưới không đủ năng lực, một số quản lý đảm nhận luôn chức năng của người đó. Điều đó dẫn đến vai trò của nhân viên đó trở nên thừa thãi trong khi quản lý bị quá tải và không thể hoàn thành mọi công việc như trước. 

Như vậy, một lãnh đạo có chiến lược phải tự thiết lập được tư duy điều hành và thực hiện chiến lược một cách khoa học. Thay vì làm hộ việc của nhân viên, lãnh đạo cần biết cách xử lý khủng hoảng tức thời và lên kế hoạch đào tạo lâu dài và có tính hệ thống.

Bạn có cách tiếp cận mới không?

Năng lực này bao gồm: Hướng dẫn nhân viên phát triển tầm nhìn, mục tiêu của họ, thay vì đặt ra giới hạn cho họ; Khởi xướng các hoạt động, dự án mới chứ không chỉ làm cho xong những việc được yêu cầu; Đặt ra câu hỏi và đề xuất cách giải quyết.

Như vậy, nếu bạn có khả năng chỉ dẫn, đặt câu hỏi, khởi động và điều hành những việc mới chưa ai làm nhằm mang lại tăng trưởng và lợi nhuận bền vững cho công ty, thì đó là một khía cạnh của khả năng chiến lược. Đồng thời bạn cũng không ngăn trở các ý tưởng sáng tạo của cấp dưới, mà tạo điều kiện cho họ đi tìm giải pháp khả thi - sự chính trực đó cũng là một năng lực của chiến lược gia. 

Để bạn có thể trở thành chiến lược gia, không chỉ là vấn đề năng lực cá nhân, mà còn đòi hỏi sự cho phép của ban lãnh đạo công ty về việc chủ động và sáng tạo. Và ở đâu mà quản lý và nhân viên dưới quyền được đào tạo về tư tưởng chiến lược cũng như cách áp dụng chiến lược vào công việc thì ở đó có một công ty có khả năng phát triển bền vững. 

Vĩnh Phú