Ngày nay, khoa học không ngừng tìm kiếm những cách thức, biện pháp để tăng cường sức khỏe và kéo dài tuổi thọ của con người. Tuy nhiên, chính chúng ta lại gây hại cho sức khỏe và tự rút ngắn tuổi thọ của mình bằng những thói quen xấu mỗi ngày. Hãy loại bỏ 8 thói quen dưới đây để giúp kéo dài tuổi thọ.

1. Thức khuya

Tạp chí Quốc tế về thời gian sinh học đã xuất bản một bài báo có tiêu đề “Mối quan hệ giữa lịch trình làm việc với tỷ lệ mắc bệnh và tử vong trong Biobank của Anh”. Bài báo đề cập so với những người đi ngủ và dậy sớm, nhóm “cú đêm” có nguy cơ tử vong cao hơn 10%.

Mỗi ngày nên ngủ 8 tiếng là tốt nhất cho sức khỏe. Ảnh: Aboluowang

Thức khuya trong thời gian dài sẽ có hại cho sức khỏe toàn cơ thể, bởi hormone vỏ thượng thận và hormone tăng trưởng của con người chỉ được tiết ra trong giấc ngủ ban đêm. Các hormone này có chức năng thúc đẩy quá trình chuyển hóa carbohydrate và đảm bảo sự phát triển của cơ bắp.

Cũng trong nghiên cứu được công bố trên tạp chí, nếu mỗi người ngủ ít hơn 6,4 giờ mỗi ngày, điều này tương đương với việc giảm tuổi thọ 6,2 ngày mỗi năm. Mặt khác, Hiệp hội Giấc ngủ Mỹ khuyến nghị người trưởng thành nên ngủ ít nhất 7 tiếng mỗi ngày. 

2. Uống ít nước

Theo Aboluowang, nước là một thành phần quan trọng của cơ thể con người, chẳng hạn như máu, bạch huyết và bài tiết cơ thể đều liên quan đến nước, nước chiếm khoảng 60-70% trọng lượng cơ thể của một người trưởng thành. Hàm lượng nước trong máu là khoảng 90%. Một số người chỉ uống nước khi khát, điều này không đúng, sẽ đẩy nhanh quá trình lão hóa. Do đó, các nhà chuyên môn khuyến nghị người trưởng thành khỏe mạnh nên uống khoảng 1,5 lít nước mỗi ngày (bao gồm súp và cháo).

3. Ngồi quá lâu

Năm 2003, Tổ chức Y tế Thế giới chỉ ra rằng hơn hai triệu người trên thế giới chết mỗi năm do thói quen ít vận động. Tạp chí Y học thể thao Anh phát hiện những người ngồi hầu hết thời gian trong ngày có nguy cơ béo phì, đau tim hoặc tử vong cao hơn. Các chuyên gia y tế Đức cho biết những người ít vận động dễ mắc ung thư hơn. Ngược lại, số lượng tế bào miễn dịch trong cơ thể con người tăng lên khi tập thể dục.

Do đó, bạn nên đứng dậy và đi lại sau mỗi 1-2 giờ. Sau bữa tối, bạn có thể đi dạo ngoài trời trong 30 phút, cũng có thể tập aerobic, bơi lội, chơi cầu lông.

4. Lo lắng

Lo lắng rất có hại cho cơ thể. Khi đó, tim sẽ đập nhanh hơn, huyết áp tăng, độ nhớt của máu tăng, tim tiêu thụ nhiều oxy hơn, có thể dẫn đến đột quỵ hoặc nhồi máu cơ tim.

Một nghiên cứu của Đại học College London, Đại học Manchester (Anh) phát hiện những người không vội vàng và biết cách tận hưởng cuộc sống trọn vẹn có thể sống thêm trung bình 9-10 năm. Vì vậy, hãy chậm lại và cho bản thân nghỉ ngơi.

5. Ăn nhiều muối

Muối là thủ phạm gây ra nhiều căn bệnh nguy hiểm. Ảnh: Aboluowang

Huyết áp cao, bệnh thận, nhiễm trùng đường hô hấp trên và bệnh tim đều liên quan đến việc ăn quá nhiều muối. Nếu bạn ăn quá mặn, các mạch máu của bạn sẽ bị lão hóa sớm. Các khối u ác tính có thể liên quan đến việc ăn nhiều muối, trong đó có ung thư dạ dày.

6. Ăn quá nhiều

Bỏ bữa sáng hoặc ăn quá nhiều là những yếu tố gây tử vong phổ biến. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng những người không chú trọng đến bữa sáng thậm chí còn bị rút ngắn tuổi thọ trung bình 2,5 năm. Ăn quá nhiều không chỉ làm tăng nguy cơ mắc các bệnh về đường tiêu hóa mà còn dễ làm tổn thương lục phủ ngũ tạng. Y học hiện đại cho rằng bệnh tiểu đường, huyết áp cao, bệnh tim, bệnh thận, bệnh gan, tê liệt, mất trí nhớ do tuổi già và các bệnh khác đều có liên quan đến vấn đề này. 

7. Uống nhiều rượu bia, hút thuốc lá

Nghiện rượu là yếu tố khởi phát và làm nặng thêm các bệnh liên quan đến stress, đái tháo đường loại 2, tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu, gout và các bệnh khác.

8. Không kiểm tra sức khỏe và không tập thể dục

Những người không tập thể dục thường xuyên có khí và máu lưu thông chậm hơn, cơ bắp lỏng lẻo và khả năng miễn dịch suy yếu. Kết quả là họ dễ bị nhiễm bệnh và virus hơn.

Ngược lại, tập thể dục cải thiện khả năng điều tiết của các hệ thống khác nhau trong cơ thể, tăng tỷ lệ trao đổi chất và khả năng miễn dịch.

Hà Vũ