- UBND quận Long Biên, Hà Nội đã công bố báo cáo tình hình tiếp nhận, nuôi dưỡng trẻ em và người tàn tật, lang thang cơ nhỡ tại chùa Bồ Đề.
CLIP: Thăm nơi chuẩn bị đón trẻ em chùa Bồ Đề Đây là Trung tâm nuôi dưỡng người già và trẻ em TP.Hà Nội, nơi được cho là có thể sẽ tiếp các cháu bé tại chùa Bồ Đề theo đề xuất. |
24 NGƯỜI CÓ TÊN TRONG HỒ SƠ NHƯNG KHÔNG CÓ MẶT
Kết quả thanh tra việc nuôi trẻ tại chùa Bồ Đề đang được UBND quận Long Biên (Hà Nội) công bố tại cuộc họp giao ban Thành ủy Hà Nội chiều 19/8.
Trước đó, như VietNamNet đã đưa tin, sau khi cơ quan điều tra bắt giữ 2 bảo mẫu trong vụ mua bán trẻ em tại chùa Bồ Đề, Hà Nội đã lập các đoàn kiểm tra toàn diện về vấn đề nuôi trẻ mồ côi, người lang thang cơ nhỡ tại chùa này.
Ông Đỗ Mạnh Hải, Chủ tịch UBND quận Long Biên cho biết: Kết quả kiểm tra cho thấy, có tổng số 194 người, trong đó có 55 trẻ em từ 0-6 tuổi; 37 trẻ em từ 6-16 tuổi; số còn lại là người tàn tật trên 16 tuổi và người cao tuổi thuộc nhóm đối tượng BTXH...
Công bố thông tin về chùa Bồ Đề tại buổi họp báo chiều 19/8 |
Đối chiếu với tổng số người có mặt tại thời điểm kiểm tra với hồ sơ do Trụ trì chùa cung cấp và qua hồ sơ quản lý của các cơ quan quản lý nhà nước cho thấy: Có 24 người (21 trẻ em và 3 người già) có tên trong hồ sơ nhưng không có mặt tại thời điểm kiểm tra.
Công an quận Long Biên đã chỉ đạo các đội nghiệp vụ và công an phường Bồ Đề trực tiếp cử người đi xác minh theo các địa chỉ do Trụ trì chùa cung cấp.
Kết quả xác minh đến ngày 8/8 đã làm rõ địa chỉ hiện đang sinh sống của các đối tượng, cụ thể: 5 trẻ em đã được bàn giao vào Trung tâm BTXH của Thành phố, 13 trẻ em hiện đang được gia đình nuôi dưỡng, 1 trẻ em được nhận làm con nuôi, 2 trẻ em đang được nuôi dưỡng, chăm sóc tại chùa khác.
Hà Nội lên phương án nuôi trẻ tại chùa Bồ Đề Sở LĐTB&XH khẳng định chùa Bồ Đề không đủ điều kiện thành lập trung tâm bảo trợ xã hội. Vậy số phận các cháu bé ở chùa Bồ Đề sẽ ra sao? |
CHƯA CÓ KẾT LUẬN CUỐI CÙNG
Tại cuộc họp, Đại tá Nguyễn Duy Ngọc, Phó Giám đốc Công an Hà Nội cung cấp: Từ ngày 15- 22/7, trên các trang báo nêu lên dư luận có hay không việc mua bán trẻ em ở chùa Bồ Đề.
Nhận được thông tin, giám đốc công an thành phố đã chỉ đạo xác minh, điều tra, làm rõ.
Kết quả bước đầu, cơ quan công an đã bắt được 2 bảo mẫu Nguyệt và Trang.
VKSND đã phê chuẩn lệnh bắt và tạm giam hai đối tượng. Hiện công an đang tích cực điều tra.
Nhiều phóng viên đưa ra thắc mắc: Sư Thích Đàm Lam liên quan gì trong vụ việc? Ông Ngọc cho hay, tại giải trình và kiểm tra của quận đã nêu rõ việc này, tuy nhiên áp dụng các quy định của Bộ luật hình sự, chưa có căn cứ chứng minh sư Đàm Lan vi phạm pháp luật.
Ông Nguyễn Duy Ngọc nói: "Công an Hà Nội đang phối hợp với Công an quận Long Biên tiếp tục điều tra. Vi phạm đến đâu, xử lý đến đó. Chúng tôi chưa có kết luận cuối cùng".
Đối với danh sách các bé (11 cháu) mà báo chí nêu, CATP Hà Nội đã yêu cầu xác minh cụ thể, rõ ràng.
Về nghi vấn liên quan đến danh sách này, ông Ngọc cho hay, điều tra viên nào đi xác minh thì sẽ chịu trách nhiệm về kết quả xác minh!
Làm rõ lai lịch 11 bé nghi mất tích khỏi chùa Bồ Đề Công an quận Long Biên (Hà Nội) đã làm rõ được lai lịch của 11 cháu bé nghi bị mất tích khỏi chùa Bồ Đề. |
NUÔI DƯỠNG CÁC BÉ Ở CHÙA LÀ KHÔNG ĐÚNG
Tại cuộc họp, ông Phan Đăng Long, Phó trưởng Ban tuyên giáo Thành ủy Hà Nội cho biết: Ông có trong tay danh sách 11 cháu, địa chỉ ở đâu, nhưng không thể cung cấp cho báo chí được!
Ông Phan Đăng Long (trái) và ông Nguyễn Duy Ngọc (phải) tại cuộc họp |
Chỉ có duy nhất cháu Hoàng Anh (SN 2010), mẹ tên Hiên, không rõ địa chỉ.
Hai mẹ con cháu Hoàng Anh sau đó đã tự đi khỏi chùa, không xác minh được tung tích của cháu.
Ông Phan Đăng Long thông tin về trường hợp cháu Tùng Anh ở huyện Xuân Trường, Nam Định, đã được gửi cho bác nuôi đến năm 2012. Sau đó, người bác đưa cháu Tùng Anh cho chồng để đưa cháu đến cơ sở tôn giáo khác.
Ông Long từ chối cho biết địa chỉ cơ sở tôn giáo mà theo lời ông là đang nuôi dưỡng bé Tùng Anh.
Theo ông Long, việc nuôi dưỡng các cháu ở chùa Bồ Đề theo Nghị Định 68 là không đúng.
"Qua việc này, thành phố và địa phương thấy có trách nhiệm hơn" - ông Long nói.
Còn ông Đỗ Mạnh Hải cho biết: Việc nhà chùa có tiếp nhận hay không là từ tâm nguyện của chùa. Bản thân nhà chùa phải thể hiện được tâm nguyện đó. Nhưng đến ngày 15/8, nhà chùa đề nghị chuyển toàn bộ các đối tượng đang được nuôi dưỡng tại đây về Trung tâm bảo trợ xã hội của Thành phố. Việc đáp ứng như thế nào là thành phố sẽ phải lo.
"Không loại trừ các trường hợp có phát sinh mới, sẽ hướng dẫn để bàn giao cho các trung tâm bảo trợ xã hội" - ông Hải nói.
Ni sư Đàm Lan: "Chùa Bồ Đề đang chờ thành phố" Trao đổi xung quanh thông tin chùa Bồ Đề kiến nghị thành lập trường Nội trú cho các cháu trẻ mồ côi lang thang không nơi nương tựa tại chùa, Ni cô Thích Đàm Lan cho biết, nhà chùa chưa hề có kiến nghị này. |
BÁO CÁO CỦA UBND QUẬN LONG BIÊN:
Từ năm 1989, chùa Bồ Đề đã tiếp nhận và nuôi dưỡng trẻ em bị bỏ rơi, trẻ em mồ côi và được nhiều tập thể, cá nhân đóng góp, hỗ trợ tiền, vật chất để chùa nuôi dưỡng, chăm sóc các đối tượng.
Tổng diện tích khu đất để nuôi dưỡng các đối tượng là 1.439m2, gồm 15 phòng ở, 1 phòng y tế, 1 phòng học.
Chùa Bồ Đề |
Khu nhà ở có các loại phòng với diện tích lớn nhất là 45m2, nhỏ nhất là 15,7m2. Mỗi phòng tùy theo diện tích được bố trí từ 6-19 người ở.
Khu bếp là một khoảng sân giữa nhà G và khu nhà tôn, được cải tạo tạm thời, lợp mái tôn làm nhà bếp, có diện dích khoảng 30m2; có trang thiết bị nấu ăn, tuy nhiên còn sơ sài.
Tại thời điểm kiểm tra, ở khu nhà vệ sinh có một số thiết bị hỏng, không sử dụng được.
Chùa có phòng y tế, nhưng không có cán bộ có chuyên môn nghiệp vụ về lĩnh vực y tế để chăm sóc sức khỏe các đối tượng.
Phòng y tế không được lắp các thiết bị bảo quản thuốc như điều hòa, tủ lạnh, nhiệt kế, ẩm kế để bảo quản thuốc theo yêu cầu bảo quản ghi trên nhãn theo quy định.
Đối với trẻ em sống tại chùa: Chùa có bố trí người phục vụ nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ em. Trung bình mỗi người nuôi trẻ được giao chăm sóc 4- 6 trẻ.
Tuy nhiên, người nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ em là những người cơ nhỡ, có hoàn cảnh khó khăn, không có kỹ năng nghiệp vụ chăm sóc đối tượng theo tiêu chuẩn quy định.
Cũng theo báo cáo, hiện có 80 trẻ em đang sinh sống tại chùa chưa được đăng ký khai sinh.
Báo cáo nêu: Tại thời điểm kiểm tra, chùa Bồ Đề chưa đủ điều kiện để thành lập cơ sở bảo trợ xã hội theo quy định tại Nghị định 68/2008/NĐ- CP ngày 30/5/2008 của Chính phủ, quy định điều kiện, thủ tục thành lập tổ chức, hoạt động và giải thể cơ sở BTXH.
Sau khi kiểm tra, UBND quận Long Biên đã làm việc với trụ trì. Trong buổi làm việc, trụ trì chùa Bồ Đề đã thống nhất với kết quả kiểm tra.
Chiều ngày 18/8, UBND quận có nhận được văn bản số 02/2014 của chùa Bồ Đề (văn bản đề ngày 15/8/2014) đề nghị đưa toàn bộ số đối tượng đang nuôi dưỡng tại chùa vào Trung tâm BTXH Thành phố.
UBND phường Bồ Đề tiếp tục liên hệ với gia đình, tuyên truyền, vận động người thân (đối với trường hợp có địa chỉ rõ ràng) đến đón các đối tượng về chăm sóc tại gia đình.
Được biệt, hiện đã có một số gia đình đến xin đón người thân về gia đình chăm sóc.
T.Nhung