Theo Sở GDCK TP.HCM, con gái bà Cao Thị Ngọc Dung - Chủ tịch HĐQT Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) là Trần Phương Ngọc Thảo vừa đăng ký mua 2 triệu cổ phiếu PNJ trong khoảng thòi gian từ 25/3 đến 23/4/2020 thông qua phương thức thỏa thuận hoặc khớp lệnh.
Đây là một thông tin tích cực tác động lên cổ phiếu PNJ. Tính từ cuối tháng 1/2020, cổ phiếu PNJ của bà Cao Thị Ngọc Dung đã giảm khoảng 42%, từ mức 91.000 đồng/cp (giá điều chỉnh) xuống còn 52.600 đồng/cp (tính tới đầu giờ sáng 23/3).
Với mức giá hiện tại, bà Trần Phương Ngọc Thảo có thể phải bỏ ra trên 100 tỷ đồng để mua số cổ phiếu đã đăng ký.
Bà Trần Phương Ngọc Thảo hiện nắm hơn 4,7 triệu cổ phiếu PNJ tương ứng 2,11% tổng số cổ phiếu có quyền biểu quyết đang lưu hành của công ty. Trong khi đó, bà Cao Thị Ngọc Dung nắm hơn 20,3 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 9,03%). Một cô con gái khác của bà Dung là Trần Phương Ngọc Giao đang nắm giữ 7,25 triệu cổ phiếu PNJ, tương đương 3,22%.
Trần Phương Ngọc Thảo nổi tiếng không chỉ vì là con của gia đình doanh nhân lớn mà cô còn được biết đến bởi tài năng và thành tích học tập tốt hiếm có.
Trần Phương Ngọc Thảo du học từ đầu cấp 3 và tốt nghiệp sớm hơn so với các bạn tại New Zealand. Cô được nhiều trường đại học danh tiếng như Harvard, Cambridge, Oxford,... tuyển thằng làm nghiên cứu tiến sĩ.
Bà Cao Ngọc Dung |
PNJ được biết đến là một doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh tốt và mở rộng chuỗi cửa hàng vàng bạc trang sức với tốc độ rất nhanh trong vài năm gần đây sau khi nhận được vốn từ các nhà đầu tư nước ngoài. Hoạt động kinh doanh của PNJ cũng rất tốt. Đây cũng là lý do giúp cổ phiếu này tăng vọt trong 3 năm 2017-2019.
Trong tháng 1/2020, kết quả doanh thu và lợi nhuận của PNJ vẫn khá tốt, tăng trưởng so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, không ít nhà đầu tư lo ngại dịch Covid-19 có thể khiến nhu cầu đối với nhiều loại mặt hàng xa xỉ sẽ tụt giảm mạnh trong thời gian tới.
Trong tài liệu ĐHCĐ thường niên, PNJ dự kiến mở thêm 31 cửa hàng, đặt kế hoạch lợi nhuận tăng trưởng 13%, doanh thu thuần đạt trên 19 ngàn tỷ đồng, tăng 12 trong năm 2020. Tỷ lệ cổ tức dự kiến giữ nguyên ở mức 18%. PNJ đã thông báo hoãn lịch tổ chức ĐHCĐ 2020 (theo kế hoạch là vào 28/3).
Về cổ tức, PNJ vẫn sẽ chốt danh sách cổ đông chi tạm ứng cổ tức đợt 1/2019 bằng tiền tỷ lệ 10% vào ngày 3/4 tới.
Trong năm 2019, lần đầu tiên trong lịch sử PNJ ghi nhận lợi nhuận đạt trên 1.000 tỷ đồng. Theo báo cáo tài chính, doanh thu thuần của PNJ trong năm 2019 đạt 17 ngàn tỷ đồng, lợi nhuận ròng đạt 1.190 tỷ đòng, tăng trưởng tương ứng 17% và 24% so với năm trước đó.
Một số doanh nghiệp kinh doanh vàng bạc đá quý như DOJI, Bảo Tính Minh Châu, Phú Quý,... đều có kết quả kinh doanh tốc và tăng trưởng đều đặn là bởi nền kinh tế Việt Nam duy trì được mức tăng trưởng cao trong nhiều năm qua, đầu tư nước ngoài vào nhiều, thu nhập người dân tăng đều, dân số đông và các doanh nghiệp mở rộng mạng lưới, đẩy mạnh bán hàng.
Nhu cầu vàng miếng trong vài năm gần đây giảm mạnh do giá lên cao và tình trạng đầu cơ vàng suy giảm nhưng nhu cầu vàng trang sức tăng mạnh, nhất là vào dịp lễ tết và ngày vía Thần tài các năm.
Dù vậy, trong năm 2020, nhiều khả năng các doanh nghiệp sẽ gặp nhiều khó khăn.
Gần đây, không ít lãnh đạo, chủ doanh nghiệp cũng như người liên quan tung hàng ngàn tỷ để mua vào cổ phiếu trong bối cảnh TTCK diễn biến tiêu cực trong một thời gian dài khiến giá nhiều cổ phiếu xuống mức thấp hiếm có.
Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Phát triển đô thị Kinh Bắc (KBC) Đặng Thành Tâm vừa đăng ký mua 10 triệu cổ phiếu KBC khi giá cổ phiếu giảm khoảng 30%.
Bà Nguyễn Thị Mai Thanh - Chủ tịch HĐQT kiểm Tổng Giám đốc Cơ Điện Lạnh (REE) cũng đã đăng ký mua 15 triệu cổ phiếu REE. Giao dịch được thực hiện thông qua phương thức thỏa thuận hoặc khớp lệnh, từ ngày 18/3-17/4. Với mức giá khoảng 30 ngàn đồng/cp như hiện tại, nữ chủ tịch REE có thể phải chi ra 450 tỷ đồng để mua số cổ phiếu nói trên. Và nếu thành công, bà Thanh sẽ sở hữu 37,7 triệu cổ phiếu REE, tương đương gần 12,2%.
Hàng loạt doanh nghiệp trên sàn cũng đưa ra kế hoạch mua cổ phiếu quỹ như một lá bùa để cứu giá cổ phiếu tụt giảm trong vài tháng qua.
Trên thị trường chứng khoán (TTCK), áp lực bán vẫn rất lớn. Sáng 23/3, chỉ số VN-Index giảm khoảng 37 điểm xuống 672 điểm.
Một số công ty chứng khoán (CTCK) có những cái nhìn thận trọng trong các dự báo.
Theo Rồng Việt, TTCK vẫn chưa có dấu hiệu hồi phục sau những chuỗi ngày giảm sâu và các NĐT đang lo lắng tình hình dịch bệnh Covid-19 đang lan tỏa nhanh trên toàn cầu. VDS cũng mong rằng trong thời gian này các nhà đầu tư vững tin và cố gắng hạn chế rủi ro danh mục của mình tốt nhất.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 20/3, VN-Index giảm 16,21 điểm xuống 709,73 điểm; HNX-Index tăng 0,8 điểm lên 101,79 điểm. Upcom-Index giảm 0,05 điểm xuống 49,85 điểm. Thanh khoản đạt 4,7 ngàn tỷ đồng
V. Hà