“Không muốn con trải qua những khiếp sợ như mẹ nó đã từng”
Sau khi đón con vào cuối ngày, chị Hoàng Thị Xuân Hương (30 tuổi, quận Tân Phú, TP.HCM) tranh thủ chở bé gái mới 4 tuổi đến lớp dạy võ thuật cách nhà không xa. Mặc dù mới học lớp chồi, bé gái đã có 1 năm theo học môn võ Aikido.
Chị Hương quyết định cho con gái tiếp cận võ thuật từ khi còn rất nhỏ với nhiều lý do. Ban đầu, chị nhận thấy bé gái khá nhút nhát. Chị hy vọng võ thuật sẽ giúp bé mạnh mẽ, tự tin hơn.
“Tôi luôn mong muốn con mình là một đứa bé khỏe mạnh, linh hoạt, tự tin. Tiếp đến, tôi muốn con có thể tự bảo vệ mình, tránh các tình huống bị bắt nạt, xâm hại bởi ngoài xã hội có nhiều thứ mình không thể lường trước được.
Sau nhiều lần đắn đo, tôi quyết định cho bé học võ. Những ngày đầu, bé khá bỡ ngỡ. Nhưng được sự động viên của tôi, thầy dạy ở lớp sau đó bé tự tin và rất thích lớp học võ của mình”, chị Hương bộc bạch.
Trong khi đó, chị Nguyễn Xuân Hồng (35 tuổi, quận Bình Thạnh, TP.HCM) quyết định cho con gái theo học võ từ nhỏ với mục tiêu bé sẽ không phải trải qua những khiếp sợ như chị đã từng. Thời học sinh, chị Hồng từng ám ảnh chuyện bị bạn học bắt nạt.
Khi còn đi học, vì là lớp trưởng, chị Hồng được cô giao nhiệm vụ báo lỗi của các bạn trong lớp. Việc này khiến chị bị những học sinh cá biệt thù ghét. Chị thường xuyên bị một nhóm nam học sinh chặn đường đón đánh khi tan trường.
“Lúc đó, từ trường tôi có 3 ngả đường để về nhà. Mỗi khi tan học, tôi phải phán đoán hoặc nhờ bạn lén xem các bạn nam kia chặn ở ngả nào để tránh. Số lần bị đánh rất ít, nhưng việc phải tránh né làm tôi luôn lo sợ, căng thẳng”, chị kể.
Tình trạng trên chỉ kết thúc sau lần chị bị nhóm nam sinh trên bắt gặp, xô xuống cống. Vụ việc đến tai nhà trường, nhóm học sinh nam bị phạt, chị Hồng được xin lỗi.
Chuyện xảy ra đã lâu, chị không còn chút thù hận, ác cảm nào với nhóm học sinh nói trên. Tuy vậy, chị vẫn không thể quên cảm giác sợ hãi khi bị bắt nạt. Do đó, ngay khi sinh con gái, chị xác định sẽ cho bé học võ sớm.
"Trong hành trang vào đời của con, tôi sẽ không chỉ trang bị cho bé thơ văn, nhạc họa, ngoại ngữ... Mà trước tiên, tôi sẽ trang bị cho con kỹ năng phòng bị để con không phải trải qua những khiếp sợ như mẹ nó”, chị Hồng chia sẻ.
Hiện nay, con gái 5 tuổi của chị Hồng theo học lớp Muay Thai và Boxing với học phí 5,4 triệu đồng/12 tuần. Sau khi thấy con gái yêu thích lớp học và trở nên dạn dĩ hơn, chị Hồng tiếp tục khuyến khích con trai 4 tuổi đến lớp học võ cùng chị.
Chi tiền triệu đổi lấy sự yên tâm
Cùng nỗi lo như chị Hồng, gia đình anh Nguyễn Văn Long (33 tuổi, quận 12, TP.HCM) cũng quyết định cho 2 con gái theo học môn võ Jujitsu từ khi các con mới lên lớp 1. Trước đây, anh Long không có ý định cho con gái học võ.
Tuy nhiên, sau khi xem, đọc các thông tin về những vụ việc bé gái bị xâm hại, bắt nạt… anh đã thay đổi ý định. Anh kể: “Tôi vốn không thích con gái học võ vì sợ bé khô cứng, thiếu nữ tính. Tuy nhiên, khi đọc thông tin bé gái bị xâm hại, bắt nạt, clip thanh niên đánh bạn gái…, tôi đăng ký cho con học Jujitsu ngay.
Trước đó, bé lớn nhà tôi đi học toàn bị các bạn trai trêu ghẹo, bắt nạt. Nhưng khi học võ, con tự tin hơn, không run sợ trước sự bắt nạt của các bạn nam nên tôi rất yên tâm. Thậm chí, lên cấp 2, con còn khỏe hơn một số bạn nam cùng tuổi”.
Theo anh Long, hiện nay, rất nhiều phụ huynh có cùng suy nghĩ cho con học võ để các bé tự tin, rèn luyện sức khỏe, biết cách tự vệ, thoát khỏi tình huống bị bắt nạt, xâm hại.
Do đó, phụ huynh không tiếc tiền đăng ký cho con học nhiều môn võ nổi tiếng như: Muay Thai, Boxing, Taekwondo, Jujitsu…
Hiện, các võ đường, câu lạc bộ võ thuật đều có những lớp dạy võ cho trẻ em từ 3 tuổi trở lên với mức học phí từ 1.5 triệu đồng/tháng. Cá biệt, có lớp học một thầy một trò với mức học phí 1 triệu đồng/buổi.
Đại diện Câu lạc bộ Boxing Matrix (TP.HCM) cho biết, thời gian gần đây, câu lạc bộ ghi nhận nhiều phụ huynh đăng ký cho con đến tập luyện. Trong đó, các bé từ 3-8 tuổi đến tập rất đông vào thời điểm mùa hè.
“Đa số phụ huynh khi đưa con em mình đến tập luyện tại câu lạc bộ đều muốn các bé được rèn luyện thể chất từ bé. Phụ huynh cũng hy vọng các bé vừa có kĩ năng tự vệ vừa phát triển thể trạng tối ưu”, người này cho biết.
Anh Phạm Long Sơn, Chủ tịch kiêm Huấn luyện viên trưởng Hệ thống Đạo đường Aikido, Tenshinkai Việt Nam cũng khẳng định, đạo đường đang đón nhận rất nhiều bé gái theo học. Do đó, Đạo đường đã đưa ra các giáo trình phù hợp để luyện tập cho các bé.
Anh Sơn cho biết: “Cho các bé tiếp cận võ thuật có nhiều lợi ích. Các bé không chỉ được rèn luyện sức khỏe, có sự tự tin mà còn được rèn luyện để nhận biết, xử lý, tự bảo vệ mình trước những tình huống, mối nguy hiểm như bắt nạt học đường...
Hơn thế, khi rèn luyện võ thuật, các bé sẽ bớt thời gian tiếp xúc với máy vi tính, điện thoại… Thay vì tự cô lập mình trong thế giới ảo, khi rèn luyện võ thuật, các bé sẽ có thêm những mối quan hệ cộng đồng”.
Tuổi thơ nghèo khó từng khiến võ sĩ Thu Nhi nghĩ đến việc lên thượng đài để kiếm tiền đổi đời. Còn bây giờ, Nhi lại khát khao khẳng định tinh thần dân tộc trên võ đài thế giới.