Một năm đã hết, cùng ngồi lại để tổng kết chuyện làm ăn, câu chuyện đòi nợ trở thành điểm chung của các sếp ngân hàng. Đầu măm mới ngân hàng vẫn còn ám ảnh với nỗi lo đi đòi nợ và nghĩ chiêu siết nợ với tất cả sự bi hài hiếm có trong đời. 

Đủ chiêu trốn nợ 

2013, nhiều cá nhân, công ty đã buộc phải xử lý tài sản để trả nợ ngân hàng. Tuy nhiên, theo phía ngân hàng, ngoài đa phần các khách hàng hợp tác thì không ít các khách hàng đã phải “rắn mặt” để trì hoãn nghĩa vụ trả nợ. 

Các hành động hay thấy nhất có lẽ các hành vi tẩu tán tài sản. Việc tẩu tán tài sản thường rất hay gặp ở các loại động sản như hàng tồn kho, ô tô, phương tiện cơ giới. 

Các vụ “tẩu tán” đã thành nổi tiếng do báo chí vào cuộc ầm ĩ như vụ Công ty Trường Ngân, Inox Châu Âu… Còn các loại tài sản thế chấp là phương tiện vận tải, máy móc, thiết bị nhiều khi bị “bốc hơi” thì nhiều vô kể mà không sếp ngân hành nào dám mạnh mồm bảo mình không ăn quả đắng. 

Như trường hợp một anh đi làm về không thấy xe ô tô của mình đâu liền báo công an thì mới biết là phía ngân hàng đã thu nợ. Đại diện ngân hàng cho biết, khách hàng này đã chậm trả một thời gian dài, còn tự ý đổi chỗ ở không báo cho phía ngân hàng… 

{keywords}
Ngân hàng đau đầu tìm cách đòi nợ

Có lẽ, chuyện khách hàng nợ quá hạn thay đổi chỗ ở, đổi số điện thoại sẽ là không hiếm, thậm chí không muốn nói là khách hàng còn bỏ trốn khỏi địa phương. Và đó chỉ là chiêu quá thường may ra tránh được nhân viên thu nợ quấy rầy mấy hôm chứ chẳng bao giờ trốn được nợ.

Còn chuyện khách hàng cố tình trốn tránh, không gặp, thả chó, nhắn tin, điện thoại chửi bới cán bộ tín dụng, cán bộ xử lý nợ thì chắc chắn cũng không hề hiếm gặp và bất kể ai từng tham gia công tác xử lý nợ đều đã gặp phải. 

“Khách hàng còn có thể liên minh lại để cố tình trốn tránh, thậm chí nghĩa ra đủ cách. Đơn giản, khách hàng của nợ quá hạn, ngân hàng phát hiện ra có một khoản tiền chuyển về tài khoản thì lập tức phong tỏa lại ngay theo đúng các hợp đồng đã ký. Nhưng mà, nhưng mà mấy ngày sau thì thấy có lệnh tra soát, bên chuyển tiền bảo gửi nhầm. Ngân hàng biết là khách hàng liên kết với bên chuyển tiền để chuyển sang tài khoản của KH tại ngân hàng khác nhưng mà không thể làm gì được, buộc phải giải tỏa khoản tiền này ra”, Giám đốc chi nhánh một NHTMCP cho biết. 

Đủ cách đòi nợ

Theo nguyên tắc trong ngành ngân hàng, ai cho vay là người phải đi đòi nợ. Chính vì thế, những cán bộ tín dụng là người có trách nhiệm đi thu nợ. Và họ cũng có muôn vàn cách để làm việc này. 

Hơn một năm trước đây, dư luận cả nước đã từng ồn ào vì vụ thu nợ như phim hành động của một công tylogistic cho Techcombank tại Công ty Đồng Xanh. Rồi sau đó là cảnh các ngân hàng chầu chực tại kho của Inox Châu Âu, công ty Cường Ngân… Vậy ngân hàng là ai?. Chính là các cán bộ tín dụng, những người cho vay đều phải ngày đêm canh giữ khách hàng. 

Theo chị Thanh Thư, giám đốc một chi nhánh của NHTMCP thì “Để đến mức phải đi như Inox Châu, Cường Ngân là bất đắc dĩ.  Làm tín dụng thì ai cũng sẽ gặp những trường hợp tương tự, nhưng quan trọng là phải nắm được khách hàng, có biện pháp xử lý nhanh chóng, kịp thời. Chúng tôi đã từng phải chỉ huy toàn bộ nhân viên của cơ quan đi bốc hàng, chở đi ngay khi phát hiện ra dấu hiệu khách hàng thiếu hàng, tẩu tán tang vật. Cái quan trọng nhất là phải nắm bắt, phản ứng kịp thời”. 

{keywords}
Nhiều đại gia phá sản

Cấp thấp hơn, thì các chuyên viên cũng không ít phen máu lửa khi tham gia xử lý nợ. “Khách hàng nợ quá hạn nhiều người chống đối kinh khủng, khi ngân hàng đi xử lý nợ thì khách hàng thả cả chó ra, làm cả tổ công tác chạy te tua. Hoặc một tốp thu nợ chỉ có 2 người cũng đã từng phải đi trông một cái kho hàng thế chấp giữa đồng không mông quạnh, bốn bề hoang vắng. 

“Khủng khiếp nữa là các khách hàng cầm cố sim thẻ. Khách hàng đi giao hàng vào đêm, mình cũng phải đi theo, nhiều khi ôm bọc sim thẻ trị giá hàng vài tỷ trong đem hôm, vắng lặng cũng sợ hãi đáng kể” – D.N.K, chuyên viên tín dụng chia sẻ những phi vụ hú vía của nghề tín dụng. 

Vất vả hơn nữa có lẽ là các bạn nữ tham gia công tác này. Chị Mai Linh, cũng là cán bộ tín dụng chia sẻ “khách hàng vay mua ô tô, rồi không trả được, chúng tôi phải mất bao nhiêu công sức, các mối quan hệ cá nhân mới theo dõi được xem cái xe đấy đang ở đâu, nhưng rồi vẫn mất tích. May mắn là một lần khách hàng này vi phạm luật giao thông ở tỉnh khác, bị công an giữ xe và có thông báo cho ngân hàng vì khách hàng không có giấy tờ xe, chúng tôi phải tức tốc đến nơi, lập biên bản, thu giữ tài sản”.

Hay như chị H.Q.T, nhân viên tín dụng của một ngân hàng khác còn có kỷ niệm nhớ đời khi “Tôi phải xông ra, đứng chặn đầu xe tải của ngân hàng khác để ngăn cản họ chở hàng ra khỏi kho khi tranh chấp”.

Theo các cán bộ tín dụng, “không ai mong muốn phải đi xử lý nợ, đó là đường cùng, tuy nhiên, chúng tôi vẫn phải áp dụng vì tài sản của ngân hàng phải bảo toàn, đó là nhiệm vụ và sinh mệnh của chúng tôi”, một cán bộ tín dụng chia sẻ. 

Xử lý nợ xấu luôn là câu chuyện đầy bi hài của các ngân hàng, trong đó, chuyện buồn có lẽ sẽ nhiều hơn chuyện vui. Tuy nhiên, trong tình cảnh hiện nay, có lẽ, việc đó sẽ là điều khó tránh khỏi đối với một số cá nhân, doanh nghiệp. 

Nguyễn Thanh Ngọc