- Còn vài ngày nữa là đến Tết Mậu Tuất-Tết của số đông người Việt. Nhìn cách sắm sửa chuẩn bị cho sự ăn và sự chơi tết của một bộ phận người Việt, thấy bộc lộ thú ăn chơi hơn người, khác người, xa lạ với triết lý xuân, phong tục tết...
Có một bộ phận gặp thời, trúng lộc, giàu lên, tiền nhiều, tết là dịp tiêu tiền, không tiếc tiền, cho thỏa nguyện chuyện ăn chơi hơn người.
Còn vài ngày nữa là đến Tết Mậu Tuất. Ảnh minh hoạ: Chở đào rừng xuống phố (thể thao văn hoá) |
Không hiếm người bỏ tiền, thuê người lên núi cao, vào rừng sâu săn lùng kỳ hoa dị thảo, tìm những mai, đào cổ thụ. Chặt cành, cưa cây, chưa thỏa sở nguyện. Người ta bứng gốc, trốc rễ, đưa nguyên cả thứ cây trời sinh ra không phải cho riêng một ai, về nhà mình, thành thứ riêng của mình. Tiêu tốn nhiều chục triệu, nhiều trăm triệu đồng chỉ để thoả mãn thú chơi hơn người mấy ngày tết, phút chốc, những kỳ hoa dị thảo trời đất sinh ra trăm năm mới thành, bỗng thành cây khô củi mục. Rồi đây, qua nhiều cái tết như cái tết Mậu Tuất này, rừng núi sẽ vắng bóng những mai vàng, đào thắm; những kỳ hoa dị thảo sẽ chỉ còn trong ký ức của những ai ưa hoài niệm.
Không ít người, trước Tết cả nhiều tháng, cất công lên rừng, xuống biển, đặt hàng những thứ độc và lạ, những ba ba thượng nguồn sông Mã, cá anh vũ sông Đà, cá lăng Sê-rê-phốc, cá tra dầu, cá hô “khủng” trên dòng Mê-Kông, cá mó gù ngoài biển... Họ không ngần ngại phô phang với thiên hạ về sự độc, sự lạ, về số tiền bỏ ra để có được và cả sự ham hố khác người. Một bữa tiệc ngày Tết, với những thứ sơn hào hải vị thuộc hàng “tiến vua”, giá thành hàng chục triệu đồng, là chuyện chưa lớn với nhà giàu. Chuyện lớn là họ công khai cổ xuý cho thứ triết lý vặt: Kẻ giàu sang có quyền săn lùng và hưởng thụ mọi thứ độc và lạ, kể cả những loài sinh vật có tên trong sách đỏ! Chuyện lớn nữa là nó tạo ra nghịch cảnh “kẻ ăn không hết, người lần không ra”, cái cảnh “Cửa son rượu thịt ôi/Ngoài đường xương chết rét”(Đỗ Phủ).
Bất hoà từ đây và bất an cũng từ đây.
Xuân là tập hợp những đa dạng, hài hoà và tinh tuý. Cái cách ăn và chơi xuân, hưởng Tết theo lối tận diệt để thỏa mãn sự hơn người, đâu còn là xuân?
Tết là sum vầy, tràn trề vị tha, hỉ xả. Nhưng đâu phải ai cũng được sum vầy? Những người lính biên giới, hải đảo xa... Những công nhân lao công dọn rác xuyên giao thừa... Những bác sỹ, hộ lý trong bệnh viện...Những người vô gia cư và chắc chắn còn bao người nghèo chưa biết chắc là có tết...
Mỗi người, trở về cái gốc văn hoá truyền thống vị tha, mở lòng nhân hậu,là rút ngắn lại hố ngăn cách bất hoà.
Ngày cận tết Mậu Tuất, truyền thông-đặc biệt là truyền thông xã hội, đem đến cho công chúng câu chuyện xúc động về tấm lòng nhân hậu, vị tha. Vợ chồng chị Jerry Phương ở thành phố Hồ Chí Minh, qua thông tin trên mạng xã hội đã vượt cả ngàn cây số, đến huyện biên giới Mường Lát, Thanh Hoá, đón cô bé Pang tật nguyền khốn khó về làm con, chăm sóc, dạy dỗ, chữa bệnh cho em. Về mức độ giàu có, chắc chắn vợ chồng chị Jerry Phương không so được với những đại gia hưởng tết bằng kỳ hoa dị thảo, sơn hào hải vị kia. Nhưng, anh chị có thứ mà những người kia không thể có, đó là tấm lòng nhân hậu, là của để dành “phúc đẳng hà sa”!
Cuối năm Đinh Dậu, lại thêm câu chuyện ấm lòng khác. Đó là câu chuyện về chiếc áo thi đấu có chữ ký của các cầu thủ U23 tặng Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sau khi đội tuyển thi đấu giải U23 châu Á thành công trở về...
Thủ tướng đã cho bán đấu giá công khai kỷ vật này, lấy tiền lo tết cho người có công và người nghèo. Tập đoàn FLC của ông Trịnh Văn Quyết đã bỏ ra 20 tỉ mua chiếc áo.
Chắc chắn trong giới lãnh đạo không ít người sở hữu kỷ vật được tặng, biếu có giá trị.
Chắc chắn, không ít doanh nghiệp và cá nhân giàu có như Tập đoàn FLC sẵn sàng bỏ tiền ra, nhận kỷ vật về, một đồng tiền bỏ ra mua về, không chỉ là kỷ vật.
Như thế, sẽ làm cho xuân thêm xuân, tết thật tết.
Như thế, xã hội mỗi ngày bớt đi sự đối nghịch, bất hoà.
Uông Ngọc Dậu
Cải cách từ việc tạo dựng niềm tin
Để tạo niềm tin cho DN cần có những thay đổi mạnh mẽ hơn, có lẽ không chỉ ở Chính phủ mà còn ở tầm Quốc hội, những luật lệ, nhất là ở hệ thống tư pháp, tòa án.