Động thái của Ấn Độ diễn ra sau vụ ẩu đá chết người tại biên giới Ấn Độ - Trung Quốc hồi tháng 6. Đây là lần đụng độ nghiêm trọng nhất trong nhiều thập kỷ, khiến người Ấn Độ cũng như chính phủ có động thái “tẩy chay” hàng Trung Quốc, gây tổn hại kinh tế cho cả hai quốc gia châu Á. Các quan chức Ấn Độ cảnh báo thiệt hại kinh tế do căng thẳng biên giới sẽ trở nên tồi tệ hơn.
Người Ấn Độ sục sôi lửa giận với Trung Quốc sau đụng độ biên giới khiến 20 binh sĩ nước này thiệt mạng. Ảnh: Reuters |
Xây dựng một “Ấn Độ tự lực”
Bên cạnh các biện pháp an ninh khác thường như công khai việc triển khai các tên lửa tầm xa và tái trang bị vũ khí sát thương đặc biệt cho quân đội Ấn Độ ở khu vực biên giới, một số nhà phân tích Ấn Độ còn kêu gọi áp thuế cao đối với mọi mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc cùng các biện pháp hạn chế khác.
Liên đoàn doanh nghiệp Ấn Độ, tổ chức đại diện cho khoảng 70 triệu thương nhân và nhà bán lẻ địa phương, đã phát động phong trào tẩy chay hàng hóa Trung Quốc và chuẩn bị một danh sách gồm 500 sản phẩm có thể sản xuất tại địa phương thay vì mua từ Trung Quốc.
Bộ trưởng Tư pháp và trao quyền xã hội Ấn Độ Ramdas Athawale thậm chí còn yêu cầu cấm các nhà hàng bán đồ ăn Trung Quốc, cho dù đề xuất này không được dư luận ủng hộ.
Ấn Độ yêu cầu kiểm tra các dòng vốn đầu tư từ Trung Quốc vào tháng 4. Chính phủ quốc gia Nam Á chậm phê duyệt mọi yêu cầu sau vụ ẩu đả chết người. Bộ Thương mại Ấn Độ chưa bình luận về thông tin này.
Hơn nữa, trong những ngày gần đây, Ấn Độ siết chặt hoạt động giám sát đối với hàng nhập khẩu và đe dọa kế hoạch kinh doanh của nhiều công ty Trung Quốc.
Cục Tiêu chuẩn Ấn Độ (BIS) trong những tuần gần đây trì hoãn phê duyệt linh kiện điện thoại di động và TV có nguồn gốc từ Trung Quốc, “gây nguy hiểm” cho kế hoạch của các công ty như Xiaomi và Oppo, các nguồn tin từ hai nước ngày 14/8 cho biết.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi trong những tuần qua kêu gọi xây dựng “một Ấn Độ tự lực” và hối thúc ngành công nghiệp tập trung thúc đẩy sản xuất trong nước.
Trong 10 điện thoại thông minh bán ra tại Ấn Độ, 8 chiếc sản xuất bởi các công ty Trung Quốc, trong đó gồm Xiaomi và Oppo. Dù hai công ty này lắp ráp hầu hết mẫu tại Ấn Độ, Oppo và Xiaomi vẫn phải nhập một số linh kiện từ Trung Quốc.
Ngừng thuê tàu chở dầu của Trung Quốc
Theo Reuters, Ấn Độ cấm các công ty dầu quốc doanh thuê tàu Trung Quốc để vận chuyển dầu mỏ khi quan hệ hai nước căng thẳng.
Trung Quốc sở hữu những siêu tàu chở dầu lớn nhất thế giới. Ảnh: SCMP |
Một nguồn tin cho hay các tàu mang cờ và thuộc sở hữu của Trung Quốc đã bị cấm tham gia đấu thầu những hợp đồng thuê phương tiện vận chuyển dầu thô tới Ấn Độ, hoặc xuất khẩu các sản phẩm như dầu diesel ra khỏi nước này.
Dù vậy, các công ty dầu của Ấn Độ sẽ không bị ảnh hưởng nhiều, bởi phần lớn tàu chở dầu nước ngoài họ sử dụng hoặc thuê đến từ Liberia, Panama và Mauritius.
Hai giám đốc điều hành dầu mỏ giấu tên của Ấn Độ cho biết thông tin trên, đồng thời tiết lộ thêm rằng, tàu Trung Quốc được sử dụng hạn chế, chủ yếu để vận chuyển khí dầu mỏ hóa lỏng.
Tuy nhiên, động thái này được cho là sẽ tiếp tục làm gia tăng căng thẳng giữa hai trong số các nền kinh tế lớn nhất châu Á, sau vụ đụng độ nghiêm trọng ở khu vực biên giới tranh chấp trên dãy Himalaya hồi tháng 6, khiến 20 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng. Trung Quốc không công bố thương vong trong vụ ẩu đả.
Chi 500 triệu USD, kêu gọi Maldives “từ bỏ” Trung Quốc
Ngày 13/8, Ngoại trưởng Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar nói với người đồng cấp Maldives Abdulla Shahid rằng New Delhi sẽ hỗ trợ 500 triệu USD cho một dự án nhằm giảm tầm ảnh hưởng của Trung Quốc tại nước ngoài.
Ngoại trưởng Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar. Ảnh: Reuters |
Cụ thể, New Delhi sẽ hỗ trợ dự án kết nối thủ đô Male với khoản tài trợ 100 triệu USD cùng vốn vay 400 triệu USD.
Theo Reuters, dự án này sẽ giúp kết nối thủ đô Male của Maldives với ba đảo lân cận. Maldives được đánh giá là một địa điểm quan trọng trong sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc. Đặc biệt, đây sẽ là dự án cơ sở hạ tầng dân sự lớn nhất ở Maldives.
Ấn Độ cạnh tranh tầm ảnh hưởng với Trung Quốc sau khi chính quyền của Tổng thống Maldives Ibrahim Solih lên nắm quyền từ năm 2018. Ông Solih đã đánh bại người tiền nhiệm có xu hướng thân Trung Quốc Abdulla Yameen trong cuộc bầu cử 2 năm trước.
Năm ngoái, ông Yameen bị kết tội rửa tiền và lĩnh án 5 năm tù vì giao nhiều hợp đồng quy mô lớn cho các nhà thầu Trung Quốc, bao gồm dự án xây dựng cây cầu chính nối liền Male với đảo Hulhumale và dự án mở rộng tuyến đường đến sân bay quốc tế nước này.
(Theo SCMP / Reuters / Dân Trí)