Patricia Varacallo là bác sĩ người Mỹ có kinh nghiệm trong chăm sóc sức khỏe ban đầu. Cô cũng là huấn luyện viên lối sống được cấp chứng nhận, có nhiều nghiên cứu trình bày tại các hội thảo quốc gia. 

Mới đây, cô đã chia sẻ những thay đổi trong cơ thể sau khi thử nghiệm ăn ngô liên tục 1 tuần trên The Healthy: 

Theo Statistica, ngô là loại ngũ cốc quan trọng nhất thế giới nếu xét về sản lượng. Trong mùa vụ 2022-2023, sản lượng ngô toàn cầu tăng vọt lên 1,15 tỷ tấn.

Mặc dù thỉnh thoảng tôi thích ngô nhưng khi biên tập viên gợi ý tôi ăn ngô mỗi ngày, tôi vẫn hơi lo lắng. Nhưng rồi tôi nhớ lại video lan truyền về một cậu bé vui vẻ thể hiện tình yêu của mình dành cho ngô. Nếu cậu bé hào hứng như vậy, tôi cũng có thể! Tôi quyết tâm khám phá tiềm năng thực sự của ngô. 

Bộ Nông nghiệp Mỹ khuyến nghị người trưởng thành ăn khoảng 200g ngũ cốc mỗi ngày (tùy thuộc vào độ tuổi, giới tính và mức độ hoạt động thể chất), trong đó ít nhất một nửa là ngũ cốc nguyên hạt. Vì ngô là loại rau chứa nhiều tinh bột nên cũng có thể phù hợp với các khuyến nghị của nhóm rau, dao động từ 300-450g mỗi ngày. 

Tôi quyết định ăn một bắp ngô mỗi ngày kết hợp nhiều loại rau, ngũ cốc, protein và chất béo khác. Chuyên gia dinh dưỡng Elyse Homan tại Cleveland Clinic cho biết bạn có thể ăn ngô tươi, đông lạnh hoặc đóng hộp nhưng cần hạn chế các chất phụ gia như bơ, muối. 

Dinh duong.jpg
Giá trị dinh dưỡng của 100g ngô. Ảnh: HP

Ưu và nhược điểm của ngô 

Sau khi ăn ngô hằng ngày trong cả tuần, tôi nhận thấy một số lợi ích. Đầu tiên, tôi có thể kết hợp ngô vào một số món ăn yêu thích của mình mà không gặp vấn đề gì. Tôi cũng cảm thấy tràn đầy năng lượng, nhờ carbohydrate trong ngô cung cấp năng lượng cho cơ thể trong thời gian dài. Và đừng quên chất xơ có trong ngô! Tôi tiêu hóa thuận lợi mặc dù tôi nhận thấy một số triệu chứng đầy hơi, điều này khiến tôi phải chia sẻ một số nhược điểm của ngô.

Mặc dù ngô có chất xơ nhưng cũng chứa nhiều tinh bột. Đây có thể là một điểm đáng lo ngại đối với những người có dạ dày nhạy cảm và cần kiểm soát lượng carbohydrate nạp vào cơ thể. Ngô cũng không chứa nhiều protein như đậu và các loại ngũ cốc khác, đó là nhược điểm đối với những người đang cố gắng tăng lượng protein tiêu thụ.

Ngô còn là một trong những loại cây trồng biến đổi gene nhiều nhất trên toàn thế giới. Các nghiên cứu về tính an toàn của ngô biến đổi gene cho những kết quả khác nhau. Nếu bạn lo ngại, hãy tìm các sản phẩm được dán nhãn "không biến đổi gene".

bap ngo.jpg
Ngô chỉ nên là một phần nhỏ trong chế độ ăn. Ảnh: AI

Tác động của ngô tới dạ dày

Câu trả lời thực sự phụ thuộc vào lượng ngô bạn ăn và sự đa dạng trong chế độ ăn uống của bạn. Nếu bạn cân bằng lượng ngô nạp vào với các loại thực phẩm bổ dưỡng khác, bạn sẽ ít có khả năng gặp phải các vấn đề về tiêu hóa.

Sau 1 tuần ăn ngô, tôi nhận thấy một số tác dụng tích cực rõ ràng đối với sức khỏe đường ruột nhờ chất xơ không hòa tan có trong ngô. Theo các chuyên gia dinh dưỡng, loại chất xơ này ngăn ngừa táo bón. Ngô cũng hoạt động như một chất prebiotic, nuôi dưỡng các vi khuẩn có lợi trong ruột, từ đó giúp duy trì môi trường đường ruột khỏe mạnh.

Tuy nhiên, không phải mọi chuyện đều suôn sẻ. Hệ tiêu hóa có thể phân hủy phần dinh dưỡng bên trong hạt ngô nhưng không thể tiêu hóa lớp vỏ ngoài làm từ cellulose. Cellulose có thể lên men trong ruột, gây đầy hơi và chướng bụng.

Bạn có nên ăn ngô mỗi ngày không?

Việc bạn có nên ăn ngô mỗi ngày hay không phụ thuộc vào sở thích cá nhân và cách cơ thể bạn phản ứng với loại thực phẩm này. Ngô chứa nhiều chất dinh dưỡng có lợi nhưng điều quan trọng là hàm lượng chất xơ và tinh bột có thể không phù hợp với hệ tiêu hóa của một số người. 

Nếu bạn thích ngô và không gặp bất kỳ tác dụng phụ nào thì ăn ngô một vài lần mỗi tuần có thể là ý kiến ​​hay.

Tuy nhiên, giống như bất kỳ loại thực phẩm nào, yếu tố quan trọng là phải điều độ. Lắng nghe cơ thể và duy trì chế độ ăn uống cân bằng sẽ giúp bạn thu được những lợi ích của ngô.