Rõ ràng, việc ăn quá nhiều các thực phẩm không tốt cho sức khỏe có thể dẫn đến việc dư cân hay béo phì. Tuy nhiên, ngoài các tác động trực tiếp, làm gia tăng kích cỡ vòng 2, chế độ ăn giàu đường và chất béo còn được phát hiện có liên quan đến các căn bệnh trí não, khiến chúng ta càng không ngừng ăn.
Vấn nạn béo phì
Bạn có bao giờ ăn chỉ khi bạn thực sự đói? Rất nhiều người trong chúng ta ăn ngay cả khi cơ thể không cần thực phẩm. Chỉ nghĩ về thực phẩm cũng đủ cám dỗ chúng ta ăn. Chúng ta nghĩ về thực phẩm khi nhìn thấy những người khác ăn, khi chúng ta đi qua một cửa hàng bán đồ ăn nhanh ưa thích hay khi nhìn thấy một bữa ăn nhẹ gần quầy tính tiền ở siêu thị. Ngoài ra, chúng ta còn là đích ngắm của những kỹ nghệ quảng cáo tinh vi, được thiết kế nhằm khiến các ý nghĩ về thực phẩm và thú vui khi ăn gần như thường trực, ám ảnh đầu óc chúng ta.
Nhiều nhà khoa học tin rằng, các yếu tố xã hội như trên, kết hợp lại đã tạo ra một môi trường chứa đầy cám dỗ ăn uống, áp đảo cả khả năng sinh lý tự nhiên của cơ thể trong việc kiểm soát những gì chúng ta hấp thu và với số lượng bao nhiêu. Kết quả là, ở Mỹ, 2/3 số người trưởng thành và hơn 1/3 trẻ em cũng như người vị thành niên hiện đang bị dư cân hoặc béo phì. Xu hướng này đang lan rộng tới những nước khác trên khắp thế giới. Nghiêm trọng hơn, các căn bệnh gắn liền với việc dư cân, chẳng hạn như tiểu đường, áp huyết cao và bệnh tim cũng ngày càng trởn nên phổ biến.
Cốt lõi của vấn đề là, nhiều thực phẩm chúng ta ưa chuộng lại không tốt cho sức khỏe. Một số loại thực phẩm hấp dẫn và được ưa thích nhất trong môi trường hiện tại của chúng ta, chẳng hạn như các loại thịt đỏ và sản phẩm từ sữa (kem, bơ, ...), chứa lượng lớn chất béo bão hòa. Vì vậy, việc chứng béo phì đã trở thành vấn nạn ở nhiều quốc gia trên khắp thế giới là điều dễ hiểu.
Tác hại từ vòng eo tới bộ não
Suốt nhiều năm qua, vô số nhà khoa học đã lên tiếng cảnh báo rằng, một chế độ dinh dưỡng giàu đường và chất béo (còn gọi là "chế độ dinh dưỡng kiểu phương Tây") cùng việc tăng cân quá mức có thể gây hại đến bộ não của cả con người và động vật. Chẳng hạn như, một số nghiên cứu chỉ ra rằng, người trung niên dư cân hoặc béo phì có nguy cơ mắc bệnh Alzheimer và các dạng bệnh suy thoái trí não khác về sau trong đời lớn hơn so với những người cùng lứa tuổi có trọng lượng bình thường. Một số nghiên cứu khác thậm chí phát hiện, ngay cả trẻ 7 tuổi cũng có thể bị suy giảm trí nhớ do chế độ dinh dưỡng kiểu phương Tây và tích tụ quá nhiều mỡ trong cơ thể.
Chế độ ăn giàu đường và chất béo làm suy yếu hàng rào máu - não (BBB), vốn có tác dụng ngăn cản những tác nhân gây hại lưu thông trong máu xâm nhập vào bộ não của chúng ta. Ảnh: ILFScience |
Phần lớn những thông tin trên được rút ra từ các nghiên cứu trên chuột. Các thí nghiệm hé lộ, chế độ ăn giàu đường và chất béo làm suy yếu hàng rào máu - não (BBB) của các con chuột. BBB là một hệ thống tế bào và màng tạo thành những mối nối chặt chẽ, ngăn cản các tác nhân gây hại lưu thông trong máu xâm nhập vào bộ não.
Các nhà nghiên cứu cũng nhận diện được vùng não dễ bị tổn thương nhất trước các tác động tiêu cực của hệ thống BBB rò rỉ: vùng đồi hải mã, một cấu trúc não kiểm soát các chức năng học hỏi và ghi nhớ quan trọng. Phản ứng trước sự tích tụ của các chất xâm nhập, vùng đồi hải mã trở nên viêm tấy và thay đổi hoạt động điện hóa học, dẫn đến sự suy giảm khả năng xử lý các loại thông tin nhất định.
Chu kỳ nguy hiểm
Vòng quay luẩn quẩn của chế độ dinh dưỡng kiểu phương Tây (ăn nhiều đường và chất béo) và suy thoái hoạt động trí não (rối loạn hoạt động vùng đồi hải mã). Ảnh: IFLScience |
Sự suy giảm trên cũng được cho là làm hạn chế khả năng kháng cự của chủ nhân trước sức cám dỗ của những thực phẩm giàu chất béo và đường. Chẳng hạn như, một loại thông tin do vùng đồi hải mã xử lý có dạng các tín hiệu sinh lý học bên trong về nhu cầu thực phẩm của chủ thể. Người và chuột bị tổn hại vùng đồi hải mã, dường như gặp khó khăn trong việc sử dụng các tín hiệu này để biết liệu họ đã ăn uống đủ mức hay chưa, dẫn đến việc ăn uống vô độ.
Kết quả có thể là một chu kỳ nguy hiểm: thực hiện chế độ ăn kiểu phương Tây khiến vùng đồi hải mã hoạt động bất thường, suy giảm khả năng tiếp nhận các dấu hiệu bên trong để chống lại cám dỗ ăn từ các dấu hiệu trong môi trường. Điều này có thể dẫn đến việc không ngừng áp dụng chế độ ăn kiểu phương Tây, làm gia tăng trục trặc trong vùng đồi hải mã, tỉ lệ thuận với sự suy thoái khả năng học hỏi và ghi nhớ. Hậu quả không còn là béo phì, mà còn có thể cả sự suy thoái trí não nghiêm trọng.
Các nhà khoa học hiện vẫn đang nghiên cứu cách phá vỡ chu kỳ nguy hiểm trên. Cho tới khi họ tìm ra giải pháp, cách bảo vệ duy nhất chúng ta biết hiện nay là tránh ăn quá nhiều thực phẩm chứa hàm lượng đường và chất béo cao.
Tuấn Anh (Theo IFL Science)