Người dân Anh quyết định rời khỏi EU trong cuộc trưng cầu dân ý ngày 24/6, điều gì sẽ xảy ra?


Theo giới phân tích, quyết định của cử tri Anh sẽ có tác động sâu rộng đến nhiều lĩnh vực, không chỉ chính trị mà còn cả cuộc sống thường nhật và mọi ngõ ngách ở đất nước Anh.
{keywords}
Ảnh: Express

Tiến trình "Rời EU" (Brexit) sẽ mất nhiều năm

Một cuộc bỏ phiếu rời EU không mang tính ràng buộc pháp lý nên về mặt lý thuyết có một số cách để vô hiệu hóa hoặc lật ngược kết quả trưng cầu, theo Tạp chí Vox. Nhưng thực tế thì như BBC mô tả, nếu chống lại ước nguyện của người dân thì chẳng khác nào "tự sát chính trị".

Điều 50 của Hiệp ước Liên minh châu Âu thiết lập các quy định để một thành viên ra đi. Nó đòi hỏi quốc gia thành viên phải thông báo cho EU về quyết định của mình, rồi sau đó hai bên phải thương lượng về một thỏa thuận rút lui.

Thông báo kết quả kiểm phiếu chính thức không đồng nghĩa với thông báo "Rời EU" chính thức. Và thông báo này có thể được thực hiện trong vòng vài ngày, khi các thành viên EU nhóm họp vào 28-29/6, hoặc cũng có thể phải chờ thêm nhiều tháng nữa.

Ngay khi Anh viện đến Điều 50, nước này sẽ có 2 năm để đàm phán về một hiệp ước mới thay thế các điều khoản tư cách thành viên EU. Anh và các lãnh đạo EU sẽ phải giải quyết một núi công việc, gồm thuế quan, nhập cư, và quy định của mọi vấn đề từ xe hơi tới nông nghiệp.

Thủ tướng Cameron bị hạ bệ

Thủ tướng David Cameron không muốn Anh rời khỏi EU. Nhưng năm 2014, ông chịu áp lực ngày càng lớn từ dân chúng về vấn đề nhập cư và tư cách thành viên EU của Anh. Để xoa dịu những người phản đối trong chính đảng của mình và ngăn chặn sự vươn lên của Đảng Độc lập Anh, Cameron đành phải cam kết tổ chức trưng cầu dân ý về việc đi hay ở lại EU nếu đảng của ông thắng trong cuộc tổng tuyển cử năm 2015. Kết quả là phe Bảo thủ giành đa số tại Quốc hội và Cameron phải giữ lời.

Chiến thắng của phe "Rời đi" có thể sẽ làm suy yếu nghiêm trọng vị thế của Cameron trong chính đảng của mình. Thủ tướng Anh đã thề sẽ tiếp tục nắm quyền kể cả cử tri chống lại chủ trương của ông. Tuy nhiên, điều đó là khó có thể.

Một cuộc cách mạng của chính các thành viên Đảng Bảo thủ có thể sẽ buộc Cameron phải rời nhiệm. Từ đó, Anh sẽ có một chính phủ Bảo thủ mới do một người khác điều hành, thậm chí phải tổ chức các cuộc bầu cử mới.

Kinh tế Anh bị ảnh hưởng xấu

Về ngắn hạn, bất ổn về mối quan hệ tương lai của Anh với EU có thể đẩy nước này vào suy thoái. Các nhà quan sát thị trường dự đoán "bất ổn bùng nổ" vào sáng 24/6 (giờ địa phương) khi các thị trường phản ứng trước thông tin Anh có thể sẽ rời EU.

Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, cả thị trường chứng khoán Anh lẫn đồng Bảng sẽ mất giá ngay từ đầu giờ sáng. Bộ trưởng Tài chính Anh George Osborne thậm chí ngụ ý ông có thể dừng giao dịch thị trường chứng khoán nếu người Anh nhất trí rời khỏi EU.

Về dài hạn, tình hình còn tồi tệ hơn. Nếu chính phủ Cameron sụp đổ, tương lai đàm phán của Anh về một thỏa thuận có lợi với EU sẽ bị suy yếu. EU có thể sẽ mặc cả "rắn" hơn để ngăn chặn các thành viên khác hành động tương tự Anh.

Và viễn cảnh này có thể tạo ra nhiều vấn đề nghiêm trọng cho các doanh nghiệp hoạt động ở Anh.

"Nếu bạn là Nissan hay một nhà sản xuất ôtô khác có sản lượng lớn ở Anh thì các tiêu chuẩn an toàn và tiêu chuẩn môi trường hiện nay cho phép bạn bán hàng ở bất cứ nơi nào trên thị trường EU", nhà kinh tế học Jacob Funk Kirkegaard thuộc Viện Kinh tế quốc tế Peterson diễn giải. "Nhưng nếu Anh rời EU thì bạn không thể bán hàng vào các thị trường khác của EU như trước được nữa, vì bạn sẽ phải trải qua một loạt chứng nhận an toàn khác. Điều tương tự cũng xảy ra ở tất cả các ngành khác".

Theo ước tính của Chính phủ Anh, rời khỏi EU có thể khiến nền kinh tế vương quốc này co hẹp 3,8-7,5% vào năm 2030 - tùy thuộc vào tiến độ đàm phán tiếp cận thị trường EU.

Bất ổn với người nhập cư

Một trong những thành tích quan trọng nhất nhưng cũng gây tranh cãi nhất của EU là thiết lập quy định về việc di chuyển tự do giữa các thành viên trong liên minh. Công dân ở một nước EU có quyền sống và làm việc ở bất cứ nơi nào trên đất Anh. Cả người Anh và người nước ngoài đều có lợi từ cơ hội này.

Hiện có khoảng 1,2 triệu người Anh đang sinh sống ở các nước khác thuộc EU, trong khi khoảng 3 triệu người EU sống ở Anh. Nhờ các quy định của Liên minh, họ có thể đi lại với giấy tờ đơn giản hóa tối đa. Nếu Anh rời EU thì điều này sẽ thay đổi hoàn toàn.

Tất nhiên, Anh có thể đàm phán được một hiệp ước mới tiếp tục cho phép đi lại tự do giữa nước này và EU. Nhưng tâm trạng bực bội với người nhập cư từ các nước khác chính là một trong những động lực chính của phe muốn rời EU nên chính phủ Anh chắc chắn sẽ chịu áp lực không thể tiếp tục thỏa thuận hiện tại.

Điều đó có nghĩa là, mọi người đến hoặc rời khỏi Anh sẽ phải lo về hộ chiếu và các quy định cư trú. Và một số người nhập cư Anh có thể mất quyền tiếp tục sống hoặc làm việc ở EU, và bị trục xuất.

Hiệu ứng Domino

Việc Anh từ bỏ tấm thẻ thành viên EU có thể sẽ châm ngòi cho nhiều nước khác làm theo. Và xu hướng này sẽ khiến châu Âu dần tan rã, đẩy châu lục này và cả thế giới vào bất ổn không chỉ về kinh tế, chính trị mà cả an ninh.

Một hệ quả khác là chính vương quốc Anh có thể sẽ tan rã. Mới đây, lãnh đạo Đảng Quốc gia Scotland cho biết sẽ tổ chức trưng cầu dân ý rời khỏi Anh nếu Anh rời khỏi EU.

Thanh Hảo

Các thị trường lao dốc thẳng trước khả năng Anh rời EU

Tâm trạng lo lắng của giới đầu tư đã tác động tiêu cực nghiêm trọng đến các thị trường trên toàn thế giới.

Vì sao Anh trưng cầu đi hay ở lại EU?

Vương quốc Anh, hôm nay (23/6), tổ chức trưng cầu dân ý về việc nước này ở lại hay rời khỏi Liên minh châu Âu (EU).

Anh sẽ rời EU

Tính đến 11h trưa nay (24/6 giờ VN), hàng loạt tờ báo lớn của Anh đưa tin, phe ủng hộ Anh rời khỏi Liên minh châu Âu nhiều khả năng giành chiến thắng.