Quá trình chuyển đổi số trong sản xuất kinh doanh nông sản đang diễn ra mạnh mẽ, tác động tích cực lên các hoạt động tổ chức sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ nông sản. Việc áp dụng công nghệ tự động hóa và các công nghệ số như Internet vạn vật (IoT), Thiết bị bay không người lái (UAV/Drone) có tích hợp Trí tuệ nhân tạo (AI), Dữ liệu lớn (Big Data) và Khoa học dữ liệu (Data Science)… làm thay đổi cơ bản quy trình, phương thức sản xuất nông nghiệp.

Trong quá trình này, công nghệ đang được áp dụng ngày càng rộng rãi vào các hoạt động sản xuất, kinh doanh nông sản từ cơ bản đến cao cấp. Chẳng hạn, số hóa tiến trình và nhật ký canh tác, từ đó xây dựng hệ thống thông tin quản lý chất lượng sản phẩm đáp ứng các tiêu chuẩn nội địa cũng như quốc tế về sản xuất an toàn và bền vững. Xây dựng nền tảng Dữ liệu lớn (Big Data) chuyên ngành, đồng thời áp dụng Khoa học dữ liệu (Data Science) cho việc phân tích, dự báo sản lượng và biến động về nhu cầu của thị trường nông sản.

nông sản.jpg
Nhà nước, tổ chức và doanh nghiệp cùng phối hợp để thực hiện chuyển đổi số nông nghiệp.

Chuyển đổi số trong sản xuất, kinh doanh nông sản mang đến cho người lao động, doanh nghiệp và đất nước nhiều lợi ích: Tối ưu chi phí, chủ động trong kế hoạch sản xuất, tạo lập môi trường kinh doanh lành mạnh và nâng tầm giá trị xuất khẩu.

Sự bùng nổ của dữ liệu cùng với các mô hình, công cụ phân tích giúp cho tổ chức và doanh nghiệp định hướng hoạt động theo tín hiệu dự báo nhu cầu của thị trường thay vì chỉ sản xuất, kinh doanh những gì mình đang có, chủ động tháo gỡ nút thắt lớn là tình trạng “được mùa, mất giá” của nông sản.

Dù vậy, quá trình triển khai cũng đối mặt khó khăn cần tháo gỡ như chi phí đầu tư hạn chế, thiếu hụt nguồn nhân lực công nghệ, quy mô sản xuất nhỏ lẻ, chưa có lộ trình chuyển đổi số rõ ràng.

Đề án “Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong việc thu thập thông tin, dự báo tình hình thị trường nông sản” khẳng định quyết tâm và nỗ lực của Chính phủ trong công cuộc cải cách, triển khai thực hiện chuyển đổi số mạnh mẽ trong sản xuất nông nghiệp.

Các giải pháp của Nhà nước chủ yếu là: Đầu tư phát triển, hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng số, nhằm đáp ứng yêu cầu về hiện đại hóa công nghệ thông tin – truyền thông, thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong nông nghiệp, khu vực nông thôn; Phối hợp với các Tập đoàn công nghệ hàng đầu, chỉ định việc nghiên cứu và phát triển các nền tảng số quốc gia phục vụ chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp.

Đồng thời chủ trì tổ chức các sự kiện, hội thảo thường kỳ để phổ biến, cập nhật, hướng dẫn triển khai các hoạt động của doanh nghiệp trên các nền tảng số.

Các tổ chức và doanh nghiệp cần vận dụng tích cực các nền tảng số hiện hành, tiên phong trong việc triển khai các hoạt động sản xuất, kinh doanh trên các nền tảng số quốc gia, ví dụ như nền tảng dữ liệu và phân tích, dự báo thị trường nông sản.

Ngọc Cương và nhóm PV, BTV