Tiền Giang đang đẩy mạnh Chương trình OCOP (Mỗi xã một sản phẩm), đa dạng hóa các kênh phân phối, tiêu thụ nông sản, đặt mục tiêu xây dựng tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới năm 2025. Đây chính là cú hích góp phần nâng cao giá trị sản phẩm nông sản.

Tiền Giang có quyết tâm lớn, bởi xuất phát điểm của tỉnh thấp hơn so với mặt bằng chung của cả nước cũng như khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Vào cuối năm 2015, số xã đạt chuẩn nông thôn mới của tỉnh chỉ chiếm 8,7%, thấp hơn so với mức bình quân chung của Đồng bằng sông Cửu Long, thấp hơn rất nhiều so với cả nước là 22%.

Tuy nhiên, hiện nay Chương trình xây dựng nông thôn mới ở Tiền Giang đã có bước phát triển nhanh cả về số lượng lẫn chất lượng. 

Chương trình OCOP đã góp phần quan trọng trong chuyển đổi tư duy từ sản xuất thủ công nhỏ lẻ sang sản xuất hàng hóa ở Tiền Giang. Ảnh minh họa.

Toàn tỉnh Tiền Giang có 119 sản phẩm OCOP đạt 3-4 sao (75 sản phẩm 4 sao, 44 sản phẩm 3 sao) với 36 chủ thể tham gia, trong đó có 8 hợp tác xã, 22 doanh nghiệp và 6 hộ sản xuất kinh doanh.

Các sản phẩm OCOP của tỉnh đã xuất hiện tại nhiều cửa hàng tiện ích trong và ngoài tỉnh, các hệ thống siêu thị…, nhiều sản phẩm đã có doanh số bán hàng từ hàng trăm triệu đồng trở lên như: Mắm tôm chà Gò Công, gà ta Gò Công… 

Chương trình OCOP đã góp phần quan trọng trong chuyển đổi tư duy, từ sản suất công nghiệp thủ công, nhỏ lẻ sang sản xuất hàng hóa, ứng dụng khoa học công nghệ. Các sản phẩm OCOP của Tiền Giang ngày càng được đầu tư hơn về chất lượng, mẫu mã và được nhiều chủ thể khẳng định, có ý nghĩa rất lớn đối với doanh nghiệp trong quá trình cạnh tranh và hội nhập.

Sớm "số hóa" sản phẩm OCOP

Sở NN&PTNT tỉnh Tiền Giang đang đề xuất ngân sách tỉnh (kinh phí từ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới của tỉnh) hỗ trợ 1 lần/1 sản phẩm cho chủ thể có sản phẩm đạt OCOP từ 3 sao đến 5 sao tham gia Cổng OCOP và Sàn OCOP (gồm 4 nội dung: Tài khoản quản lý chủ thể 12 tháng, mở mã sản phẩm, phí nhập liệu, tem chống giả và truy xuất nguồn gốc cho 1 sản phẩm) trên cơ sở hợp đồng và hồ sơ liên quan giữa chủ thể sản xuất với đơn vị tư vấn.

Hiện trong 16 sản phẩm đặc trưng của một số địa phương trong tỉnh Tiền Giang được cấp chứng nhận sản phẩm OCOP thì 2/3 trong số đó đã đạt từ 3 sao trở lên. Đó là: Trà trái mãng cầu Xiêm Vĩnh Phát của Công ty TNHH Travipha; Thịt tươi gà ta Gò Công của Hợp tác xã Chăn nuôi và thủy sản Gò Công; Gạo VD 20 Gò Công của Công ty TNHH Thương mại HK. Riêng Công ty TNHH Đông trùng hạ thảo Thiên Ân ở thị trấn Vĩnh Bình, huyện Gò Công Tây có tới 03 sản phẩm: Nước đông trùng hạ thảo Nice, Đông trùng hạ thảo - Yến HT và Đông trùng hạ thảo Thiên Ân. Đặc biệt, Cơ sở sản xuất mắm Bà Hai Diễm ở xã Tân Trung, thị xã Gò Công có tới 04 sản phẩm đạt từ 3 sao trở lên là: Mắm tôm chà, Mắm tôm chua, Mắm cá cơm, Mắm ruốc. Theo đề xuất của Sở NN&PTNT, đây là những sản phẩm sẽ được xếp vào “tầm ngắm ưu tiên” để triển khai các nội dung hỗ trợ trên…

Phấn đấu năm 2025 có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới

Tỉnh Tiền Giang ưu tiên phát triển thương mại điện tử, thúc đẩy chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới… nhằm tiếp tục nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn, phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

Nhờ linh hoạt, sáng tạo trong quá trình thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, sau hơn 10 năm thực hiện chương trình, diện mạo nông thôn của tỉnh Tiền Giang như được khoác trên mình chiếc áo mới rạng rỡ và tràn đầy sức sống hơn. 

Mục tiêu đến năm 2025 của Tiền Giang: Thu nhập bình quân đầu người ở khu vực nông thôn tăng thêm ít nhất 1,5 lần so với năm 2020. Tỷ lệ hộ dân nông thôn sử dụng nước từ hệ thống cấp nước tập trung đạt 97%… Có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 40% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, có 10% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.

Thu Huế