- Tham gia APEC và làm chủ nhà APEC năm 2017 trong bối cảnh chính trị, kinh tế trên thế giới có rất nhiều thay đổi và biến động ở nhiều tầng nhiều nấc, Việt Nam gặp rất nhiều thách thức cũng như cơ hội.

Sau 11 năm, Việt Nam tái đăng cai APEC lần thứ hai trong bối cảnh thế giới và khu vực có nhiều diễn biến phức tạp đan xen cả chính trị và kinh tế. APEC đang bước vào giai đoạn nước rút trong quá trình hoàn thành mục tiêu Bogor và tự do hóa thương mại và đầu tư vào năm 2020. Song diễn biến trong khu vực và trên thế giới lại cho thấy không ít lực cản đối với tiến trình toàn cầu hóa và liên kết khu vực.

Có thể nói năm APEC 2017 do Việt Nam làm chủ nhà cũng là cơ hội lớn để chúng ta góp phần định hình tương lai không chỉ của APEC, mà còn của cấu trúc kinh tế khu vực. Với tư cách là thành viên năng động và có trách nhiệm trong khu vực, APEC 2017 một lần nữa khẳng định đường lối đối ngoại đa phương, là nền tảng cơ bản quan trọng của nền kinh tế, bất kể quy mô lớn hay nhỏ, nhằm tối đa hóa lợi ích và nâng cao vị thế trong một thế giới toàn cầu hóa sâu rộng và toàn diện.

Xung quanh những vấn đề này, Chuyên trang Tuần Việt Nam/ Báo VietNamNet tổ chức tọa đàm với hai vị khách mời là ông Bùi Hồng Dương, trưởng phòng APEC, Vụ Chính sách Thương mại đa biên, Bộ Công Thương - và ông Trần Việt Thái, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược Ngoại giao (Bộ Ngoại giao), Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu APEC Việt Nam.

{keywords}
Hai khách mời tọa đàm, ông Trần Việt Thái (trái) và ông Bùi Hồng Dương (phải). Ảnh: Lê Anh Dũng

Nhiều cơ hội và thách thức

Nhà báo Hoàng Hường: Đây là lần thứ hai Việt Nam đảm nhận trọng trách chủ nhà trong diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á- Thái Bình Dương. Xin các ông cho biết năm APEC Việt Nam 2017 sẽ đặt ra những cơ hội, thách thức gì với nước chủ nhà?

Ông Bùi Hồng Dương: Việt Nam tham gia APEC năm 1998 cùng với Nga và Peru là ba thành viên cuối cùng gia nhập tổ chức này, nâng số lượng thành viên lên 21. Có thể nói Việt Nam là một thành viên rất có trách nhiệm và năng động, chủ động, tích cực. Tám năm sau khi gia nhập, năm 2006 chúng ta đăng cai APEC lần đầu tiên, và bây giờ sau 11 năm, chúng ta tiếp tục đăng cai APEC lần thứ hai.  

Tham gia APEC và làm chủ nhà APEC năm 2017 trong bối cảnh chính trị, kinh tế trên thế giới có rất nhiều thay đổi và biến động ở nhiều tầng nhiều nấc, Việt Nam gặp rất nhiều thách thức cũng như cơ hội.

Trước tiên nói về cơ hội. Thứ nhất, hội nghị lần này góp phần nâng cao uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế trong khu vực, đặc biệt là khu vực châu Á - Thái Bình Dương trước nay vẫn được đánh giá là rất năng động và là đầu tàu kinh tế của thế giới.

Thứ hai, với tư cách chủ nhà của APEC năm 2017, ta có thể tận dụng cơ hội lồng ghép, ưu tiên những chính sách của Đảng, Nhà nước và Chính phủ vào trong các chương trình nghị sự của APEC. Ví dụ, ta có thể ưu tiên ủng hộ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ ra thị trường quốc tế và khu vực, hay là ưu tiên cho thương mại điện tử, cho phát triển bền vững, phát triển bao trùm…

Thứ ba, bên lề các cuộc họp cấp bộ trưởng, lãnh đạo cấp cao và các bộ trưởng của chúng ta luôn luôn có những cuộc tiếp xúc song phương với các lãnh đạo cấp cao và các bộ trưởng các thành viên APEC để tăng cường hợp tác thương mại, kinh tế, công nghiệp, song phương giữa Việt Nam và các đối tác, cũng như ký kết các hiệp định, thỏa thuận mới để tăng cường mối quan hệ song phương giữa Việt Nam với các nước.

Cuối cùng, các cộng đồng doanh nghiệp cũng có cơ hội để giao thương mở rộng mạng lưới sang các thị trường khu vực và quốc tế. Tại hội nghị cấp cao sẽ có những sự kiện như là hội nghị thượng đỉnh kinh doanh Việt Nam, đối thoại giữa các nhà lãnh đạo hay cộng đồng doanh nghiệp.  

Tiếp theo là đánh giá các thách thức. Thứ nhất, trong bối cảnh sự thay đổi cả về chính trị, cả về kinh tế, có những vấn đề nổi lên. Có một số nền kinh tế thay đổi chính sách và có thể họ không còn quá quan tâm đến hội nhập như ngày xưa và muốn giải quyết vấn đề nội bộ trong nước trước. Điều này cũng gây khó khăn cho ta trong quá trình điều phối hội nghị.

{keywords}
Ông Bùi Hồng Dương

Thứ hai, APEC là một diễn đàn bao gồm 21 nước thành viên và có sự đa dạng cả về văn hóa, chính trị, cũng như trình độ phát triển. Vì thế cách nhìn nhận về hội nhập kinh tế và các mối quan tâm của họ cũng khác nhau. Là nước chủ nhà, đối với Việt Nam, làm sao hài hòa quan điểm của các nước phát triển và các nước đang phát triển để có được kết quả cuối cùng trong năm cũng là khó. Nó đòi hỏi sự linh hoạt, năng động của ta khi điều phối hội nghị, cũng có thể cần tham vấn song phương, vận động các thành viên để đi đến quan điểm chung.

Một thách thức nữa là quan điểm về WTO. Tiến trình đàm phán trong WTO đã bị đình trệ rất lâu từ năm 2001, vòng đàm phán Doha. Do WTO chậm trễ, bị tắc như vậy, các nước có xu hướng chuyển sang đàm phán FTA song phương với nhau. Cho nên trong chừng mực nào đó có thể họ không còn quá quan tâm hợp tác đa phương và khu vực nữa.

Xin hỏi ý kiến của ông Trần Việt Thái?

Ông Trần Việt Thái: Anh Dương nói đã khá đầy đủ, nhưng tôi xin nhấn thêm mấy ý thế này.

Nếu xét về mặt cơ hội thì ngoài việc khẳng định vị thế, vai trò, tăng cường quan hệ với các đối tác chủ chốt, do trong APEC rất nhiều nền kinh tế là đối tác của Việt Nam, tôi nghĩ đây là cơ hội rất tốt để quảng bá đất nước ra bên ngoài. Đặc biệt là tâm điểm Đà Nẵng. Với hội nghị lần này Đà Nẵng sẽ được giới thiệu ra khu vực và thế giới với tư cách một trung tâm mới năng động của thế giới và đây là một cơ hội rất tốt để thành phố này cũng như các địa phương lân cận ở miền Trung, như Hội An, Huế... vươn lên.

Ngoài ra chúng ta cũng có thể tranh thủ nguồn lực của các nền kinh tế APEC, dù cũng không phải lớn lắm, để phục vụ cho phát triển kinh tế xã hội, đặc biệt là chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2020, có thể sau đó nữa.

Đó là những cơ hội mà không phải dễ có được nếu không có một sự kiện lớn như vậy ngay trên lãnh thổ chúng ta.

Còn về thách thức, tôi nhất trí với các ý kiến của anh Dương nhưng có lẽ khái quát lại thành nhóm thách thức.

Nhóm thách thức thứ nhất là những vấn đề có tính chiến lược. Bối cảnh tình hình khi chúng ta nhận nhiệm vụ đảm nhận nước chủ nhà APEC năm nay rất khác so với 2006 và so với trước. Cuộc khủng hoảng tài chính 2008 rồi những xu thế mới như dân túy, bảo hộ mậu dịch, chống toàn cầu hóa đang lên rất cao.

Chúng tôi nhận thấy cạnh tranh nước lớn giữa các nền kinh tế lớn nhất trong APEC là Mỹ và Trung Quốc mấy năm gần đây ngày càng rõ. Họ khác biệt về quan điểm, về nguồn tiếp cận, đơn giản như việc xây dựng Khu vực thương mại tự do châu Á – Thái Bình Dương (FTAAP) chẳng hạn. Đặc biệt năm nay tại SOM (Hội nghị quan chức cấp cao APEC) 1 - 2, tôi và anh Dương đi dự và có trao đổi bên lề thì thấy đáng ngạc nhiên là đoàn Mỹ rất ít phát biểu. Do lúc đó họ chưa có chính sách cụ thể và tổng thống họ mới lên, chưa định hình nhân sự, chính sách, nên chúng ta rất khó định vị được họ. Mãi đến gần đây họ mới bộc lộ rõ hơn, nhưng nói thật là xử lý bản thân nước Mỹ đã khó, thì những cạnh tranh của họ làm thế nào để dung hòa được còn khó hơn.

Thứ hai là nhóm yếu tố kỹ thuật. Vài năm vừa rồi, Cơ quan hỗ trợ nghiên cứu chính sách (PSU) của APEC, đánh giá lại quá trình thực hiện hướng tới mục tiêu Bogor, đã xác định một điều chúng tôi cho là hoàn toàn chính xác. Đó là bên cạnh rào cản thuế quan giảm mạnh, thì những rào cản phi thuế quan, những biện pháp kỹ thuật tăng lên rất nhiều. Bản thân chúng ta cũng muốn giảm những rào cản thương mại để xuất khẩu thuận lợi, các nước khác cũng thế, nhưng xử lý thách thức này không hề đơn giản. Đấy là chưa kể những vấn đề kỹ thuật khác, sự khác biệt chênh lệch giữa quan điểm, trình độ, lợi ích như anh Dương đã đề cập.

{keywords}
Ông Trần Việt Thái

“Tăng trưởng bao trùm”: Không ai bị “bỏ rơi”

Tôi có một thắc mắc là tại sao “phát triển bao trùm” lại được coi là nội dung trọng tâm trong APEC năm nay?

Ông Bùi Hồng Dương: Vấn đề “phát triển bao trùm” thực ra nó là “tăng trưởng bao trùm” thì đúng hơn. Từ năm 2010, khi Hội nghị cấp cao APEC được tổ chức tại Yokohama, Nhật Bản, các nhà lãnh đạo cũng đã ra chiến lược tăng trưởng của APEC gồm 5 nội hàm chính, trong đó có cả tăng trưởng bao trùm. Sau 5 năm thực hiện, năm 2015, các nhà lãnh đạo lại tiếp tục thông qua chiến lược tăng trưởng chất lượng giai đoạn 2015- 2020.

Do vậy, việc Việt Nam xác định “tăng trưởng bao trùm” là một trong những ưu tiên của năm nay chính là tiếp nối những kết quả trước đây các nhà lãnh đạo đã xác định và chúng ta sẽ tiếp tục thực hiện nó trong thời gian tới.

Tôi nghĩ “tăng trưởng bao trùm” ở đây có nghĩa là đưa tất cả các vấn đề về tài chính, về xã hội vào mục tiêu tăng trưởng. Chúng ta sẽ cần quan tâm hơn nữa tới những đối tượng dễ bị tổn thương trong xã hội. Ví dụ, chúng ta đưa cả các doanh nghiệp nhỏ và vừa vào trong mục tiêu tăng trưởng chung của nền kinh tế để hỗ trợ họ tăng trưởng và hội nhập tốt hơn vào nền kinh tế khu vực và thế giới.

Ông Trần Việt Thái: Mấy năm trở lại đây chúng ta nhấn mạnh “tăng trưởng bao trùm” là vì, chúng ta không muốn để bất kỳ một thành phần nào trong xã hội, trong doanh nghiệp bị loại bỏ khỏi cái tiến trình này. Sau khủng hoảng năm 2008 đến nay, trong quan hệ quốc tế, kinh tế quốc tế cũng như thương mại quốc tế, có một thực tiễn là tác động của toàn cầu hóa làm phân hóa các nền kinh tế, các giai tầng trong xã hội rất mạnh mẽ, trong đó có những nhóm người yếu thế hơn, những nhóm doanh nghiệp rất dễ bị tổn thương khi tham gia thị trường, đặc biệt khi hội nhập.

Chúng ta đưa mục tiêu “tăng trưởng bao trùm” này vào để đạt được sự đồng thuận của các nước, vừa ủng hộ chiến lược phát triển tăng trưởng của chúng ta, vừa đưa vào trong khu vực để làm sao cho các thành phần trong nền kinh tế, kể cả người dân, cảm thấy được hưởng lợi từ tăng trưởng và phát triển bao trùm. Trong quá trình thuận lợi hóa, tự do hóa thương mại đầu tư cũng như hội nhập, họ được hưởng những thành quả và không bị loại bỏ ra khỏi bên ngoài, bị tụt hậu lại. Đó chính là điểm mà chúng tôi nghĩ rằng rất quan trọng.

Các doanh nghiệp phải chủ động và không nên đi riêng lẻ

Hội nghị thượng đỉnh kinh doanh Việt Nam được coi là sáng kiến của riêng Việt Nam và sẽ được tổ chức thường niên, có phiên chuyên đề về đặc khu kinh tế, đây là vấn đề Việt Nam vẫn đang chủ trương, và có nhiều tranh luận cho hành lang pháp lý ra đời. Vậy Việt Nam mang đến những gì trong thảo luận về chủ đề này, thưa ông?

Ông Bùi Hồng Dương: Đây là một sáng kiến của Việt Nam mà chúng ta tận dụng cơ hội để tiếp xúc, giao lưu của doanh nghiệp với nhau và với các doanh nghiệp nước ngoài. Hội nghị thượng đỉnh kinh doanh ngày 7/11 có sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ cùng lãnh đạo các bộ ngành địa phương. Điều đó thể hiện Chính phủ rất quan tâm, chú trọng vào kết nối các doanh nghiệp.

Về đặc khu kinh tế, Việt Nam còn phải học hỏi nhiều. Đây là dịp để ta lắng nghe kinh nghiệm của thế giới.

Theo các ông, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam cần phải làm những gì, điều chỉnh gì để không bỏ lỡ cơ hội vàng do APEC 2017 mang lại?

Ông Trần Việt Thái: Theo tôi có ba điều cần chú trọng. Một là kết nối. Một dịp có mấy nghìn doanh nghiệp đến “nhà” mình là cơ hội vàng với chi phí rẻ. Doanh nghiệp Việt Nam cần tích cực kết nối, trao đổi và giới thiệu các sản phẩm và dịch vụ mà mình có. Hai là quảng bá gắn với truyền thông. Ba là xây dựng năng lực cho đội ngũ khi tham gia hội nhập.

Ông Bùi Hồng Dương: Trong APEC, thời gian qua chúng ta rất chú trọng đối thoại công tư, đối thoại giữa Chính phủ và các doanh nghiệp. Đó là cơ hội tạo cho các doanh nghiệp để họ phản ánh các vấn đề đang gặp phải, những khó khăn về mặt chính sách cần tháo gỡ, đồng thời tạo động lực cho họ. Ví dụ tạo nguồn vốn hay phổ biến FTA...

Kênh hợp tác công tư trong APEC rất quan trọng và thực sự hữu ích, các doanh nghiệp nên tận dụng những đối thoại đó. Các doanh nghiệp hiện nay vẫn chưa chú trọng hoạt động này, những lần chúng tôi tổ chức, chỉ ngày đầu là đông, đến buổi sau vắng hẳn.

Thứ hai, trong APEC có các chương trình như thẻ đi lại của doanh nhân chẳng hạn, là chương trình rất hữu ích, hiện đã có khoảng 19 nước tham gia. Theo quy định của Chính phủ, có 3 chức danh được cấp thẻ, là Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc và Kế toán trưởng. Thẻ này tạo điều kiện cho doanh nhân đi công tác và làm ăn rất thuận tiện, ra nước ngoài không phải xin Visa và nhập cảnh rất nhanh.

Hoặc đối thoại của cộng đồng doanh nghiệp với các nhà lãnh đạo kinh tế. Mỗi năm, cộng đồng tư vấn kinh doanh APEC đều có một tập tài liệu để tư vấn cho các doanh nghiệp và các khuyến nghị cho các chính phủ nhằm nâng cao chất lượng môi trường kinh doanh. Doanh nghiệp nên tận dụng cơ hội đó.

Doanh nghiệp vừa và nhỏ trong khởi nghiệp sẽ đối mặt với khó khăn khi thực hiện những giao dịch xuyên biên giới và tiếp cận thị trường như thế nào, thưa các ông?

{keywords}
Nhà báo Hoàng Hường và các khách mời trong buổi tọa đàm

Ông Trần Việt Thái: Hợp tác thương mại xuyên biên giới cũng như tiếp cận thị trường quốc tế đòi hỏi nhiều yếu tố. Đầu tiên là yếu tố pháp lý, anh phải nắm rõ vấn đề pháp lý, điều kiện kinh doanh nước sở tại của đối tác mà anh định tiếp cận. Muốn chuẩn bị tốt điều này, việc đầu tiên phải có tư vấn pháp lý, nhưng với doanh nghiệp vừa và nhỏ hiện nay, rất khó có tư vấn pháp lý riêng cho từng danh nghiệp. Nên chăng các luật sư có thể cung cấp một dịch vụ chung cho các doanh nghiệp nhỏ.

Thứ hai là yếu tố văn hoá xã hội. Ví dụ trong ngành lương thực, thực phẩm, tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm rất khác nhau. Muốn xuất sang Malaysia hay Indonesia chẳng hạn, anh phải có tiêu chuẩn Halal, không phải sản phẩm nào của Việt Nam cũng đáp ứng được. Ví dụ con gà ở Malaysia phải được thịt vào ban đêm mới đáp ứng tiêu chuẩn Halal. Ngoài vấn đề pháp lý còn là thói quen tiêu dùng và văn hoá tín ngưỡng cũng có ảnh hưởng rất lớn.

Thứ ba là vấn đề tín dụng, con người, cơ chế. Nếu trước đây anh làm nhỏ lẻ mọi việc đơn giản hơn, khi anh bắt đầu tiếp cận thị trường quốc tế rộng lớn vấn đề lại khác. Khuyến nghị của tôi là các doanh nghiệp vừa và nhỏ phải tổ chức lại, không nên đi một mình. Tổ chức lại về tư vấn pháp lý, nắm bắt thông tin thị trường, hậu cần, tài chính và các quy định khác nhau. Quan trọng nhất, doanh nghiệp phải chủ động từ trong nước.

Ông Bùi Hồng Dương: Năm nay nhân dịp Việt Nam chủ trì APEC, Bộ Công Thương đã xây dựng khuôn khổ tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại điện tử xuyên biên giới. Sáng kiến này đã được thông qua ở Hội nghị bộ trưởng thương mại tháng 5 và Hội nghị SOM3 thông qua. Sắp tới chúng tôi sẽ trình lên Hội nghị liên bộ trưởng ngoại giao kinh tế thông qua. Chúng ta cũng phối hợp với Nhật Bản xây dựng một bộ thông lệ tốt về công nghiệp hỗ trợ. Đó là hai sáng kiến Việt Nam đã làm xong và sắp tới sẽ thông qua tại Hội nghị bộ trưởng.

Năm APEC 2017, chủ đề hội nghị Bộ trưởng Doanh nghiệp nhỏ và vừa là: “Nâng cao năng lực cạnh tranh, sáng tạo của doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa trong kỷ nguyên toàn cầu hóa”. Theo quan sát của các vị, chúng ta sẽ phải tiếp tục những gì để có thể nâng cao năng lực cạnh tranh và sáng tạo của các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ trong kỷ nguyên toàn cầu hóa?

Ông Trần Việt Thái: Một trong những trọng tâm của năm nay, ngoài vấn đề tìm động lực mới cho tăng trưởng, lương thực hay lao động trong kỷ nguyên số…, tôi nghĩ năng lực cho doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ luôn là ưu tiên trong nhiều năm qua. Năm nay có gắn thêm kỷ nguyên số, được tác động của cách mạng 4.0 với sự ra đời của rất nhiều sản phẩm khoa học như robot, trí tuệ nhân tạo, điều khiển học... Điều đó có nguy cơ giết chết các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, nhất là trong vấn đề tuyển dụng lao động và tham gia chuỗi giá trị, tham gia công nghiệp phụ trợ...

Như sáng kiến của Bộ Công Thương và các bộ ngành, tôi nghĩ hướng đi đầu tiên vẫn phải là tiếp cận công nghệ, nâng cao năng lực tiếp cận vốn, giúp họ khởi nghiệp, thúc đẩy làn sóng khởi nghiệp, xây dựng đội ngũ, hay nói rộng ra là xây dựng nguồn nhân lực và kết nối họ với các công cụ trợ giúp, cung cấp thông tin cho họ. Hướng đi đã được triển khai, năm nay có điểm nhấn là thời đại công nghệ mới.

Ông Bùi Hồng Dương: Tôi nhất trí ý kiến của anh Thái. Chúng tôi nhấn mạnh nhiều lần là các doanh nghiệp phải chủ động trong quá trình tận dụng các cơ hội hội nhập. Ngoài việc Nhà nước và Chính phủ đang cố gắng để khai thông thủ tục hành chính, thực hiện cơ chế một cửa, đàm phán các FTA hay giảm thuế, giảm các rào cản biên giới và xuyên biên giới, và cả rào cản phía sau biên giới – việc các nước sở tại áp dụng các thủ tục có thể ảnh hưởng tiêu cực đến xuất khẩu của ta, các doanh nghiệp không có cách nào khác phải tự cứu mình, nhất là trong thời đại công nghệ mới, phải phối hợp lại thành các hiệp hội, không nên đi riêng lẻ nữa.

Xin cảm ơn hai khách mời đã dành thời gian cho Tuần Việt Nam.

Thực hiện nội dung: Tuần Việt Nam

Ảnh: Lê Anh Dũng. Quay phim: Truyền hình VietNamNet