Với thủ phủ rộng gần 71ha và vài chục văn phòng trên khắp hành tinh, Apple không phải là một công ty ưu tiên làm việc tại nhà. Tuy nhiên, tất cả đã thay đổi khoảng 3 tuần trước vì đại dịch Covid-19.
Đầu tháng 3, Apple đóng cửa trụ sở và văn phòng khi chính phủ ra lệnh người dân phải ở nhà để tránh lây lan virus SARS-CoV-2. Công ty cho biết chỉ nhân viên được cấp phép đặc biệt mới có thể ra vào văn phòng.
Sự chuyển dịch từ văn hóa công sở sang làm việc từ xa trở thành một thách thức đối với một hãng nổi tiếng có tính bảo mật cao. Trong quá khứ, Apple huy động mọi biện pháp để giữ kín sản phẩm mới trước mắt công chúng cho tới khi sẵn sàng. Mọi người làm việc sau cánh cửa đóng kín với cửa sổ đen ngòm, các sản phẩm được khóa trong tủ và bị cấm thảo luận về chúng với bất kỳ ai khác, kể cả vợ chồng hay người yêu. Theo một nhân viên giấu tên, vài người cảm thấy khó điều chỉnh khi phải làm việc ở nhà và cũng có các nhược điểm khi phát triển phần cứng.
Phần lớn thiết bị của Apple được nghiên cứu tại Apple Park hoặc các tòa nhà lân cận ở Cupertino, Sunnyvale (California, Mỹ). Với các phần việc cần tới tay chân, một số kỹ sư phần cứng tại Silicon Valley được phép vào văn phòng. Apple cũng có kỹ sư tại San Diego và các điểm nóng về virus như Italy, Đức, châu Á. Tuy nhiên, hạn chế của công ty tại các khu vực này cũng khắt khe hơn nhiều. Apple đã gia hạn chính sách làm việc từ xa đến sớm nhất là ngày 5/4 dựa theo nơi đặt văn phòng.
Trong thông báo gửi nhân viên, Apple khẳng định: “dù làm việc ở nhà hay văn phòng, giữ bảo mật công việc luôn là yếu tố cấp thiết. Khi làm việc từ xa, hãy luôn lưu trữ tài liệu và vật phẩm bí mật một cách an toàn khi không sử dụng”.
Dù vậy, nó không đồng nghĩa với Apple tạm dừng mọi nỗ lực phát triển thiết bị tương lai. Công ty đang nghiên cứu phiên bản mới của loa HomePod, Apple TV, MacBook Pro, iPad, Apple Watch và iMac để ra nửa sau năm nay. iPhone thế hệ mới cũng dự kiến trình làng vào mùa thu như mọi năm.
Các quận của khu vực Bay Area thông báo sẽ kéo dài lệnh cấm ra khỏi nhà tới ngày 1/5, trùng với giai đoạn then chốt đối với Apple. Thông thường, đây là lúc công ty hoàn thiện sản phẩm cho nửa cuối năm và năm sau.
Vào đầu tháng 3, Apple bắt đầu cho phép kỹ sư mang các phiên bản bản đầu của thiết bị chưa ra mắt về nhà để tiếp tục làm việc trong thời gian phong tỏa. Trước đây, công ty chỉ cho một số nhân viên chọn lọc được mang thiết bị gần hoàn thiện về dùng thử.
Về cơ bản, Apple được xây dựng dựa trên các cuộc họp trực tiếp. Chẳng hạn, kỹ sư sẽ vây quanh một chiếc bàn như bàn bếp để phác thảo sản phẩm tương lai. Các chuyên gia phần cứng chế tạo và thử nghiệm thiết bị cùng nhau. Những hoạt động này rất khó, thậm chí không khả thi, nếu phải làm qua Internet.
Theo Bloomberg, để mang được thiết bị về nhà, người đó phải được Phó Chủ tịch “bật đèn xanh”. Danh sách các nhân viên này cũng sẽ được đánh giá lại liên tục bởi các Phó Chủ tịch cấp cao.
Tương tự phần cứng, phần mềm như iOS 14 đòi hỏi phê chuẩn từ cấp cao nhất thì nhân viên mới được mang về nhà làm việc. Một vài kỹ sư phần mềm đã phàn nàn về khó khăn khi phải làm việc từ xa, trong đó có sự phân tâm, lo ngại về khủng hoảng y tế đang diễn ra. Song, lịch trình phát hành phần mềm cho nửa sau năm nay vẫn đang chạy tốt và hệ điều hành tiếp theo sẽ được công bố vào tháng 6 trong hội nghị dành cho lập trình viên trực tuyến.
Các cuộc họp được tổ chức thông qua điện thoại và hội nghị video. Apple yêu cầu nhân viên liên lạc qua FaceTime, Slack, Jabber, WebEx nhằm duy trì bảo mật. Để chia sẻ file, công ty chỉ cho dùng bộ ứng dụng riêng của hãng cùng Quip của Salesforce và Box.
Ngoài ra, Apple cũng gửi cho nhân viên các mẹo thiết lập nơi làm việc tại gia, hoàn tiền cho nhân viên để mua sắm bàn ghế, máy tính cũng như giải đáp mọi lo ngại của họ về Covid-19.
Tháng này, Apple đóng 458 cửa hàng bên ngoài Trung Quốc đại lục, Đài Loan và Hồng Kông. Để xua tan không khí u ám, “táo khuyết” đã tổ chức cuộc thi để nhân viên chia sẻ ảnh làm việc ở nhà. Dòng cuối thể lệ có viết: “Nếu đang làm công việc bí mật, xin hãy để ra ngoài khung hình”.