Động thái của Apple được đưa ra trong bối cảnh Mỹ vừa áp đặt lệnh cấm vận mới nhất đối với ngành công nghệ Trung Quốc. Đây cũng là dấu hiệu cho thấy các biện pháp trấn áp của Washington đang tạo hiệu ứng lan tỏa lên toàn chuỗi cung ứng.
Các nguồn tin của Nikkei cho biết Apple đã hoàn thiện quy trình kéo dài hàng tháng trời để sử dụng memory chip 3D NAND 128 lớp của YMTC trong iPhone, cho đến khi chính phủ Mỹ tiết lộ các hạn chế mới với Trung Quốc đầu tháng này. NAND là linh kiện quan trọng trong tất cả thiết bị điện tử, từ smartphone, máy tính cá nhân đến máy chủ. Chip 128 lớp của YMTC cho tới nay là chip hiện đại nhất mà một công ty bán dẫn Trung Quốc làm được, dù vẫn đi sau Samsung hay Micron 1 tới 2 thế hệ.
Ban đầu, Apple dự định dùng chip của YMTC từ đầu năm nay do chúng rẻ hơn ít nhất 20% so với các đối thủ. Tuy nhiên, do áp lực địa chính trị leo thang và chỉ trích từ các nhà lập pháp Mỹ, Apple đã phải thay đổi kế hoạch, theo Nikkei.
Một trong các nguồn tin tiết lộ: “Các sản phẩm đã được xác minh nhưng chúng không được đưa vào dây chuyền khi sản xuất số lượng lớn iPhone mới”.
Apple dự định chip YMTC chỉ dùng cho những chiếc iPhone bán ra tại Trung Quốc. Dù vậy, một nguồn tin chia sẻ “táo khuyết” thậm chí cân nhắc sẽ mua tối đa 40% chip NAND từ YMTC cho tất cả iPhone. “YMTC được chính phủ hậu thuẫn nên họ có thể cạnh tranh bằng giá với mọi đối thủ”, nguồn tin khác bổ sung.
Hiện nay, chip YMTC chưa có mặt trong các sản phẩm của Apple.
Ngày 7/10, Washington đưa YMTC vào danh sách Unverified List. Một công ty sẽ bị liệt vào dạng này nếu quan chức Mỹ không thể xác minh người dùng cuối của họ là ai. Theo luật sư Harry Clark, thông thường, họ không bị cấm mua linh kiện hay thứ gì khác, tuy nhiên, các doanh nghiệp Mỹ lại bị cấm chia sẻ bất kỳ thiết kế, công nghệ, tài liệu hay chi tiết kỹ thuật nào với họ nếu không có giấy phép.
Hơn nữa, một quan chức cấp cao Bộ Thương mại Mỹ cho biết các công ty có tên trong danh sách “rất có thể” bị thêm vào Entity List – danh sách kiểm soát xuất khẩu chính thức – nếu không thể cung cấp thông tin cần thiết trong thời hạn nhất định, thường là 60 ngày.
YMTC còn bị ảnh hưởng bởi lệnh cấm được Mỹ đưa ra cùng ngày, nhằm vào mảng công nghiệp chip của Trung Quốc. Washington cấm các nhà sản xuất thiết bị chip Mỹ cung cấp dịch vụ hay hỗ trợ kỹ thuật cho các công ty Trung Quốc sản xuất chip hiện đại. Chip nhớ 128 lớp của YMTC là đối tượng chịu tác động, đồng nghĩa họ sẽ không có năng lực công nghệ để sản xuất đủ số lượng và chất lượng cho Apple, ngay cả khi nhà sản xuất iPhone muốn mua hàng.
Brent Fredberg, Giám đốc đầu tư của Brandex Investment Partners, nhận xét: “Apple có thể muốn dùng YMTC cho thị trường địa phương. Song, cách mà các quy định được thiết lập hiện tại cho thấy rất khó để YMTC cung ứng loại chip NAND mà Apple muốn trong vài năm”.
Theo Nikkei, Apple bắt đầu liên hệ với YMTC từ năm 2018 để tìm kiếm giải pháp chip rẻ hơn. YMTC là niềm hi vọng của Trung Quốc trong lĩnh vực chip nhớ NAND mà Hàn Quốc, Nhật Bản và Mỹ đang thống trị. Thành lập năm 2016, YMTC hiện đang tăng cường sản xuất tại nhà máy chip thứ hai.
Giao dịch tiềm năng với Apple được nhìn nhận là thắng lợi lớn đối với ngành bán dẫn Trung Quốc vì nó chứng tỏ khả năng cung cấp sản phẩm chất lượng cho các thương hiệu hàng đầu thế giới. YMTC nỗ lực giảm lệ thuộc vào thiết bị sản xuất chip và linh kiện Mỹ từ năm 2020 sau khi Washington bắt đầu trấn áp Huawei. Dù vậy, đây không phải điều dễ dàng vì Mỹ chi phối những lĩnh vực quan trọng như công cụ sản xuất chip.
Apple và YMTC không bình luận về vấn đề này.
Du Lam (Theo Nikkei)