Quyết định ngừng hợp tác của Google đã là một đòn đánh quá đau dành cho Huawei, nhưng cái hất tay của ARM thực sự đã là đòn kết liễu dành cho ông lớn số 1 thị trường smartphone Trung Quốc. Trong một bức thư nội bộ, ARM yêu cầu nhân viên "dừng toàn bộ các hợp đồng đang có hiệu lực, dừng hỗ trợ và các thương vụ đang tiến hành" với Huawei. Sau đó, nhà thiết kế chip của Anh đã lên tiếng khẳng định chính thức rằng quyết định này là chính xác.
Ngay từ khi Google tuyên bố ngừng hợp tác với Huawei ngày hôm qua, nhiều người đã chỉ ra rằng, vì ARM là công ty của Anh nên Huawei vẫn còn cửa sản xuất chip cho thiết bị bán ra trên thị trường quốc tế. Nhưng đến hôm nay thì ARM, vốn không thuộc pháp quyền của Mỹ, cũng đã cắt đứt với Huawei? Lý do là tại sao?
Nguồn gốc từ Mỹ
Chip di động nào cũng đến từ thiết kế chuẩn của ARM.
Để nắm được câu trả lời, chúng ta sẽ phải đi ngược lịch sử khoảng 30 năm. Cuối thập niên 1980, Apple (lúc này đã sa thải Steve Jobs) đang chuẩn bị cho cuộc cách mạng tiếp theo: PDA, tiền thân của smartphone sau này. Một cỗ máy cá nhân và di động đòi hỏi một con chip nhỏ, tiết kiệm điện năng và có sức mạnh xử lý mạnh mẽ. Larry Tesler, một huyền thoại công nghệ khi đó đang làm việc cho Apple, đã phát hiện một con chip có thể đáp ứng đầy đủ các tiêu chí này.
Con chip này có mặt trên một chiếc máy tính mang thương hiệu Acorn, dùng kiến trúc RISC. Tên đầy đủ của cỗ máy là "Acorn RISC Machine", hay viết tắt là ARM.
Vốn đang dư dả tiền bạc nhờ vào thành công của máy Macintosh, Apple thúc ép Acorn tách bộ phận ARM ra làm một công ty riêng dưới tên gọi "Advanced RISC Machines". Apple mua lại 43% cổ phần tại ARM; Acorn và VLSI nắm phần còn lại. Larry Tesler được đưa lên làm thành viên của hội đồng quản trị ARM, và là đại diện cho tiếng nói của Apple đối với công ty chip này.
Khởi nguồn của ARM là một chiếc máy có logo hình Táo cắn dở.
Mối quan hệ bền chặt
Trong suốt 30 năm, ARM vươn lên mạnh mẽ. Những thế mạnh phát huy từ con chip đầu tiên cho Apple (trên chiếc máy Newton) đã giúp cho ARM trở thành đại diện của thế giới smartphone. Ví dụ, Nokia N-Gage (2002) dùng chip ARM920T, Sony Ericsson P990 dùng chip ARM9, BlackBerry 7230 dùng ARM 9EJ-S...
Apple không có may mắn ấy. Newton thất bại, Windows PC đè bẹp Macintosh, và Táo Cắn Dở đã tiến sát đến bờ vực phá sản nếu như Steve Jobs không trở về tiếp quản năm 1997. Công cuộc cải tổ diễn ra vô cùng khó khăn, và Apple đã giảm dần cổ phần tại ARM để lấy vốn "hồi sinh". Tính đến tháng 2/1999, Apple chỉ nắm giữ 14,8% quyền sở hữu ARM.
Năm 2016, nhà mạng Nhật Bản Softbank đã bỏ ra 32 tỷ USD để thâu tóm ARM. Hiện tại, không rõ Apple còn nắm giữ cổ phần tại ARM hay không.
ARM dành cho Apple một mối quan hệ vô cùng thân thiết...
Bất kể mối quan hệ là gì, ai cũng có thể thấy mối quan hệ giữa ARM và Apple vẫn vô cùng bền chặt, đặc biệt là kể từ khi Steve Jobs khai sinh ra chiếc "modern smartphone" năm 2007. ARM có nhượng quyền thiết kế kiến trúc chip để Qualcomm, Samsung hay Huawei có thể tự thiết kế chip cho riêng mình, nhưng chẳng có hãng nào được quyền tùy biến sâu như Apple. Đơn cử, chip A11 Bionic (và A12) cho chip Android ngửi khói vì Apple có thể kích hoạt một số nhân bất kỳ, trong khi chip Android cũng dùng cơ chế big.LITTLE lại chỉ có thể kích hoạt 1 trong 2 bộ nhân.
Hay, ngay cả nỗi đau Snapdragon 810 cũng đến từ mối quan hệ bền chặt giữa Apple. ARM nhượng quyền thiết kế 64-bit cho Apple rất sớm, để iPhone 5s (2013) đã có thể chuyển sang kiến trúc mới. Đến 2014 ARM mới nhượng quyền thiết kế 64-bit cho Qualcomm, buộc hãng này vội vã tung chip 64-bit và gây ra vấn đề quá nhiệt trên Snapdragon 810.
Rất nhiều công nghệ Mỹ
ARM không phải là công ty Mỹ, nhưng có mối quan hệ quá chặt chẽ với các công ty Mỹ.
Trở lại với vấn đề của Huawei: như bạn đã nhận ra, ARM có mối quan hệ rất chặt chẽ với Apple – một công ty Mỹ. Khởi điểm của ARM là một cỗ máy di động của Apple, và trong lịch sử, Apple thường xuyên là kẻ tiên phong cho thiết kế của ARM. Thậm chí, hãng này còn được đồn đại đang thiết kế chip ARM riêng để loại bỏ Intel khỏi máy Mac. Chắc chắn, các bằng sáng chế của Apple và ARM sẽ có quan hệ rất chồng chéo.
Thực tế, dù là công ty Anh, ARM được hình thành từ 3 công ty mà trong số đó có 2 công ty Mỹ (Apple, VLSI), chỉ duy nhất "cha đẻ" trực tiếp Acorn là công ty Anh mà thôi. ARM hiện tại mở 8 văn phòng tại Mỹ với hơn 6000 nhân viên. Một vài thiết kế được thực hiện tại Austin, Texas và San Jose, bang California, do đó có thể các tài sản trí tuệ này phải tuân theo luật pháp của Mỹ.
Trong bức thư nội bộ gửi nhân viên, lãnh đạo ARM có đề cập đến "các công nghệ có nguồn gốc từ Mỹ". Mất quyền sử dụng các công nghệ này, Huawei sẽ phải tự thiết kế kiến trúc chip mới, bắt kịp với những gì ARM đã làm được trong suốt 30 năm.
Thử thách này thực sự là bất khả thi....