Thị trường xuất khẩu quan trọng
Những năm gần đây, xuất khẩu của Việt Nam sang ASEAN có sự chuyển đổi mạnh mẽ từ các mặt hàng nông sản, thủy sản và khoáng sản sang các mặt hàng công nghiệp chế biến và công nghệ cao. Dệt may cũng là nhóm hàng xuất khẩu tiềm năng của Việt Nam sang ASEAN.
Ông Dương Viết Lĩnh, Phòng Kinh doanh, Công ty TNHH MTV 176 cho biết, trước dịch Covid-19, công ty thường sản xuất, xuất khẩu các mặt hàng cho đối tác tại Liên minh châu Âu. Tuy nhiên, dịch Covid-19 khiến xuất khẩu bị ngưng trệ nên Công ty đã tận dụng cơ sở máy móc, nhân công để sản xuất khẩu trang, thiết bị bảo hộ. Trong đó đặc biệt hướng đến xuất khẩu sang thị trường ASEAN do thuận lợi về vị trí địa lý cũng như các thủ tục về xuất nhập khẩu và thuế quan.
Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), ASEAN hiện là một trong những thị trường xuất khẩu quan trọng của ngành thủy sản, do được hưởng những ưu đãi từ AFTA và các hiệp định liên quan. Một số mặt hàng xuất khẩu thủy sản như tôm, cá ngừ, cá tra… đang tăng cả về sản lượng và giá trị.
Số liệu của Tổng cục Thống kê |
Theo Tổng cục Thống kê, trong 7 tháng 2021, tổng kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và ASEAN ước tính đạt 40,8 tỷ USD, tăng 38,5% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, xuất khẩu đạt giá trị 16,1 tỷ USD, tăng 25,9%, nhập khẩu đạt 24,7 tỷ USD, tăng 48,2%. Nhập siêu từ thị trường ASEAN ước tính đạt 8,6 tỷ USD, tăng 123% so với cùng kỳ năm 2020.
Kim ngạch xuất khẩu một số mặt hàng từ thị trường ASEAN ước tính tăng như: điện tử, máy tính và linh kiện tăng 66,8%, đạt 1,6 tỷ USD; sắt thép tăng 24,5%, đạt 1,5 tỷ USD. Một số mặt hàng nhập khẩu có kim ngạch tăng: điện tử, máy tính và linh kiện tăng 21,4%, đạt 2,9 tỷ USD; ô tô nguyên chiếc các loại tăng 102,3%, đạt 1,3 tỷ USD.
Các thị trường xuất, nhập khẩu chủ lực của Việt Nam và ASEAN là Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Campuchia, Singapore. Trong 7 tháng năm 2021, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu với Thái Lan đạt 11,3 tỷ USD, chiếm 27,7% tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu của cả khu vực; với Malaysia đạt 7,4 tỷ USD, chiếm 18,1%; với Indonesia đạt 6,5 tỷ USD, chiếm 15,9%; với Campuchia đạt 5,9 tỷ USD, chiếm 14,5%; với Singapo đạt 4,9 tỷ USD, chiếm 12%.
Tuy nhiên, điểm hạn chế trong thương mại hàng hóa với các nước ASEAN là Việt Nam vẫn chủ yếu nhập siêu. Trong 10 năm gần đây, nhập siêu liên tục ở mức 6-7 tỷ USD, chiếm trên 30% kim ngạch xuất khẩu.
Tận dụng lợi thế
Trong lĩnh vực thương mại, Việt Nam và các nước ASEAN đã thực hiện Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) năm 2010 và đang thực hiện cắt giảm thuế quan. So với các hiệp định khác, cam kết cắt giảm trong ATIGA là cao nhất và nhanh nhất. Việt Nam đã hoàn thành lộ trình cắt giảm vào năm 2018, tỷ lệ xóa bỏ thuế quan trong toàn ASEAN đạt hơn 98,6%.
Với dân số khoảng 650 triệu người, tổng GDP khoảng hơn 3.111 tỷ USD, tăng trưởng bình quân đạt 4,7%/năm, ASEAN được xem là thị trường đặc biệt quan trọng của Việt Nam và là thị trường đầu tiên cho các sản phẩm của Việt Nam thử sức cạnh tranh trước khi bước ra thị trường thế giới.
Triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, Bộ hiện đang phối hợp chặt chẽ với các địa phương, doanh nghiệp chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 tập trung kiểm soát dịch bệnh, kết hợp tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, kết nối với các đối tác…
ASEAN là khu vực thị trường tiềm năng cho hàng Việt |
Theo Vụ Thị trường châu Á, châu Phi (Bộ Công Thương), để tận dụng tốt nhất cơ hội về thuế quan, tăng lượng hàng xuất khẩu vào nội khối thì hàng hóa Việt Nam phải đảm bảo các quy tắc xuất xứ và thủ tục chứng nhận xuất xứ. Các doanh nghiệp cũng cần cập nhật và nắm chắc các quy định về tiêu chuẩn, chất lượng; đầu tư nâng cấp dây chuyền sản xuất và bảo quản. Chú trọng bao bì, mẫu mã, quy cách đóng gói; liên tục cập nhật các xu hướng tiêu dùng. Tích cực tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại. Chủ động tìm kiếm hợp tác với các nhà phân phối uy tín bản địa để có thể đưa hàng Việt Nam thâm nhập dễ dàng hơn.
Ngoài ATIGA, RCEP cũng đã và đang tạo ra nhiều cơ hội tốt để doanh nghiệp tận dụng cơ hội xuất khẩu vào thị trường ASEAN, cũng như nhập khẩu nguyên phụ liệu nhằm duy trì sản xuất và xuất khẩu trong thời gian bị gián đoạn do đại dịch vừa qua. Các doanh nghiệp cũng cho rằng, với lợi thế về sự tương đồng, doanh nghiệp có thể tìm cơ hội để chủ động hợp tác với doanh nghiệp tại các nước ASEAN, tạo các sản phẩm có lợi thế để xuất khẩu ra thị trường thế giới.
Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu Nguyễn Cẩm Trang cho biết, Bộ chú trọng tập huấn cho cộng đồng doanh nghiệp hiểu và vận dụng đúng các quy tắc xuất xứ nhằm tận dụng các ưu đãi của Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN. Đồng thời, thúc đẩy cơ chế hợp tác để Cộng đồng kinh tế ASEAN có thể hình thành các chuỗi liên kết trong sản xuất, tiêu thụ hàng hóa, tăng cường thu hút đầu tư.
Đổi mới hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu Việt Nam - ASEAN trên môi trường trực tuyến, đơn giản hóa thủ tục hành chính, triển khai các thủ tục hành chính xuất nhập khẩu theo Cơ chế một cửa quốc gia, một cửa ASEAN... là những giải pháp Bộ đang tích cực triển khai.
Bài ảnh Kim Chi