Phát biểu trên chương trình AM của đài phát thanh ABC hôm 21/4, Ngoại trưởng Australia Marise Payne cho biết, bà đã nhận được hàng nghìn thông báo từ các bang về những giao dịch với nhiều chính phủ nước ngoài theo quy định của một quy trình mới, cho phép bà có quyền phủ quyết với những thỏa thuận như vậy.
Ngoại trưởng Australia Marise Payne. Ảnh: Reuters |
"Quy trình mới tập trung vào các lợi ích quốc gia của Australia. Nó nhằm đảm bảo tính nhất quán trong quan hệ đối ngoại của chúng tôi trên toàn Australia và chắc chắn không nhằm vào bất kỳ quốc gia nào", bà Payne giải thích.
Ngoại trưởng Australia cho biết thêm, nhà chức trách nước này đã thông báo cho Bắc Kinh biết về quyết định hủy bỏ các thỏa thuận khung giữa bang Victoria với Trung Quốc trước khi chính thức công bố tối 20/4 (giờ địa phương).
Theo bà Payne, Canberra cam kết hợp tác với Trung Quốc và đang "yêu cầu tất cả các chính phủ trên thế giới tôn trọng quyền ra quyết định của Chính phủ Australia".
Chính phủ liên minh bảo thủ của Australia đã từ chối nhất trí một biên bản ghi nhớ (MOU) cấp quốc gia với Trung Quốc về BRI. Song, Dan Andrews, Thủ hiến bang Victoria và cũng là thành viên Công đảng đã ký một thỏa thuận thúc đẩy sáng kiến phát triển cơ sở hạ tầng trong các năm 2018, 2019 và tin động thái này sẽ mang đầu tư của Trung Quốc đến bang của ông.
Theo Reuters, Đại sứ quán Trung Quốc tại Australia đã ra một tuyên bố lên án việc Canberra hủy thỏa thuận MOU giữa bang Victoria với nước này là "một động thái vô lý và khiêu khích, chống Trung Quốc".
Cùng ngày 21/4, một quan chức cấp cao thuộc Đại sứ quán Trung Quốc một lần nữa chỉ trích việc Australia cấm Huawei, công ty viễn thông hàng đầu Trung Quốc tham gia cung cấp dịch vụ mạng 5G tại xứ sở chuột túi vào năm 2018 (Australia là quốc gia đầu tiên làm như vậy). Bắc Kinh cũng cáo buộc Canberra "thậm chí đã thuyết phục những chính phủ khác làm theo họ".
Quan hệ ngoại giao giữa Australia và Trung Quốc trở nên xấu đi kể từ khi Canberra kêu gọi một cuộc điều tra quốc tế về nguồn gốc của virus corona chủng mới, khiến Bắc Kinh tức giận và xúc tiến một số biện pháp trả đũa thương mại.
Tuấn Anh
Tàu chở than Australia lênh đênh hàng tháng trời vì Trung Quốc
Một tàu chở than từ Australia đã phải mất khoảng 9 tháng lênh đênh trên biển mới được phép cập cảng và dỡ hàng tại Trung Quốc.
Australia sẽ kiện Trung Quốc lên WTO
Australia sẽ khiếu nại Trung Quốc lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vì những khoản áp thuế của Bắc Kinh đối với các mặt hàng lúa mạch xuất khẩu.