Kinh tế biển là động lực quan trọng góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương và quốc gia, giúp khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên và giải quyết việc làm cho lực lượng lao động, tăng thu nhập, bảo đảm quốc phòng - an ninh và thúc đẩy hội nhập kinh tế quốc tế.

Đà Nẵng là một trong những địa phương có nhiều tiềm năng để phát triển kinh tế biển. Theo đó, Đà Nẵng có diện tích 1.283,4km2, trong đó đất liền là 942,46km2, huyện đảo Hoàng Sa là 340,94km2.

Với chiều dài bờ biển 92km, Đà Nẵng có nhiều bãi biển đẹp như Nam Ô, Xuân Thiều, Thanh Bình, Tiên Sa, Sơn Trà, Mỹ Khê, Bắc Mỹ An, Non Nước; có cảng biển nước sâu, kín gió, thuận lợi cho việc phát triển kinh tế hàng hải, du lịch, khai thác và chế biến hải sản.  

Ngoài ra, Đà Nẵng có mặt nước ven biển rộng, vùng đặc quyền kinh tế trên 15.000km2 với nhiều loại thủy hải sản sinh sống, nguồn tài nguyên biển khá dồi dào, trữ lượng tương đối lớn. Trữ lượng nguồn lợi thủy sản của ngư trường Đà Nẵng khoảng 1.140.000 tấn, chiếm 43% tổng trữ lượng của cả nước, gồm trên 670 giống, loài, trong đó hải sản có giá trị kinh tế cao là 110 loài.

Với tiềm năng và thế mạnh về biển, Đà Nẵng được nhấn mạnh trở thành một trung tâm kinh tế biển, trung tâm nghề cá, gắn với bảo vệ an ninh và chủ quyền biển, đảo ở khu vực.

anh chup man hinh 2024 01 06 luc 071637.png
Đà Nẵng là một trong những địa phương có nhiều tiềm năng để phát triển kinh tế biển. 

Thời gian qua, Đà Nẵng đã ban hành nhiều chính sách phát triển kinh tế biển để phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững. Địa phương cũng đã tổ chức nhiều hội thảo khoa học để bàn về phát triển kinh tế biển. Các hội thảo này bước đầu làm rõ một số vấn đề lý luận và thực tiễn, đề xuất các giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế biển.

Tuy nhiên, việc phát triển kinh tế biển hiện còn nhiều vấn đề đặt ra như xung đột về lợi ích giữa kinh tế - xã hội và môi trường, giữa việc khai thác sử dụng tài nguyên và cạn kiệt nguồn tài nguyên, giữa các ngành, giữa các địa phương với phát triển bền vững, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và sự đa dạng sinh học, việc khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định…

Ông Huỳnh Huy Hòa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Đà Nẵng, kết quả đánh giá sơ bộ về phát triển bền vững các ngành kinh tế biển cấp tỉnh cho thấy, chỉ số của Đà Nẵng đạt 96,6%. Đà Nẵng là địa phương đã có bộ tiêu chí đánh giá các ngành kinh tế biển. Đây là lợi thế rất lớn để định hình và đánh giá sự phát triển qua từng năm, giai đoạn, từ đó tận dụng những lợi thế, giải quyết những điểm nghẽn, khai phá và phát triển bền vững.

Theo PGS.TS. Trần Thị Lan Hương, Trưởng Ban Quản lý khoa học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Đà Nẵng là địa phương trọng điểm đối với các địa phương thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế biển đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045. Không chỉ phát triển về du lịch biển, Đà Nẵng có thế mạnh phát triển về hệ thống cảng biển, logistics, hệ thống khu đô thị, công nghiệp ven biển, khai thác chế biển thủy sản…

Tuy nhiên, địa phương cần cụ thể hóa từng vấn đề như phát triển du lịch biển thì cần phải có sự kết nối với các tỉnh, thành có biển và quốc tế; các vùng biển xa khác như Côn Đảo, Phú Quốc; hậu cần logistics… Dù phát triển theo mô hình, khía cạnh nào, chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển cần đặt trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội chung của thành phố.

Trong khi đó, theo ông Lê Đức Viên, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Đà Nẵng, để kinh tế biển phát triển bền vững cần đáp ứng 3 tiêu chí trụ cột gồm: kinh tế của các địa phương phải tăng trưởng; bảo vệ được tài nguyên môi trường, sự đa dạng sinh học; hướng đến sự nhận thức và thụ hưởng của con người. Tuy nhiên, các trụ cột trên cần phải đảm bảo trong khuôn khổ hành lang pháp lý là chính sách ổn định.

Đề cập về khoa học công nghệ thúc đẩy phát triển kinh tế biển, ông Viên cho rằng, cần đẩy mạnh đổi mới, sáng tạo, ứng dụng các thành tựu khoa học, công nghệ tiên tiến. Tăng cường nghiên cứu, xác lập luận cứ khoa học cho việc hoạch định chính sách, pháp luật về phát triển bền vững kinh tế biển.

Tiếp tục tuyên truyền bảo đảm sự thông suốt về nhận thức vai trò, vị trí của kinh tế biển cũng như vai trò của khoa học và công nghệ đối với sự phát triển của kinh tế biển. Xây dựng chính sách thu hút và cộng tác với các chuyên gia giỏi trong và ngoài nước, đặc biệt là cộng đồng các nhà khoa học Việt Nam ở nước ngoài.

Bên cạnh đó, đổi mới cơ chế quản lý các hoạt động khoa học và công nghệ biển. Công bố rộng rãi các kết quả điều tra, nghiên cứu để khẳng định với bạn bè quốc tế về chủ quyền các vùng biển của Việt Nam. Tăng cường sự phối hợp và liên kết giữa các tỉnh, thành phố của cả nước trong các hoạt động phát triển và ứng dụng khoa học và công nghệ cho phát triển bền vững kinh tế biển của vùng.

Bạch Thị Hân, Nguyễn Thị Diệu Bình