Tỉnh Bắc Giang hiện có 1.757 dịch vụ công trực tuyến toàn trình và một phần thực hiện trên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) tỉnh. Trong đó, số dịch vụ công trực tuyến toàn trình là 951; số dịch vụ công trực tuyến một phần là 806. 

Từ ngày 1/1/2023, tại Trung tâm có 217 TTHC thực hiện theo quy trình “ký số, chuyển điện tử, in kết quả, đóng dấu, trả kết quả”. 

Để thực hiện nhiệm vụ, Trung tâm phối hợp với cơ quan liên quan làm tốt công tác chuẩn bị giải quyết các thủ tục trên môi trường điện tử. Đó là đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn quy trình thực hiện dịch vụ công trực tuyến, thanh toán trực tuyến. Đầu tư các thiết bị bảo đảm an toàn thông tin, thực hiện số hóa hồ sơ và tái sử dụng kết quả số hóa hồ sơ; nâng cấp mạng nội bộ; lắp wifi miễn phí. Cùng đó đôn đốc các sở, ngành liên quan khắc con dấu thứ hai, chuẩn bị máy in màu.

Cán bộ Trung tâm PVHCC tỉnh Bắc Giang hướng dẫn người dân thực hiện dịch vụ công trực tuyến.

Đến nay, các sở, ngành có thủ tục thực hiện hoàn toàn trên môi trường điện tử đã cấp con dấu thứ hai và giao công chức một cửa quản lý, đóng dấu, trả kết quả ngay tại Trung tâm PVHCC tỉnh. 

Kết quả, từ đầu năm đến nay, Trung tâm tiếp nhận hơn 5 nghìn hồ sơ giải quyết hoàn toàn trên quy trình điện tử. Nhờ vậy cán bộ một cửa không phải luân chuyển hồ sơ, kết quả bản giấy, giúp giảm tải công việc, thời gian, tăng năng suất lao động.

Sau nhiều lần được cán bộ Trung tâm PVHCC tỉnh hướng dẫn, chị Nguyễn Thị Lan ở xã Song Mai (TP Bắc Giang) đã biết cách sử dụng tài khoản trên Cổng Dịch vụ công tỉnh. 

Gần đây chị tự thao tác nộp hồ sơ thủ tục “hiệu đính thông tin trên giấy chứng nhận đăng ký đầu tư” qua mạng. Rất nhanh chị đã nhận được kết quả bản điện tử và bản dấu đỏ qua bưu điện mà không mất công đến Trung tâm. 

“Cách làm này rất tiện ích. Mới đầu thấy khó nhưng sau vài lần sử dụng tôi đã quen và biết cách thực hiện”, chị Lan nói.

Tiếp tục nâng cao chất lượng phục vụ

Tại Trung tâm PVHCC tỉnh, việc gửi nhận văn bản điện tử, ký số được đẩy mạnh. Theo ông Nguyễn Văn Duẩn, Giám đốc Trung tâm, sử dụng văn bản điện tử ký số góp phần thay đổi thói quen làm việc của cán bộ, công chức, viên chức. Điều này giúp tiết kiệm thời gian, công sức đi lại của cán bộ chuyên môn và kinh phí cho việc in ấn, giấy mực. 

Bởi vậy nên bản thân lãnh đạo phải gương mẫu tạo lập hồ sơ xử lý công việc trên hệ thống và thực hiện ký số. Cùng đó thường xuyên giám sát việc tiếp nhận, giải quyết công việc của cán bộ. 

Tại Trung tâm, đội ngũ cán bộ có trình độ chuyên môn, công nghệ thông tin tốt nên thuận lợi trong triển khai công việc. Hiện nay, trừ những văn bản mật, hầu hết văn bản đều được giải quyết trên môi trường mạng. 

7 tháng đầu năm, Trung tâm đã phát hành gần 200 văn bản sử dụng chữ ký số qua phần mềm quản lý văn bản và điều hành công việc (đạt tỷ lệ 100%).

Chị Thân Thị Quế, cán bộ Trung tâm cho biết: “Việc tạo lập hồ sơ công việc trên môi trường điện tử đã góp phần hình thành kho dữ liệu số của đơn vị. Từ đó, giúp công tác tra cứu, tìm kiếm thông tin dễ dàng, nhanh chóng và chính xác. 

8 tháng qua, Trung tâm PVHCC tỉnh tiếp nhận hơn 5 nghìn hồ sơ giải quyết hoàn toàn trên quy trình điện tử. Nhờ vậy cán bộ một cửa không phải luân chuyển hồ sơ, kết quả bản giấy, giúp giảm tải công việc, thời gian, tăng năng suất lao động.

Với vai trò là đơn vị giám sát quy trình tiếp nhận, giải quyết, trả kết quả hồ sơ TTHC của các sở, ngành, Trung tâm thường xuyên kiểm tra và có văn bản báo cáo hằng tháng với Thường trực UBND tỉnh. Các văn bản đều được tạo lập, gửi đi và lưu trữ trên môi trường điện tử, dễ dàng đối chiếu, tổng hợp.

Tại Trung tâm PVHCC tỉnh hiện có 21 sở, ngành thuộc UBND tỉnh, cơ quan T.Ư đứng chân trên địa bàn và Công ty Điện lực Bắc Giang cử cán bộ trực tiếp nhận, trả kết quả hồ sơ TTHC. 

Về nhiệm vụ thời gian tới, lãnh đạo Trung tâm PVHCC tỉnh cho hay đơn vị tiếp tục đẩy mạnh thực hiện TTHC trên môi trường điện tử; sử dụng hiệu quả văn bản điện tử, chữ ký số, lưu trữ điện tử; đẩy mạnh việc thanh toán không dùng tiền mặt theo quy định; hướng dẫn các tổ chức, doanh nghiệp, người dân tiếp nhận, cung cấp dịch vụ công trực tuyến để nâng cao chất lượng phục vụ và tính công khai, minh bạch của cơ quan hành chính nhà nước.

Để góp phần hoàn thiện quy trình các bước giải quyết TTHC hoàn toàn trên môi trường điện tử, nhiều ý kiến cho rằng tỉnh cần đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện kho dữ liệu số; giúp người dân, doanh nghiệp dễ dàng tái sử dụng các dữ liệu cá nhân đã được số hóa. Qua đó nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả công việc; tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, giảm thời gian đi lại, chi phí xã hội.

Phát huy vai trò công tác tuyên truyền trong thực hiện cải cách hành chính 

Trong giai đoạn hiện nay, việc triển khai thực hiện công tác CCHC, cải cách và kiểm soát TTHC, cơ chế một cửa, một cửa liên thông, thực hiện TTHC trên môi trường điện tử có ý nghĩa hết sức quan trọng nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, tăng doanh thu, đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội. 

Trong những năm vừa qua, tỉnh Bắc Giang đã thực hiện hiệu quả công tác tuyên truyền, tập trung đổi mới, đa dạng các hình thức tuyên truyền, qua đó góp phần giúp các tổ chức, người dân ngày càng tiếp cận nhanh chóng đối với dịch vụ công trực tuyến, rút ngắn thời gian, thuận tiện hơn trong giao dịch. 

Tuyên truyền, hướng dẫn người dân sử dụng mã QR tra cứu TTHC tại xã Hương Mai (Việt Yên, Bắc Giang).

Nhiều cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh in tài liệu tuyên truyền về thực hiện TTHC để phát đến người dân, doanh nghiệp như: Văn phòng UBND tỉnh (Sổ tay nghiệp vụ kiểm soát TTHC và cơ chế một cửa, một cửa liên thông); Sở Giao thông vận tải (Dịch vụ công trực trực tuyến trong lĩnh vực vận tải đường bộ); Sở Tư pháp (Quy trình đăng ký kết hôn trực tuyến; Quy trình đăng ký khai sinh trực tuyến; Quy trình đăng ký khai tử trực tuyến); Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh (Tuyên truyền thanh toán dịch vụ công trực tuyến; Đăng ký và kích hoạt tài khoản định danh điện tử VneID; Phương thức sử dụng thông tin công dân thay sổ hộ khẩu, sổ tạm trú; Cách thức nộp hồ sơ trực tuyến; Các hình thức nộp hồ sơ, nhận kết quả giải quyết TTHC;) Văn phòng HĐND và UBND huyện Yên Thế (Dịch vụ công trực tuyến Huyện Yên Thế; Chung tay cải cách TTHC); …

Với việc tuyên truyền CCHC đa dạng trong hình thức, cũng như phong phú về nội dung sẽ giúp người dân, doanh nghiệp cập nhật được các thông tin cần thiết về chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước, các chính sách và cách làm mới của tỉnh để cải tiến, đơn giản hóa TTHC, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết các TTHC.