Bắc Giang là tỉnh miền núi với 45 thành phần dân tộc thiểu số (DTTS) sinh sống, chiếm hơn 14% dân số của tỉnh. Toàn tỉnh có 73 xã thuộc vùng DTTS&MN; trong đó có 28 xã khu vực III (xã đặc biệt khó khăn), 9 xã khu vực II và 36 xã khu vực I. Đây là địa bàn và đối tượng đầu tư của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 (gọi tắt là Chương trình 1719).
Để triển khai thực hiện Chương trình, những năm qua UBND tỉnh luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, ban hành nhiều văn bản cụ thể hóa cơ chế, chính sách của Trung ương áp dụng tại địa phương.
Giai đoạn 2021 - 2025 tỉnh Bắc Giang được giao nguồn vốn thực hiện Chương trình trên 1.616 tỷ đồng; trong đó năm 2024 tỉnh được giao trên 734 tỷ đồng, đến 30/6/2024 đã thực hiện giải ngân trên 155 tỷ đồng.
Từ nguồn vốn Chương trình, 6 tháng đầu năm 2024 tỉnh thực hiện hỗ trợ nhà ở cho 46 hộ gia đình, hỗ trợ chuyển đổi nghề cho 322 hộ, hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán cho 7 hộ,...
Bên cạnh đó, tỉnh đầu tư xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp 88 công trình hạ tầng thiết yếu như công trình đường giao thông, thủy lợi, trạm y tế, chợ… phục vụ cho sản xuất, đời sống sinh hoạt của Nhân dân.
Giai đoạn 2021 - 2023 đã hỗ trợ giải quyết về nhà ở cho 498 hộ; hỗ trợ chuyển đổi nghề cho 1.768 hộ, hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán hợp vệ sinh cho 2.699 hộ; hỗ trợ sinh kế cho hơn 2.000 hộ; đầu tư hơn 130 công trình, dự án hạ tầng thiết yếu về giao thông, thủy lợi, nhà văn hóa, trường học, trạm y tế, chợ, hỗ trợ bảo tồn phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp;
Cùng với đó, công tác tuyên truyền, vận động người dân vùng đồng bào DTTS & MN được quan tâm, mang lại hiệu quả, góp phần nâng cao nhận thức về ý nghĩa, vai trò và tầm quan trọng của việc chấp hành tốt pháp luật, xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc…
Sau thời gian thực hiện, Chương trình 1719 đã đạt được những kết quả nhất định. Một số dự án đã hoàn thành bàn giao đưa vào sử dụng và phát huy hiệu quả. Kinh tế - xã hội, diện mạo vùng đồng bào DTTS&MN đã có thay đổi, bước phát triển rõ rệt.
Phấn đấu có 03 xã thoát khỏi diện đặc biệt khó khăn
Trên cơ sở các kết quả đã đạt được, năm 2025, tỉnh đặt mục tiêu phấn đấu tỷ lệ hộ nghèo tại các xã vùng đồng bào DTTS&MN bình quân giảm 2,5%/năm, trong đó các xã đặc biệt khó khăn giảm bình quân 3%/năm; phấn đấu có 03 xã thoát khỏi diện đặc biệt khó khăn. Hỗ trợ 136 hộ làm nhà ở, 512 hộ thực hiện chuyển đổi nghề, 3.486 hộ nước sinh hoạt phân tán, đầu tư xây dựng 04 công trình nước sinh hoạt tập trung.
Hoàn thành 20 km đường giao thông đến trung tâm xã, đường liên xã; xây mới, cải tạo nâng cấp 01 chợ, đầu tư xây dựng 55 công trình thiết yếu tại các xã, thôn bản đặc biệt khó khăn; tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị cho 7 trường; đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp 4 trường nội trú, bán trú.
Hỗ trợ đào tạo nghề trình độ sơ cấp dưới 3 tháng cho 750 người; hỗ trợ người lao động thuộc vùng đồng bào DTTS học nghề, học ngoại ngữ để đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng cho 30 người; cung cấp thông tin thị trường lao động, dịch vụ hỗ trợ tìm kiếm, kết nối việc làm cho lao động là người DTTS.
Hỗ trợ đầu tư xây dựng 4 điểm đến du lịch tiêu biểu; tu bổ, tôn tạo, chống xuống cấp 1 di tích quốc gia đặc biệt, di tích quốc gia có giá trị tiêu biểu của các DTTS; bảo tồn 2 làng, bản truyền thống tiêu biểu của các DTTS; 20 thiết chế văn hóa, thể thao.
Nâng cao chất lượng dân số, tăng cường truyền thông thay đổi hành vi về chăm sóc sức khỏe, dinh dưỡng bà mẹ - trẻ em; tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật; nâng cao nhận thức, chất lượng và hiệu quả công tác vận động, phát huy vai trò của người có uy tín trong đồng bào DTTS; thực hiện đầy đủ chế độ, chính đối với người uy tín trong vùng đồng bào DTTS&MN.
Cùng với đó, tạo điều kiện để đồng bào các DTTS nâng cao nhận thức về pháp luật, từng bước vận dụng pháp luật có hiệu quả vào việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bản thân và gia đình.