Thông tin về số doanh nghiệp đăng ký và xây dựng phương án trở lại hoạt động được Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Bắc Giang thông tin. Ngày 30/5, thêm 7 doanh nghiệp bắt đầu sản xuất trở lại. Tuy nhiên, khó khăn nhất hiện nay là việc nhập nguyên vật liệu và xuất hàng do tài xế chở hàng vào và ra khỏi khu công nghiệp về các địa phương phải cách ly 21 ngày.
Trong khi đó, thống kê từ Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang cho thấy chỉ số sản xuất công nghiệp của tỉnh tháng 5 giảm 40,9% so với tháng 4 và giảm hơn 30% so với cùng kỳ. Các thương nhân cũng có tâm lý e ngại đến vùng dịch do khi trở về phải cách ly, do đó khâu lưu thông hàng hóa gặp khó khăn.
Trong báo cáo gửi lãnh đạo Chính phủ, UBND tỉnh Bắc Giang cho biết đã phải tạm dừng hoạt động 4 khu công nghiệp, ước tính mỗi ngày giảm trên 2.000 tỷ đồng tổng giá trị sản xuất công nghiệp; trên 140.000 lao động ngừng việc, trong đó có hơn 60.000 lao động ngoại tỉnh.
Công ty TNHH Hosiden Việt Nam thuộc Khu công nghiệp Quang Châu là một ổ dịch phức tạp tại Bắc Giang (Ảnh: Bá Đoàn). |
Về việc chuẩn bị cho các doanh nghiệp hoạt động trở lại, tỉnh Bắc Giang đã thành lập 35 tổ công tác liên ngành kiểm tra, đánh giá, hướng dẫn các điều kiện an toàn phòng, chống dịch Covid-19 tại các doanh nghiệp trong khu công nghiệp để có cơ sở quyết định cho sản xuất trở lại.
Trước mắt, tỉnh Bắc Giang ưu tiên hướng dẫn, hỗ trợ 34 doanh nghiệp nguy cơ lây nhiễm rất thấp, một số doanh nghiệp lớn nguy cơ lây nhiễm thấp, nguy cơ lây nhiễm trung bình nằm trong chuỗi sản xuất toàn cầu và các doanh nghiệp sản xuất mặt hàng thiết yếu hoạt động trở lại. UBND tỉnh Bắc Giang cũng mong muốn các bộ, ngành gỡ vướng cho khâu lưu thông nông sản.
Trên thực tế, Bắc Giang và Bắc Ninh là hai địa phương có nhiều khu công nghiệp, trong đó có nhà máy của các tập đoàn tầm cỡ toàn cầu. Trước diễn biến Covid-19 "nóng" tại Bắc Giang và Bắc Ninh, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã giao Phó Thủ tướng Lê Văn Thành trực tiếp chỉ đạo công việc phòng, chống dịch, khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh ở hai tỉnh này.
Chiều 30/5, chỉ đạo về các giải pháp phòng chống dịch cũng như duy trì sản xuất tại tỉnh Bắc Giang, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đánh giá thiệt hại do dịch Covid-19 đối với sản xuất kinh doanh khá lớn, ảnh hưởng nhiều đến đời sống người dân, của công nhân. Vì vậy, phải tập trung thật cao cho tiêm phòng vắc xin, đây là chiến lược dài hơi nhưng dứt điểm càng nhanh càng tốt để đưa sản xuất vào hoạt động ngay.
Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Y tế bổ sung vắc xin ngừa Covid-19 để tiêm cho công nhân, đề nghị tỉnh Bắc Giang rà soát lại các kịch bản để bảo đảm sản xuất an toàn và nhấn mạnh không phải có vắc xin là chủ quan, mất cảnh giác. "Làm sao cho sản xuất trở lại rồi thì không phải dừng lại lần nữa, mỗi lần dừng như thế thì sẽ ảnh hưởng rất lớn" - Phó Thủ tướng cho hay.
Trên cơ sở ý kiến của địa phương và doanh nghiệp, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nhất trí ban hành văn bản giao nhiệm vụ cho các bộ, ngành với yêu cầu tạo điều kiện cho sản xuất kinh doanh, không để bị đứt gãy chuỗi cung ứng, đảm bảo lưu thông thuận lợi không để ách tắc hàng hóa.
(Theo Dân Trí)
Hàng từ tâm dịch Bắc Giang đổ về, dân Hà Nội xuyên đêm ngóng đợi
Vải thiều, dưa hấu, dưa lê, bí đao... Bắc Giang đang ồ ạt về Hà Nội. Không chỉ đội nắng giữa trưa, người dân Thủ đô còn xuyên đêm hỗ trợ nông dân Bắc Giang tiêu thụ nông sản.