Hiện tại trên địa bàn tỉnh Bắc Giang có 857 HTX đang hoạt động, trong đó có 665 HTX nông nghiệp (chiếm 65,5%). Hoạt động của HTX nông nghiệp đang chuyển dịch theo hướng đa dạng hoá các ngành nghề, dịch vụ, sản xuất sản phẩm sạch, theo chuỗi và liên kết với các doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm. Nhiều HTX đã xây dựng phát triển được thương hiệu riêng có uy tín và giá trị thương mại cao; mở rộng thị trường sản xuất, tăng lợi nhuận, hướng đến sự phát triển bền vững và chuyên nghiệp hơn, góp phần xây dựng thương hiệu mạnh cho sản phẩm chủ lực của tỉnh.
Ông Lã Văn Đoàn, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang cho biết, để xây dựng được thương hiệu, bên cạnh sự nỗ lực phấn đấu vươn lên của chính các HTX thì vai trò trợ sức của các cấp, các ngành chức năng đã có những tác động tích cực.
Xác định tổ hợp tác (THT) chính là “nguồn”, là “gốc vững chắc”, là tiền đề để phát triển lên HTX kiểu mới, Hội Nông dân tỉnh đã xây dựng và được UBND tỉnh phê duyệt Đề án “Xây dựng THT tạo tiền đề để phát triển thành HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025”. Thực hiện Đề án, Hội Nông dân tỉnh đã chỉ đạo các cấp hội ưu tiên thành lập các THT đầu tư vào phát triển sản xuất hàng hóa là các sản phẩm có thế mạnh, có lợi thế, giá trị kinh tế cao; sản phẩm chủ lực; sản phẩm đặc trưng của địa phương; sản phẩm có thể tham gia Chương trình OCOP. Khi đã thành lập được các THT, từ những THT hoạt động tốt, lựa chọn để hướng dẫn phát triển lên thành các HTX nông nghiệp.
Sau hơn một năm triển khai, THT, HTX do Hội Nông dân hướng dẫn thành lập trên địa bàn tỉnh có bước phát triển nhanh chóng cả về số lượng và chất lượng. Tính riêng năm 2022, Hội Nông dân các cấp toàn tỉnh đã vận động, hướng dẫn thành lập được 51 THT, 33 HTX mới, lũy kế đến nay Hội đã hướng dẫn thành lập được 289 THT và 92 HTX.
Ông Đoàn chia sẻ, xác định để xây dựng thương hiệu HTX thì các HTX phải có các sản phẩm độc đáo, đặc trưng của tỉnh cũng như đáp ứng được các tiêu chí đặt ra, đặc biệt là các sản phẩm được chứng nhận OCOP... Do vậy, Hội Nông dân tỉnh đã xây dựng và được Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt Đề án "Hội Nông dân các cấp là nòng cốt trong tổ chức sản xuất nông nghiệp theo hướng hợp tác, liên kết chuỗi giá trị, xây dựng và nâng cao chất lượng các sản phẩm OCOP, giai đoạn 2022 - 2025". Đề án đặt ra mục tiêu mỗi năm các cấp Hội Nông dân trong tỉnh trực tiếp hướng dẫn, hỗ trợ xây dựng mới được từ 10 sản phẩm OCOP trở lên và hỗ trợ củng cố, nâng cao hiệu quả 20 sản phẩm đã được công nhận. Để đạt mục tiêu trên, Hội Nông dân các cấp đã phối hợp hỗ trợ, tư vấn cho các HTX tham gia chương trình OCOP tất cả các khâu trong chu trình phát triển sản phẩm OCOP như xây dựng ý tưởng sản phẩm; xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh; triển khai thực hiện kế hoạch; hoàn thiện hồ sơ gửi tham dự đánh giá, phân hạng sản phẩm; xúc tiến thương mại... Kết quả, năm 2022 toàn tỉnh có 22 sản phẩm do các cấp Hội Nông dân hướng dẫn được công nhận sản phẩm OCOP (đạt 220% kế hoạch), trong đó một số sản phẩm được đánh giá chất lượng như: nụ hoa sâm Nam núi Dành, dứa Hương Sơn, táo Phì Điền, mỳ gạo Chũ đặc biệt Nam Thể... 20 sản phẩm đã được công nhận sản phẩm OCOP tiếp tục được duy trì củng cố, nâng cao chất lượng. Năm 2023, dự kiến Hội Nông dân tỉnh tiếp tục hướng dẫn xây dựng 20 sản phẩm OCOP, duy trì nâng cao chất lượng 20 sản phẩm đã đạt OCOP.
Từ thực tiễn nhận thấy, cán bộ Hội Nông dân các cấp trên địa bàn tỉnh chưa được trang bị kỹ năng, kiến thức để tư vấn, hướng dẫn, hỗ trợ các HTX thực hiện các bước trong chu trình xây dựng sản phẩm OCOP. Các HTX là chủ thể chính tham gia Chương trình OCOP cũng còn thiếu nhiều kiến thức trong tổ chức phát triển sản xuất để xây dựng sản phẩm OCOP. Do vậy, việc tập huấn, bồi dưỡng là nội dung đặc biệt cần thiết trong giai đoạn hiện nay. Xác định được điều đó, tính riêng trong năm 2022 Hội Nông dân tỉnh đã tổ chức và phối hợp với Công ty cổ phần phát triển Dược Khoa - đơn vị có nhiều kinh nghiệm trong việc tư vấn cho các địa phương trong cả nước xây dựng và nâng cao chất lượng các sản phẩm OCOP tổ chức 10 lớp tập huấn cho hơn 1200 cán bộ Hội các cấp, THT, HTX với nội dung về quy trình thành lập THT, HTX; hướng dẫn xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, quảng bá sản phẩm chủ lực của HTX…
Song song với các hoạt động trên, các cấp Hội đã chủ động phối hợp tổ chức tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, công nghệ mới về trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản cho trên 198.000 lượt cán bộ, hội viên nông và đại diện các THT, HTX. Hội Nông dân tỉnh ký chương trình phối hợp với Bưu điện tỉnh trong việc hỗ trợ nông dân chuyển đổi số trong sản xuất và tiêu thụ nông sản, hàng hóa giai đoạn 2021-2025.
Từ các giải pháp trên, trên địa bàn toàn tỉnh đã có nhiều mô hình HTX do Hội Nông dân hướng dẫn, xây dựng đã xây dựng được thương hiệu mạnh, hoạt động ổn định, hiệu quả, thực hiện tốt việc liên kết sản xuất, hợp tác kết nối tiêu thụ các sản phẩm ra thị trường, tạo được chỗ đứng nhất định, tiêu biểu như: HTX Sản xuất và tiêu thụ mỳ Chũ Nam Thể tại xã Nam Dương, huyện Lục Ngạn. Sản phẩm Mỳ gạo Chũ Nam Thể được TW Hội Nông Dân Việt Nam chứng nhận sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu; Bộ Công Thương - Cục Nông Nghiệp Địa phương chứng nhận là sản phẩm tiêu biểu cấp khu vực; Bộ trưởng Bộ Công Thương chứng nhận sản phẩm tiêu biểu cấp quốc gia; đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao. Hợp tác xã Na Dai Nghĩa Phương tại xã Nghĩa Phương, huyện Lục Nam có 02 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao. HTX sản xuất thương mại và dịch vụ nông nghiệp Phì Điền tại xã Phì Điền, huyện Lục Ngạn với nhiều sản phẩm được sản xuất sạch theo tiêu chuẩn VietGAP, xây dựng được thương hiệu sản phẩm OCOP, được người tiêu dùng tin tưởng lụa chọn.