Trong câu chuyện ngày xưa của của tôi có vị xưa – vị cà cuống. Vị mà giờ sau mấy chục năm tôi chưa có dịp thưởng thức lại. Cũng đôi lần cất công đi tìm cho đến khi tưởng như nó tuyệt chủng rồi thì mới đây lại le lói ánh sáng.
Tình cờ lướt mạng biết Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp Hoàng Ngân có trụ sở tại thôn Quan Hạ, xã Trung Yên, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang đã nhân giống, chăn nuôi thành công con cà cuống trên đất Bắc.
Kết nối với HTX, tôi được anh Nguyễn Chí Thanh – Giáo viên của trường Phổ thông dân tộc nội trú ATK Sơn Dương và cũng là Phó giám đốc của HTX cho biết: HTX nông nghiệp Hoàng Ngân được thành lập tháng vào tháng 9/2022. HTX có 9 thành viên, do chị Hoàng Thị Chiên làm Giám đốc. Với vốn điều lệ 500 triệu đồng, hoạt động chính của HTX là chăn nuôi, sơ chế, chế biến các sản phẩm từ cà cuống với thương hiệu xứ Tuyên.
Anh Thanh cho biết, sản phẩm chủ yếu của HTX là nước mắm cà cuống, tinh dầu cà cuống, cà cuống nguyên con, rượu cà cuống... Quy mô chăn nuôi và tiêu thụ 20.000 con cà cuống/năm; Khoảng 5000 lít nước mắm cà cuống/năm; Tinh dầu 100 lít/năm.
Chia sẻ về lý do tại sao lại chọn việc chăn nuôi, sơ chế, chế biến các sản phẩm từ cà cuống – một loài côn trùng tưởng trừng như đã tuyệt chủng trên đất Bắc, chị Hoàng Thị Chiên cho biết: Xã Trung Yên là 1 xã xa nhất, xã đặc biệt khó khăn của huyện Sơn Dương. Thu nhập và đời sống dân cư nơi đây còn thấp, nhiều hộ nghèo, các loại hình kinh tế chủ yếu chăn nuôi, trồng cấy quy mô nhỏ. Muốn phát triển kinh tế, vợ chồng chị Chiên đã tự tìm tòi thông tin trên mạng Internet. Qua tìm hiểu, nhận thấy cà cuống là loại côn trùng quý hiếm, giá trị kinh tế cao, hiện nay ngoài tự nhiên khu vực miền Bắc rất hiếm, gần như không còn và hầu như là chưa ai nuôi thành công. “Càng khó nuôi mà mình nuôi được và làm được thì mình sẽ là người đi tiên phong, nó sẽ dễ tiếp cận thị trường và ít cạnh tranh”, chị Chiên cho biết.
Vì vậy, với mong muốn xây dựng phát triển kinh tế quê hương, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, chị Hoàng Thị Chiên, người dân tộc Tày, hướng dẫn viên du lịch tại Tuyên Quang đã xin nghỉ việc tại Ban quản lý các khu du lịch tỉnh về cùng chồng là giáo viên tại địa phương xây dựng mô hình nuôi và thành lập hợp tác xã chuyên về cà cuống.
Chia sẻ về hành trình đầu gây dựng cơ đồ của HTX, chị Chiên cho biết: Giữa năm 2019, vợ chồng anh chị đã lặn lội vào miền Tây, gần với Campuchia, nơi mà cà cuống tự nhiên còn bắt gặp, mua trứng về tự nghiên cứu cách ấp, cách chăn nuôi. Lần đầu tiên nuôi và thuần dưỡng trong môi trường nhân tạo cà cuống hao hụt nhiều. Từ 500 quả trứng, sau 6 tháng chăn nuôi còn lại 20 con cà cuống giống. Với tinh thần quyết tâm, năm sau anh, chị tiếp tục gây giống, nhân đàn và chuẩn bị kĩ nguồn thức ăn cho cà cuống. Áp dụng kinh nghiệm tự học được, anh chị đã nhân lên hàng nghìn con giống và thương phẩm. Đến nay, anh chị đã giúp đỡ cho rất nhiều hộ gia đình thành công trong việc chăn nuôi đồng thời thu mua lại thương phẩm của các trại liên kết để sơ chế, chế biến sản phẩm từ cà cuống để bán ra thị trường. Đối với các thành viên HTX, ngoài việc làm các công việc khác vẫn có thể tranh thủ chăn nuôi, làm thêm bán thời gian tại HTX, thu nhập bình quân của mỗi thành viên bình quân là 8,5 triệu đồng/tháng.
Nhằm kết nối, giao lưu, chia sẻ, giải đáp thắc mắc về kĩ thuật nuôi, con giống và đầu ra của con cà cuống và các loại côn trùng có ích, anh Thanh đã thành lập và là admin của trang facebook: Hội nuôi cà cuống Việt Nam. Hiện hội có trên 16.000 thành viên đến từ khắp mọi miền trên tổ quốc.
Chia sẻ về những dự định sắp tới của HTX, chị Chiên cho biết sẽ nghiên cứu mở rộng quy mô, đẩy mạnh chăn nuôi tại địa phương, mở rộng thị trường ra nước ngoài, nghiên cứu thêm các sản phẩm từ cà cuống nhất là việc áp dụng con cà cuống trong sản xuất các loại dược liệu, thuốc chữa bệnh. Phấn đấu năm 2024 đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao của tỉnh đối với một số sản phẩm của HTX.