Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) giai đoạn 2021 - 2030 được đánh giá là chương trình tổng lực giúp thay đổi bộ mặt và nâng cao chất lượng đời sống cho đồng bào DTTS&MN.
Ngày 19 tháng 8, Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn ban hành Kế hoạch số 528/KH-UBND về thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Bắc Kạn năm 2022, với mục đích tạo sự thống nhất giữa cấp ủy, chính quyền các cấp trong việc triển khai, cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp của Chương trình MTQG phù hợp với lợi thế, tiềm năng hiện có ở các xã, các thôn đặc biệt khó khăn của tỉnh. Phấn đấu đưa các xã, thôn ra khỏi địa bàn đặc biệt khó khăn, giảm tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số, thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập của vùng đồng bào dân tộc thiểu số với khu vực khác, góp phần cải thiện, nâng cao đời sống của người dân; tạo điều kiện cho người dân vùng đồng bào DTTS&MN tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản: việc làm, y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt và vệ sinh, thông tin…
Hiện nay, các cấp, ngành, chính quyền địa phương đang đóng góp ý kiến cho dự thảo Kế hoạch thực hiện Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN năm 2023 của tỉnh, đồng thời sẵn sàng tâm thế bắt tay vào thực hiện.
Dự thảo Kế hoạch thực hiện Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN năm 2023 của tỉnh đã được cơ quan tham mưu là Ban Dân tộc tỉnh xây dựng, đang trong thời gian xin ý kiến đóng góp của các sở, ban ngành, đoàn thể và địa phương để trình UBND tỉnh phê duyệt.
Kế hoạch đề ra mục tiêu phấn đấu đưa các xã, thôn ra khỏi địa bàn đặc biệt khó khăn, giảm tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào DTTS, thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập của vùng đồng bào DTTS với khu vực khác, góp phần cải thiện, nâng cao đời sống của người dân; tạo điều kiện cho người dân vùng đồng bào DTTS&MN tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản (việc làm, y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt và vệ sinh, thông tin…).
Dự thảo cũng đặt ra yêu cầu triển khai thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ của Chương trình từ tỉnh đến cơ sở, có các giải pháp cụ thể phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương, đơn vị, đảm bảo cho việc chỉ đạo triển khai thực hiện nghiêm túc; công khai, minh bạch các nguồn lực hỗ trợ thực hiện Chương trình.
Dự thảo kế hoạch đề ra mục tiêu, năm 2023 giảm 3,5% tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào DTTS; phấn đấu 12 xã và 11 thôn ra khỏi địa bàn đặc biệt khó khăn.
Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN năm 2023 được triển khai gồm 10 dự án: (1) Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; (2) Quy hoạch, sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư ở những nơi cần thiết; (3) Phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị; (4) Đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào DTTS&MN và các đơn vị sự nghiệp công lập của lĩnh vực dân tộc; (5) Phát triển giáo dục đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; (6) Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch; (7) Chăm sóc sức khỏe Nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc người dân tộc thiểu số; phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em; (8) Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em; (9) Đầu tư phát triển nhóm dân tộc thiểu số rất ít người và nhóm dân tộc còn nhiều khó khăn; (10) Truyền thông, tuyên truyền, vận động trong vùng đồng bào DTTS&MN,…
Ghi nhận trong thời gian qua, việc triển khai thực hiện Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN còn chậm, quá trình thực hiện phát sinh một số khó khăn như: Văn bản hướng dẫn thực hiện của các bộ, ngành Trung ương ban hành chậm, có hướng dẫn nội dung chưa đầy đủ, còn nhiều bất cập, chưa đủ cơ sở để địa phương thực hiện một số tiểu dự án, dự án thành phần thuộc Chương trình; việc triển khai thực hiện Chương trình chậm, kéo dài nên địa bàn, đối tượng thụ hưởng thay đổi phải thực hiện rà soát nhiều lần...
Để kịp thời triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN năm 2023, hiện nay, các ngành, địa phương đã sẵn sàng tâm thế bắt tay vào thực hiện Chương trình. Chủ tịch UBND huyện Bạch Thông Đinh Quang Hưng cho biết, Chương trình MTQG có vai trò vô cùng quan trọng đối với sự phát triển của khu vực đồng bào DTTS&MN, là sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước và Nhân dân cả nước đối với đồng bào sinh sống tại vùng còn nhiều khó khăn. Đối với huyện Bạch Thông, việc lập kế hoạch, chuẩn bị tổ chức thực hiện các dự án, tiểu dự án của Chương trình được quan tâm thực hiện. Huyện đang chỉ đạo các cơ quan chuyên môn và các địa phương chủ động, linh hoạt triển khai các nội dung đã được giao để đón nhận và thực hiện hiệu quả Chương trình, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân và sớm đưa Bạch Thông trở thành huyện nông thôn mới theo kế hoạch đề ra vào năm 2025.
Nguồn vốn từ Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021 - 2030 đóng vai trò rất quan trọng, giúp các địa phương tăng cường kết cấu hạ tầng, tạo sinh kế, nâng cao thu nhập cho người dân. Do vậy, các cấp, ngành, địa phương cần tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện kịp thời, hiệu quả Nghị quyết số 88/2019/QH14 ngày 18/11/2019 của Quốc hội phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021 - 2030 và các chương trình, chính sách dân tộc. Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở. Thường xuyên kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc thực hiện các chương trình, chính sách dân tộc để kịp thời phát hiện, giải quyết các khó khăn, vướng mắc phát sinh, tạo đà phát triển bền vững vùng đồng bào DTTS&MN.
Văn Hùng, Thu Hà, Trần Tuấn Anh