Trung Quốc có khả năng sẽ phát triển thành một cường quốc cả trên biển và đất liền, ít nhất sẽ đủ sức làm lu mờ Nga tại khu vực lục địa Á-Âu.

Phương Nam hứa hẹn

Tầm ảnh hưởng của Trung Quốc cũng đang dần lan rộng xuống phía Đông Nam. Thực ra, do các quốc gia Đông Nam Á đều không mạnh nên đây là khu vực kháng cự yếu nhất trước sự trỗi dậy của một Đại Trung Hoa. Trung tâm ảnh hưởng tự nhiên của vùng Sông Mekong, nơi kết nối tất cả các nước Đông Dương bằng đường bộ và đường sông, là Côn Minh, thủ phủ tỉnh Vân Nam của Trung Quốc.

Quốc gia có diện tích lớn nhất trên vùng lục địa của Đông Nam Á là Myanmar. Nếu như Pakistan được ví là Balkans của Châu Á do luôn có nguy cơ bị chia cắt lãnh thổ, thì Myanmar lại giống như nước Bỉ thời đầu thế kỷ XX khi luôn đứng trước mối đe dọa xâm lược từ những nước láng giếng hùng mạnh hơn.

Giống như Mông Cổ, miền Viễn Đông Nga và những vùng lãnh thổ giáp khu vực biên giới Trung Quốc, Myanmar cũng là một quốc gia yếu với nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú mà Trung Quốc đang thèm khát. Trung Quốc và Ấn Độ đang cạnh tranh phát triển cảng nước sâu ở Sittwe, nằm trên bờ biển Ấn Độ Dương của Myanmar, với cùng một hy vọng trong tương lai sẽ có thể xây dựng đường ống dẫn ga nối vào từ các mỏ khai thác ngoài khơi vịnh Bengal.

Với cả khu vực nói chung, Bắc Kinh đang áp dụng chiến thuật “chia để trị” (divide-and-conquer) trong một số lĩnh vực. Trong quá khứ, Trung Quốc đã đàm phán riêng rẽ với từng thành viên trong ASEAN (Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á) thay vì với tất cả các quốc gia theo tư cách một khối chung. Ngay cả hiệp định thành lập khu vực tự do thương mại chính thức với ASEAN gần đây cũng cho thấy cách thức Trung Quốc sẽ tiếp tục áp dụng để phát triển những mối quan hệ có lợi với những người láng giềng phía nam.

Quốc gia này sử dụng ASEAN như một thị trường tiêu thụ những mặt hàng giá trị cao sản xuất trong nước đồng thời mua lại từ đây những sản phẩm nông nghiệp giá rẻ. Điều này đã mang về cho Trung Quốc thặng dư thương mại, trong khi biến các nước ASEAN dần trở thành bãi phế thải cho những sản phẩm công nghiệp sản xuất bởi nhân công giá rẻ của Trung Quốc.

{keywords}

Với cả khu vực ASEAN nói chung, Bắc Kinh đang áp dụng chiến thuật “chia để trị”.

Thực tế này đang diễn ra trong tình cảnh quốc gia hùng mạnh một thời Thái Lan, sau những rung chuyển do biến cố chính trị nội bộ gần đây, đang ngày càng mờ nhạt trong vai trò mỏ neo của khu vực và đối trọng cố hữu của Trung Quốc tại đây (Trung Quốc đang đẩy mạnh hợp tác quân sự song phương với Thái Lan đồng thời xây dựng những mối quan hệ tương tự với các nước Đông Nam Á khác, trong khi Mỹ ngày càng lơ là các cuộc tập trận trong khu vực để dồn sức cho các cuộc chiến ở Afghanistan và Iraq.)

Ở phía nam Thái Lan, cả Malaysia và Singapore đều chuẩn bị bước vào thời kỳ chuyển đổi dân chủ đầy thách thức khi những nhà lãnh đạo khai quốc công thần đầy quyền lực trước đây, Mahathir bin Mohamad và Lý Quang Diệu, rời khỏi chính trường. Malaysia ngày càng dấn sâu vào cái bóng kinh tế của Trung Quốc, cùng lúc dân số gốc Hoa tại đây cảm thấy bị đe dọa bởi người Malay Hồi giáo chiếm đa số.

Singapore dù dân số hầu hết là người gốc Hoa nhưng chính phủ cũng đang lo ngại bị biến thành một nước chư hầu của Trung Quốc. Do đó, từ nhiều năm nay, đảo quốc này đã không ngừng chăm chút cho mối quan hệ về huấn luyện quân sự với Đài Loan. Lý Quang Diệu còn từng công khai thúc giục Mỹ tiếp tục can dự vào khu vực cả về quân sự lẫn ngoại giao.

Về phần mình, Indonesia cũng đang bị mắc kẹt trong tình thế giữa một bên vẫn cần sự hiện diện của hải quân Mỹ để cản chân Trung Quốc, nhưng mặt khác lại lo sợ sẽ khiến phần còn lại của thế giới Hồi giáo nổi giận khi nước này có biểu hiện là đồng minh của Mỹ.

Trước tình cảnh quyền lực của Mỹ tại Đông Nam Á đã bước qua thời hoàng kim, còn Trung Quốc đang trỗi dậy ngày một mạnh mẽ, các thành viên trong khu vực đang cùng bắt tay hợp tác chặt chẽ hơn nhằm làm suy yếu chiến lược “chia để trị”. Điển hình như Indonesia, Malaysia và Singapore đã liên kết thành một nhóm chống cướp biển. Các quốc gia này càng tự lực cánh sinh bao nhiêu, mối đe dọa từ quyền lực nổi lên của Trung Quốc đối với họ sẽ càng ít bấy nhiêu.

Về lục quân

Trung Á, Mông Cổ, vùng Viễn Đông Nga và Đông Nam Á là những khu vực ảnh hưởng tự nhiên của Trung Quốc. Nhưng những vùng biên giới chính trị ở đây lại không thể thay đổi. Trong khi đó, tình hình trên bán đảo Triều Tiên lại là một câu chuyện khác: về cơ bản, bản đồ Trung Quốc bị cắt cụt ngay tại khu vực này, và biên giới chính trị của bán đảo không quá khó để thay đổi.

Với địa thế vươn ra từ Mãn Châu, bán đảo Triều Tiên kiểm soát toàn bộ giao thông hàng hải ra vào đông bắc Trung Quốc. Tất nhiên không ai thực sự tin rằng Trung Quốc sẽ thôn tính bất cứ phần nào của bán đảo Triều Tiên, nhưng Bắc Kinh vẫn luôn cảm thấy bất tiện khi bị lãnh thổ của quốc gia khác nằm chắn lối ở đó, nhất là phía bắc.

Và mặc dù ủng hộ chế độ của Kim Jong Il, Trung Quốc cũng lên sẵn những kế hoạch cho tương lai thời hậu cầm quyền của Kim. Bắc Kinh mong muốn cuối cùng có thể chiếm quyền kiểm soát kinh tế từng bước đối với khu vực sông Tumen [Đồ Môn]. Đây là ngã ba tự nhiên giữa Trung Quốc, Bắc Triều Tiên và Nga, đồng thời cũng là nơi có các cảng biển tốt nối với Nhật Bản trên Thái Bình Dương.

Vì lẽ này, có lẽ Bắc Kinh sẽ muốn chứng kiến một Bắc Triều Tiên như hiện nay phát triển hiện đại hơn nữa, để từ đó tạo thành một vùng đệm an toàn ngăn cách Trung Quốc với nền dân chủ hưng thịnh và năng động của Hàn Quốc. Tuy nhiên, ngay cả khi bán đảo Triều Tiên tái thống nhất, Trung Quốc vẫn được lợi.

Ví dụ trên bán đảo Triều Tiên đã cho thấy biên giới đất liền của Trung Quốc mang lại nhiều cơ hội tiềm năng hơn là mối đe dọa. Như Mackinder đã kết luận, Trung Quốc có khả năng sẽ phát triển thành một cường quốc cả trên biển và đất liền, ít nhất sẽ đủ sức làm lu mờ Nga tại khu vực lục địa Á-Âu.

Nhà khoa học chính trị John Mearsheimer từng viết trong cuốn “The Tragedy of Great Power Politics” [Bi kịch của chính trị cường quốc]: “Những quốc gia nguy hiểm nhất trong hệ thống quốc tế là những cường quốc lục địa có trong tay lực lượng quân đội khổng lồ.” Đây có thể là nguyên nhân chúng ta phải e ngại tầm ảnh hưởng của Trung Quốc, bởi quốc gia này đang ngày càng trở thành một cường quốc lục địa.

Tuy nhiên, Trung Quốc chỉ khớp với mô tả của Mearsheimer một phần, vì dù quân đội quốc gia sở hữu đến 1.6 triệu binh lính, lực lượng này vẫn khó có thể phát triển được khả năng viễn chinh trong những năm tới. Quân đội Giải phóng Nhân dân (PLA) từng ứng phó với trận động đất Tứ Xuyên 2008, giải quyết vụ bạo động sắc tộc gần đây ở Tây Tạng và Tân Cương và cả thách thức an ninh từ Olympic Bắc Kinh 2008.

Tuy nhiên, theo Abraham Denmark, thuộc Trung tâm An ninh Hoa Kỳ Mới [Center for a New American Security], những thành quả trên chỉ cho thấy PLA đủ khả năng di chuyển lực lượng trong phạm vi đại lục Trung Quốc, chứ vẫn chưa thể vận chuyển quân nhu và các loại vũ khí thiết bị hạng nặng ở một mức độ cần thiết cho các cuộc triển khai quân sự [ở nước ngoài].

Nhưng đạt được khả năng này hay không có lẽ cũng không quan trọng, vì dù sao việc PLA vượt qua biên giới Trung Quốc cũng khó có thể xảy ra trừ trường hợp có tính toán sai lầm (nếu có thêm một cuộc chiến tranh khác với Ấn Độ) hoặc khi cần lấp chỗ trống. Trung Quốc vẫn có thể lấp đầy các khoảng trống quyền lực ở những vùng biên giới tiếp giáp bằng những biện pháp dân số và đầu tư doanh nghiệp mà không cần dùng đến một lực lượng bộ binh viễn chinh theo sau bảo vệ.

Sức mạnh trên đất liền của Trung Quốc phần nào nhờ công đóng góp của các nhà ngoại giao, những người những năm gần đây luôn phải làm việc không ngửng nghỉ để giải quyết hàng loạt tranh chấp biên giới với các nước cộng hòa Trung Á, Nga và những láng giềng khác (Ấn Độ là một ngoại lệ đáng chú ý).

Tầm quan trọng của sự thay đổi này là rõ ràng. Đã không còn thời kỳ một quân đội hùng hậu luôn ngấp nghé Mãn Châu; trong thời kỳ chiến tranh Lạnh, sự hiện diện đáng ngại này đã buộc Mao phải đổ dồn ngân sách quốc phòng của Trung Quốc cho lực lượng bộ binh và sao lãng hải quân.

Vạn Lý Trường Thành là một bằng chứng cho lịch sử luôn phải vật lộn với những cuộc xâm lược trên đất liền dưới nhiều hình thức của Trung Quốc từ thời xa xưa. Nhưng giờ đây tất cả đã là quá khứ.

Còn tiếp…

Robert D. Kaplan, Foreign Affairs

Chuyên mục hợp tác cùng Chuyên trang Nghiên cứu Quốc tế (nghiencuuquocte.org)

Tuần Việt Nam lược trích, chia kỳ và đặt lại tiêu đề.

-----------

MỜI ĐỌC LẠI CÁC KỲ TRƯỚC:

* Kỳ 1: TQ quyến rũ khi họ muốn, bóp nghẹt khi họ cần
* Kỳ 2: Nỗi sợ của Nga và cái bóng lặng lẽ của Bắc Kinh